'Hộp đen' ĐTM và mục tiêu phát triển bền vững
Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 2020. Cho đến trưa ngày bỏ phiếu (17.11.2020), trước giờ Quốc hội bấm nút thông qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết 'điều khoản về việc công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tiếp tục không được chỉnh sửa sau nhiều đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức xã hội'...
Ngày 31.12.2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhắc lại thông điệp về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường và nêu rõ phải mở rộng thông điệp thành “không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế đã nói rồi nhưng bổ sung thành không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế”. Có thể thông điệp này đã được chú ý khi Chính phủ chuẩn bị Dự thảo Luật Văn bản Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi để thay thế Luật 2014. Cũng từ tháng 12.2019, một liên minh các mạng lưới, và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường, năng lượng, sức khỏe và pháp lý tại Việt Nam đã hình thành và góp ý cho dự luật.
Qua những lần sửa đổi, bản dự thảo lần cuối được công bố để góp ý, trang mạng của Quốc hội cho đến tháng 11, tức trước ngày họp bỏ phiếu, vẫn còn được giới chuyên môn về bảo vệ môi trường quan tâm và góp ý. Điều cốt lõi nhất được quan tâm là quyền tiếp cận thông tin của công chúng với và trách nghiệm của doanh nghiệp/nhà đầu tư công khai ĐTM.
Trong Tọa đàm ngày 3.11.2020 có tên “Góc nhìn cộng đồng và chuyên gia đối với luật BVMT sửa đổi" do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam và nhóm Công lý - môi trường - sức khỏe, với 124 thành viên, cùng tổ chức đã có thư đề ngày 2.11 kiến nghị xem xét chưa thông qua Luật BVMT sửa đổi tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội trong tháng 11.
Trong nhiều vấn đề mà các chuyên gia và nhà hoạt động môi trường lo lắng, điều được quan tâm nhất nội dung Điều 131 quy định về nghĩa vụ Công khai thông tin về môi trường theo Luật BVMT 2014 bị gỡ bỏ hoàn toàn. Thay vào đó, Dự thảo mới ở Điều 44 chỉ quy định trách nhiệm của chủ dự án là “Niêm yết công khai quyết định phê duyệt kết quả thẩm định ĐTM tại địa điểm thực hiện dự án hoặc tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã tham vấn trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường”. Ở Điều 45, dự thảo mới cũng chỉ quy định trách nhiệm cho cơ quan thẩm định “Công khai thông tin quyết định phê duyệt kết quả thẩm định ĐTM của dự án theo quy định”.
Việc hủy bỏ Điều 131 Luật BVMT 2014, cản trở công dân tiếp cận thông tin mà họ có quyền được biết quy định ở Điều 17 Luật Tiếp cận Thông tin. Theo đó, thông tin phải được công khai bao gồm:
i) Thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tác động tiêu cực đến sức khỏe, môi trường; kết luận kiểm tra, thanh tra, giám sát liên quan đến việc bảo vệ môi trường, sức khỏe của cộng đồng, an toàn thực phẩm, an toàn lao động;
l) Báo cáo công tác định kỳ; báo cáo tài chính năm; thông tin thống kê về ngành, lĩnh vực quản lý; cơ sở dữ liệu quốc gia ngành, lĩnh vực; thông tin về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; thông tin về danh mục và kết quả chương trình, đề tài khoa học;
n) Thông tin liên quan đến lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng;
Đây cũng chính là các nội dung mà các báo cáo ĐTM phải đề cập theo Điều 41 của Luật BVMT (sửa đổi) dự thảo. Thay đổi này được đánh giá mang lại lợi ích không nhỏ cho các chủ dự án hay nhà đầu tư công nghiệp và năng lượng.
