Hợp nhất 4 bộ SGK thành 2 bộ: Đừng lấy 'râu ông nọ cắm cằm bà kia'
Như Báo CAND đã thông tin, theo quyết định phê duyệt Danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chỉ còn ba bộ sách 'Cánh Diều', 'Kết nối tri thức với cuộc sống' và 'Chân trời sáng tạo' được phê duyệt sử dụng trong năm học 2021-2022.
Việc 2 bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" của NXB Giáo dục Việt Nam bất ngờ “biến mất” khỏi danh mục SGK lớp 2 và lớp 6 đã và đang đặt ra nhiều dấu hỏi trong dư luận.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng hệ thống trường Marie Curie Hà Nội cho rằng, mặc dù theo giải thích của NXB Giáo dục Việt Nam, việc hợp nhất từ 4 bộ SGK thành 2 bộ là để tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng SGK và không ảnh hưởng đến việc dạy và học, song giáo viên và phụ huynh vẫn còn rất nhiều băn khoăn.
Theo thầy Khang, đành rằng cả 5 bộ SGK lớp 1 được viết theo một chương trình thống nhất nhưng các bộ SGK đó chắc chắn khác nhau, từ giá tiền, cách in ấn, đến cơ bản nhất là cách tiếp cận chương trình; ở phong cách và ngữ liệu của từng nhóm tác giả. Chính sự khác nhau cơ bản này tạo nên sức thu hút của từng bộ sách. Nếu được học liền mạch một bộ sách từ lớp 1 đến lớp 12, sẽ thuận lợi hơn cho cả giáo viên và học sinh.
Tuy nhiên, với việc 2 bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” bất ngờ “biến mất” trong danh mục SGK lớp 2 và lớp 6, ai dám chọn lại các bộ SGK này khi mà “tuổi thọ” của các bộ sách quá ngắn. Trong trường hợp các địa phương năm nay không lựa chọn thì sẽ gây ra lãng phí công sức, tiền của không hề nhỏ khi hàng nghìn cuốn sách bỗng chốc trở thành giấy vụn.
Cô Nguyễn Thị Lý Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học tại Nghệ An cũng cho rằng, việc hợp nhất 4 bộ SGK thành 2 bộ như cách mà NXB Giáo dục đang làm là một sự lắp ráp cơ học và thiếu hợp lý. Theo cô Hải, mặc dù tất cả SGK đều theo chương trình khung của Bộ GD&ĐT nhưng thực tế, mỗi cuốn có phương pháp sư phạm, cách tiếp cận và lối viết riêng. Ghép bốn bộ thành hai bộ đương nhiên là khiên cưỡng.
“Điều khiến chúng tôi băn khoăn nhất là khi ghép như vậy thì điều chỉnh thế nào cho hợp lý chứ không thể lấy “râu ông nọ cắm vào cằm bà kia” được. Lẽ ra ngay từ đầu, NXB Giáo dục phải lượng sức mình, chỉ nên tập trung nguồn lực làm một bộ SGK cho thật tốt, chứ làm nhiều bộ rồi giờ lại sát nhập, hợp nhất, gây khó khăn cho hàng nghìn giáo viên và học sinh đã chọn các bộ sách này” - cô Hải đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm này, GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Ðỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng: Nếu là hợp nhất các bộ SGK như NXB Giáo dục công bố thì tỷ lệ kiến thức mỗi bộ phải là 50% hoặc hai nhóm tác giả cùng ngồi lại với nhau để có phương án giải quyết thỏa đáng. Tuy nhiên, ở đây, có biểu hiện của sự coi thường kiến thức khoa học, không bình đẳng, thiếu minh bạch trong việc loại hai bộ SGK.
Điều đáng nói là trong năm học 2020-2021, có rất nhiều trường học tại các tỉnh miền núi lựa chọn 2 bộ sách bị hợp nhất này. Đơn cử như tại Sơn La, năm ngoái địa phương có khoảng 30.000 học sinh lớp 1. Toàn bộ học sinh lớp 1 của địa phương này đều chọn một đầu SGK Tự nhiên xã hội thuộc hai bộ sách năm nay "biến mất".
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Sơn La, hiện địa phương đang cho rà soát lại xem năm học 2021- 2022, các trường có chọn lại đầu sách này nữa hay không. Hiện chưa có con số thống kê cụ thể, song có một số nơi muốn chọn lại SGK khác để dễ liên thông khi lên lớp 2, lớp 6, bởi tâm lý chung là các trường sẽ không muốn chọn những cuốn sách bị "bỏ rơi" nửa chừng vì như thế là tự "làm khó" mình. Mà nếu các trường không chọn thì cũng sẽ lãng phí hàng nghìn cuốn sách.
TS.Giáp Văn Dương- chuyên gia giáo dục nêu quan điểm: Việc hợp nhất từ 4 thành 2 bộ SGK chắc chắn ảnh hưởng đến các trường, giáo viên và học sinh đã chọn hai bộ sách này. Nhà trường sẽ bối rối, khó khăn khi giải trình với phụ huynh vì sao lại chọn bộ sách bị "hợp nhất" hay nói cách khác là 'xóa bỏ' như vậy. Với đội ngũ giáo viên, có thể họ sẽ có chút hoang mang bởi nếu năm nay không tiếp tục chọn, họ phải mất công tập huấn và làm quen lại với bộ sách khác.
Những ảnh hưởng này sau một năm sẽ được khắc phục phần nào, và theo thời gian sẽ dịu bớt đi. Nhưng niềm tin của xã hội với những người làm SGK sẽ bị sứt mẻ, không dễ gì khôi phục được. Dù có giải thích thế nào đi chăng nữa thì đây vẫn là sự cố bị đánh giá "mang con bỏ chợ" của NXB Giáo dục Việt Nam đối với những đơn vị đã chọn dùng sách này.