Hợp đồng đào tạo bóng đá trẻ trói buộc, kìm hãm tài năng

'Cầu thủ Việt Nam nên xuất ngoại khi ở tuổi 17-18. Điều đó giúp họ có thời gian để hòa nhập và thích nghi với môi trường nước ngoài', nhà môi giới Jernej Kamensek chia sẻ quan điểm ấy bằng tâm can và hy vọng. Nhưng ông thất vọng vì không một CLB Việt Nam nào có cùng suy nghĩ như thế.

Những bản hợp đồng theo diện đào tạo trẻ đều kéo dài hơn mốc 23 tuổi. Thậm chí có CLB “trói buộc” cầu thủ tới tuổi thứ… 28!

Định nghĩa “trẻ” ở Việt Nam

CLB Hoàng Anh Gia Lai vừa có một thông báo… dũng cảm. Không biết vô tình hay hữu ý nhưng chi tiết liên quan đến ràng buộc độ tuổi với các cầu thủ, theo diện bản hợp đồng trẻ đã được đội bóng phố Núi công khai thông báo.

Những Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn,… chỉ được cởi “vòng kim cô” khi đã 27, 28 tuổi.

Những Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn,… chỉ được cởi “vòng kim cô” khi đã 27, 28 tuổi.

Đội bóng này viết: “Nhằm thu hút các lứa cầu thủ trẻ tài năng gia nhập Học viện, đồng thời tạo điều kiện cho các cầu thủ tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp, kể từ ngày 22/8/2024, Học viện sẽ kí hợp đồng đào tạo đối với các học viên mới với điều khoản phục vụ cho câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai sau khi hoàn thành chương trình đào tạo cho đến hết năm 24 tuổi (thay vì hết năm 28 tuổi như trong hợp đồng đào tạo trước đây)”.

Con số 24 tuổi và 28 tuổi trở thành đề tài được bàn luận sôi nổi ngay sau đó. Bởi thực tế xuyên suốt một thời gian dài, những nghi vấn xoay quanh ràng buộc về lứa cầu thủ tài năng như Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Văn Thanh… với đội bóng phố Núi đã xuất hiện trên khắp các diễn đàn hay mạng xã hội. Để rồi, dù không công khai chi tiết về bản hợp đồng đào tạo trẻ giữa HAGL và những gương mặt kể trên, thì rốt cuộc, bản thân các cầu thủ kể trên cũng mới chỉ thực sự rời đội bóng cách đây 1 mùa giải.

Lúc bấy giờ, Công Phượng ở tuổi 28 chia tay HAGL để đầu quân cho Yokohama FC. Dù đã chuyển tới nhiều đội bóng nước ngoài trong sự nghiệp song sự thực, chân sút sinh năm 1995 mới thực sự có lần chuyển nhượng đúng nghĩa đầu tiên trong cuộc đời, khi chuyển đến Yokohama FC ở J.League 2023. Văn Toàn ở tuổi 27 cũng có lần đầu chia tay HAGL. Anh tự quyết định số phận của bản thân mình bằng việc đến Seoul E-Land. Văn Thanh, Hồng Duy lần lượt cập bến Nam Định và Công an Hà Nội. Trong khi đó, sau rất nhiều những truân chuyên, Xuân Trường cũng tự chọn được cho mình bến đỗ mang tên Hải Phòng, khi bước sang tuổi 28. Khác với những lần trước đó, Trường không còn đi theo diện được HAGL cho mượn!

Đình Bắc vẫn còn thời hạn dài đào tạo trẻ với ràng buộc cùng Câu lạc bộ Quảng Nam

Đình Bắc vẫn còn thời hạn dài đào tạo trẻ với ràng buộc cùng Câu lạc bộ Quảng Nam

Hàng loạt và đồng loạt các cầu thủ ở tuổi 27, 28 tuổi đầy tài năng của HAGL có lần đầu tiên được tự mình chọn lựa điểm đến. Và vô hình trung, dấu hỏi về một sự ràng buộc quá dài từ phía đội bóng phố Núi đối với “gà nòi” đã âm ỉ trong từng ngóc ngách suy nghĩ của người yêu bóng đá Việt Nam. Sau cùng, dù không nói đích danh nhưng việc thay đổi thời hạn hợp đồng đào tạo trẻ, từ 28 tuổi xuống còn 24 tuổi từ phía HAGL cũng đã là một lời thừa nhận.