Tiếp thu các kiến nghị của các tổ chức xã hội và giới chuyên môn, Quốc hội đã lùi ngày họp phê duyệt dự luật từ ngày 11 sang ngày 17.11.2020 để có thể sửa đổi. Ngày 15.11, nhóm các liên minh các tổ chức xã hội đã gửi bức thư lần thứ 9 để tiếp tục đề nghị hoãn việc thông qua luật vì “cơ bản vẫn còn nguyên ba tồn tại lớn nêu trong thư kiến nghị của liên minh”.
Cho đến trưa ngày bỏ phiếu, 17.11, trước giờ Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật BVMT sửa đổi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết “điều khoản về việc công khai ĐTM tiếp tục không được chỉnh sửa sau nhiều đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức xã hội”. Ông cho rằng "điều chỉnh này là chưa có sự thay đổi rõ ràng về bản chất của điều luật, vẫn đang hạn chế quyền tiếp cận ĐTM của cộng đồng" và ông kiên trì “đề nghị hoãn thông qua dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi trong kỳ họp này để tiến hành thẩm định lại dự thảo và quyết định vào kỳ họp Quốc hội tới".
Tuy vậy, Quốc hội vẫn biểu quyết chiều 17.11.2020 với kết quả chỉ có 16 đại biểu quốc hội không tán thành, 7 người không biểu quyết trong tổng số 466 đại biểu có mặt ở nghị trường.
Dường như, từ đầu năm 2019, Người Đô Thị đã nêu ra quan ngại, rằng kết quả bỏ phiếu năm nay qua quan sát là "Bộ TNMT đang nhất định tiếp tục “biến tấu” ĐTM và toàn bộ quy trình xung quanh nó trở thành thông tin “mật”, quy chuẩn thành quy phạm pháp luật". Báo đã cảnh báo “chất lượng ĐTM dễ bị những bàn tay lợi ích nhóm “thọc” vào. Và như vậy, rất có thể đất nước không chỉ có một Formosa, Vedan hay Bauxit Tây Nguyên, mà sẽ còn có hàng trăm dự án tương tự...”.
Trước ngày bỏ phiếu dự luật, hậu quả từ những trận bão, lũ lụt, sạt lở đất miền Trung - được coi là lịch sử trong tháng 10 và 11, dường như không có tác động gì đến ý chí những lá phiếu ở nghị trường.
Giờ đây, khi Luật đã được Quốc hội thông qua thì liệu có thể còn có những công cụ để thực hiện được thông điệp của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bảo đảm Việt Nam đạt được Mục tiêu 14 Phát triển bền vững về môi trường? Hiệu quả và khả thi nhất là cách làm như trước: các tổ chức xã hội làm việc với các cộng đồng dễ bị ảnh hưởng hoặc có thể bị ảnh hưởng để tham gia quá trình tham vấn, phản biện khi có các dự án đầu tư. Họ có năng lực để đàm phán với các chủ đầu tư và giám sát tác động của dự án.
Hội nhập thương mại quốc tế cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) mà hàng đầu là trách nhiệm về môi trường rồi kế đó là trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Hướng dẫn thương mại của EU cho thấy, để được hưởng lợi từ việc thương gia Hiệp ước, Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ lao động và môi trường, phải tuân thủ các thỏa thuận môi trường đa phương (MLA), trong đó có các công ước của UN về đa dạng sinh học (CBD), công ước về buôn bán động vật hoang dã (CITES), công ước khung về biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Như vậy, trong lúc trông chờ tới thời điểm rà soát và thay đổi Luật BVMT, cũng có nhiều việc mà các tổ chức xã hội về môi trường có thể làm như trước đây, thậm chí hơn thế nữa bởi những đòi hỏi mới dấn sang lĩnh vực sản xuất thương mại và tiêu thụ bền vững trong một môi trường Việt Nam nhập. Cơ hội này cũng đi liền với thách thức cho giới hoạt động là học cách làm việc thành công với khu vực nhà nước và doanh nghiệp.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/hop-den-dtm-va-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-26366.html