Hợp nhất 3 ban chỉ đạo là bước đột phá trong cải cách hành chính của Hà Nội
Chiều 2-2, tham luận tại phiên họp lần thứ bảy Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, bước đột phá của thành phố là thực hiện hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo gồm: Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 thành 1 Ban Chỉ đạo chung.
Một việc - một đầu mối xuyên suốt
Theo Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, Hà Nội xác định công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 là 3 nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu “lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả công tác của các cấp chính quyền”. Phương thức thực hiện được xác định là “hành động, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới; đẩy mạnh xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước” để phục vụ tốt hơn, mang lại lợi ích thiết thực nhất cho người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, bước đột phá của thành phố là đã thực hiện hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo gồm Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 thành 1 Ban Chỉ đạo chung do Chủ tịch UBND thành phố là Trưởng ban. Đồng thời, chỉ định người đứng đầu các sở, ngành, Chủ tịch UBND các cấp trực tiếp là Trưởng ban chỉ đạo tại đơn vị; với phương châm chỉ đạo “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.
Năm qua, thành phố đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ về cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 thành phố, với 191/191 nhiệm vụ đã được hoàn thành. Trong đó, kết quả nổi bật nhất có thể ghi nhận, đó là người dân Thủ đô đã bước đầu được thụ hưởng nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử. Cụ thể, có 7.060.282 người có thẻ bảo hiểm y tế có thể sử dụng căn cước công dân để khám chữa bệnh; 718/718 (100%) cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố áp dụng việc dùng căn cước công dân để tra cứu thông tin khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế...
Thành phố đã cung cấp 1.872 dịch vụ công trực tuyến/1889 thủ tục hành chính, bằng 99%, trên Cổng Dịch vụ công thành phố và thực hiện tích hợp 917/1.191 dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện, bằng 77% (vượt chỉ tiêu là 70% của năm 2023) trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Toàn bộ người dân Thủ đô được miễn, giảm phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất quy định mức thu bằng không, thời hạn thực hiện đến hết 31-12-2025; thanh toán trực tuyến, thu phí không dùng tiền mặt...
Song song đó, thành phố đã phê duyệt quyết định thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tập trung vào cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết của 211/706 dịch vụ công, đạt 29,8% và vượt 0,8% so với chỉ tiêu Chính phủ đề ra trong năm. Đồng thời, thực hiện ủy quyền giải quyết 578 dịch vụ công (bằng 94%) theo hướng “dịch vụ công cấp nào sát dân, gần dân thì giao cấp đó thực hiện”; giảm tối đa chi phí đi lại, thời gian của người dân khi thực hiện dịch vụ công (ủy quyền tiếp nhận hồ sơ cấp, cấp đổi giấy phép lái xe cho cấp huyện thực hiện tiếp nhận đồng thời với việc thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến); tiếp tục thực hiện phương án ủy quyền giải quyết dịch vụ công năm 2024 đối với 518 dịch vụ công, hiệu lực thực hiện từ 1-1-2024 đến hết 31-12-2025.
Cần quan tâm vấn đề đơn giá, định mức
Từ đầu năm 2024, thành phố cũng đã hoàn thành việc chi trả chế độ an sinh xã hội cho các trường hợp trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bảo đảm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ngành Lao động-Thương binh và Xã hội; tổ chức đăng ký mở tài khoản và các hình thức chi trả không dùng tiền mặt cho các trường hợp thuộc diện hưởng chính sách an sinh xã hội theo nhu cầu, đảm bảo “dù thực hiện dưới hình thức nào theo nhu cầu cũng không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người thuộc diện hưởng chính sách an sinh xã hội”.
Đến nay, thành phố đã có 89,2% đối tượng hưởng an sinh xã hội có tài khoản ngân hàng và 81,61% trường hợp đăng ký nhận qua tài khoản; cập nhật thông tin cho 294.250/296.032 trường hợp (đạt 99,4%) thuộc diện hưởng an sinh xã hội với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và đã làm sạch dữ liệu đối với 293.745 trường hợp (bằng 99%).
Cùng với đó, thành phố đã triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý phục vụ người dân, doanh nghiệp, như tuyến phố không dùng tiền mặt; nghiên cứu giải pháp thu phí không dùng tiền mặt tại các bến xe tĩnh… Về khai thuế điện tử, 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử; 99,5% tổ chức, doanh nghiệp và 100% hộ, cá nhân kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử… Đã có 6.144 doanh nghiệp, hộ kinh doanh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, với số lượng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền đã xuất là 10.801.553.
Ngoài ra, thành phố đã triển khai thí điểm một số mô hình, như Trung tâm phục vụ hành chính công cấp phường (quận Hoàn Kiếm), xây dựng Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố, thí điểm giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới hành chính (lĩnh vực hộ tịch)...
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng nêu một số hạn chế, khó khăn còn tồn tại và kiến nghị, đề xuất giải pháp liên quan vấn đề đơn giá, định mức cho việc thuê dịch vụ bưu chính công ích, về tình trang chia sẻ, kết nối dữ liệu và về tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức…
Từ đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị các bộ, ngành tiếp tục hướng dẫn, kết nối dữ liệu với địa phương để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, liên quan hệ thống đơn giá, định mức, với những vấn đề thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành thì đề nghị các bộ, ngành quan tâm hơn trong thời gian tới để các địa phương triển khai thuận lợi hơn, nhất là với những ngành thuộc lĩnh vực xã hội còn thiếu nhiều đơn giá…