Dù sao thì như đã phân tích kể trên, đội bóng phố Núi có thể xem là dũng cảm khi dám công khai và dám thay đổi. Bởi lẽ tại V.League nói riêng, không phải CLB nào cũng mạnh dạn chuyển mình, với thời hạn “trói buộc” những cầu thủ ngôi sao như thế. Tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức chuẩn bị có bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên của cuộc đời khi bước sang tuổi 27. Trước đó, anh kết thúc hợp đồng đào tạo trẻ với CLB Thể Công Viettel vào năm 2022. Nhưng sau cùng, anh vẫn đồng thuận ở lại bằng một bản hợp đồng dạng cống hiến có thời hạn thêm 2 năm nữa (bao gồm lót tay).

Tương tự như Hoàng Đức, Quang Hải cũng chỉ chia tay CLB Hà Nội - nơi đào tạo ra anh ở tuổi 25. Hồ Thanh Minh, tân binh của đội bóng thủ đô cũng trải qua lùm xùm về hợp đồng đào tạo trẻ với Huế. Một mặt, anh đã được thanh lý hợp đồng chuyên nghiệp từ chính CLB Huế. Nhưng mặt khác, Thanh Minh vẫn còn bị ràng buộc về một bản hợp đồng… đào tạo trẻ khác từ Đoàn Bóng đá Huế cho đến tháng 2/2025. Ở thời điểm đó, Thanh Minh đã ở tuổi 25 - ngưỡng tuổi không dành cho mỹ từ “thần đồng”.

Câu chuyện của Đình Bắc mới đây cũng tốn nhiều giấy mực. Tài năng trẻ sinh năm 2004 vẫn còn tới 5-6 năm hợp đồng đào tạo trẻ với Quảng Nam. Đồng nghĩa, hoặc CLB muốn có anh phải chi bộn tiền để phá hợp đồng và trả chi phí đào tạo cho đội bóng đất Quảng. Hoặc Đình Bắc cam phận “đánh thuê” ở một CLB khác ngoài Quảng Nam!

Rắc rối hợp đồng trẻ, hợp đồng chuyên nghiệp

Vậy là câu chuyện ràng buộc đào tạo trẻ tại bóng đá Việt Nam, với hàng loạt những dẫn chứng rõ ràng cũng thấy được ranh giới tuổi tác để định nghĩa một cầu thủ vẫn được coi là… trẻ là từ 25 đến 28 tuổi.

Trường hợp của thủ môn Bùi Tiến Dũng rất đặc biệt.

Trường hợp của thủ môn Bùi Tiến Dũng rất đặc biệt.

Thực tế, việc kéo dài tuổi tác của các cầu thủ tại Việt Nam có nhiều động cơ sâu xa. Thứ nhất, khi cầu thủ còn thuộc diện đào tạo trẻ, họ sẽ phải chấp thuận các điều khoản về đãi ngộ, đặc biệt và lương dựa trên quyết định từ CLB. Điều này có thể được điều chỉnh nếu CLB chấp thuận những đề xuất từ phía cầu thủ. Song thay vì có sự cân bằng trên bàn đàm phán, hợp đồng đào tạo trẻ như một “vũ khí” lợi hại giúp đội bóng ở thế “cửa trên” so với cầu thủ mà họ đào tạo.

Thứ hai, thời hạn càng kéo dài, việc sở hữu cầu thủ giỏi do tự đội bóng đào tạo cũng lại càng được tỷ lệ thuận. Trong bối cảnh V.League hiếm có chuyện chuyển nhượng, mua bán cầu thủ giữa các đội bóng, việc nắm trong tay cầu thủ chất lượng càng lâu, đội bóng đó càng thêm hưởng lợi.

Thứ ba, ngay cả khi xảy ra việc chuyển nhượng, hợp đồng đào tạo có giá trị giúp cho CLB có thêm những khoản phí xoay quanh việc đào tạo. Theo quy định từ FIFA, khi cầu thủ ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên ở quốc gia không phải nơi anh ta đào tạo, CLB đăng ký phải có trách nhiệm chi trả khoản phí đào tạo cho CLB cũ. Khoản thanh toán dựa trên khung phân loại Liên đoàn châu lục và xếp loại CLB và nhân theo từng năm đào tạo. Vô hình trung, các CLB nước ngoài cũng vì thế mà không mặn mà tiếp cận các cầu thủ trẻ của Việt Nam. Hoặc nếu có, họ chỉ dừng lại ở việc mượn trong một thời gian ngắn hạn với mục đích thương mại, đánh bóng tên tuổi ở thị trường bóng đá Việt Nam. Bởi hẳn nhiên, các đội bóng nước ngoài sẽ chẳng dại gì bỏ một khoản tiền lớn đền bù hợp đồng lẫn phí đào tạo trẻ để rước về một cầu thủ có trình độ còn thấp hơn mặt bằng chung của nền bóng đá ấy.

Có một chi tiết đáng chú ý. 2 năm trước, Liên đoàn bóng đá Việt Nam còn đưa vào Quy chế bóng đá chuyên nghiệp thêm điều khoản quy định, các câu lạc bộ được phép ký hợp đồng đào tạo trẻ với cầu thủ tới năm 25 tuổi và ngay sau đó đã phải sửa lại 23 tuổi như quy định của FIFA. Nhưng hỡi ôi. Phép vua vẫn thua lệ làng. Các câu lạc bộ vẫn luôn có cách lách luật, không nằm ngoài mục đích trói chân, ràng buộc cầu thủ trẻ với các điều khoản vô lý, thậm chí sai luật. Ngay bản thân CLB HAGL dù đã mạnh dạn điều chỉnh thời hạn ràng buộc với cầu thủ trẻ nhưng vẫn ở mốc 24 tuổi, thay vì 23 tuổi theo điều lệ.

Theo chiều ngược lại, bản thân các cầu thủ vì nhiều lý do, yếu tố mà vô tình hay chấp thuận ký vào những bản hợp đồng có thời hạn tới 5 năm, thậm chí 8 đến 10 năm với câu lạc bộ như một cam kết, cống hiến. Thậm chí đan xen giữa hai dạng hợp đồng là đào tạo trẻ và chuyên nghiệp vẫn có những điều khoản được xem là cống hiến, nhằm kéo dài thời gian CLB sở hữu cầu thủ do mình đào tạo.

“Vòng kim cô” ấy vẫn cứ liên tục niệm chú tại V.League. Các cầu thủ trẻ chỉ cần thiếu kiến thức, không nhận được sự hỗ trợ hoàn toàn có thể bị “cài” vào một bản hợp đồng trói buộc họ cho đến khi đi gần đến sườn dốc bên kia của sự nghiệp!

Những ngoại lệ may mắn

T, một cầu thủ 24 tuổi đang chơi ở giải hạng Nhất suýt xoa tiếc nuối về một lời đề nghị của CLB chuyên nghiệp. Thực tế, T may mắn hơn so với các đồng đội cùng thời khác. Cách đây 2 năm, khi mới chỉ 22 tuổi, đội bóng đào tạo nên T thực hiện màn chuyển giao cho một CLB khác. Trước thời điểm bàn giao lại cho đội bóng mới, chủ tịch của CLB cũ quyết định thanh lý hợp đồng đào tạo trẻ cho nhiều cầu thủ. Trong đó bao gồm cả T. Nhờ vậy, T được thoát khỏi vòng kiểm soát bởi thứ hợp đồng kể trên.

Bẵng một thời gian sau, T nhận được đề nghị đến từ lãnh đạo đội bóng về một bản hợp đồng kéo dài 3 năm. Nhưng khi ấy T từ chối trước khi ký hợp đồng chuyên nghiệp với một đội bóng khác. Sau này, T cảm thấy tiếc nuối vì đã quá lo lắng dẫn tới vội vàng đưa ra lời từ chối. “Giá như khi đó, em hỏi cụ thể chú ý rằng: Đó là hợp đồng trẻ hay chuyên nghiệp và xem kỹ các điều khoản thì ít ra, em không cảm thấy trăn trở cho đến ngày hôm nay”.

Ngoài câu chuyện của T, bóng đá Việt Nam đâu đó cũng chứng kiến trường hợp của thủ môn Bùi Tiến Dũng. Do không thuộc diện đào tạo xuyên suốt ở Thanh Hóa nên hợp đồng mà thủ thành này ký kết với đội bóng xứ Thanh lại thuộc dạng phổ thông thay vì đào tạo trẻ. Nhờ vậy, Tiến Dũng sớm có bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên vào năm 2019 với Hà Nội FC. Con số mà thủ môn sinh năm 1997 nhận được khi đó là 9 tỷ đồng/3 mùa giải. Lúc bấy giờ, Đình Trọng, Quang Hải, Văn Hậu vẫn thuộc diện hợp đồng trẻ tại CLB thủ đô.

Linh Ngọc

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/hop-dong-dao-tao-bong-da-tre-troi-buoc-kim-ham-tai-nang-i741883/