Hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải dự kiến sẽ giảm 15-17 đầu mối
Dự kiến sau khi sắp xếp, hợp nhất, số đầu mối của Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải sẽ giảm từ 42 đơn vị xuống còn 25-27 đơn vị, giảm khoảng 15-17 đầu mối, tương ứng tỉ lệ 35-40%.
Đó là thông tin được ông Hoàng Hải Vân, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Xây dựng) chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025 của ngành xây dựng diễn ra ngày 14-12 tại Hà Nội.
Ông Vân cho hay dự kiến trước ngày 20-12, lãnh đạo Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải sẽ làm việc với Bộ Nội vụ để hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức bộ máy sau hợp nhất, trình Ban chỉ đạo về tổng kết Nghị quyết 18 – NQ/TW của Chính phủ.
Dự kiến tên của hai bộ sau hợp nhất là “Bộ Xây dựng và Giao thông”.
Tên gọi này được đề xuất căn cứ vào quá trình tồn tại lâu dài, phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của từng Bộ trong các giai đoạn trước đây, gắn liền với lịch sử hình thành.
Trong đó, Bộ Xây dựng được thành lập năm 1958 đến nay đã hơn 65 năm. Bộ Giao thông vận tải được thành lập từ năm 1945, đến nay đã gần 80 năm.
Số đầu mối thuộc cơ cấu của hai Bộ trước khi hợp nhất là 42 đơn vị; trong đó Bộ Xây dựng có 19 đơn vị, Bộ Giao thông Vận tải có 23 đơn vị.
Dự kiến sau sắp xếp, hợp nhất, bộ mới còn 25-27 đơn vị, giảm tương đương 35-40% tổng số đầu mối. Trong đó, khối tham mưu tổng hợp gồm 6 đơn vị; khối chuyên ngành có khoảng 14-16 đơn vị; khối sự nghiệp công lập 5 đơn vị.
Cùng với đó, các địa phương hiện cũng đang triển khai xây dựng Đề án hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng; Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở".
Cũng theo ông Vân, Bộ Xây dựng là một trong những bộ ngành đẩy mạnh việc sắp xếp, tổ chức, kiện toàn bộ máy theo hướng thu gọn đầu mối, tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ và tinh giản biên chế theo chủ trương của Trung ương.
Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng đến nay còn 15 đơn vị hành chính, đã giải thể 2 đơn vị hành chính trực thuộc; giảm số lượng đầu mối cấp phòng thuộc từ 57 đơn vị xuống còn 41 đơn vị (tương ứng giảm 19,3%).
Năm 2019, Bộ Xây dựng sáp nhập Phòng Hành chính và Lưu trữ thuộc Văn phòng Bộ Xây dựng thành Phòng Hành chính - Lưu trữ; giảm số lượng cấp phòng thuộc Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản từ 9 đơn vị còn 6 đơn vị; quán triệt bỏ phòng trong Vụ (bỏ toàn bộ phòng trong Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ).
Bộ Xây dựng đã bàn giao nguyên trạng 14 đơn vị về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và địa phương quản lý; Bệnh viện Xây dựng về Đại học Quốc gia Hà Nội quản lý; Bệnh viện Xây dựng Việt Trì và 2 Trung tâm Điều dưỡng - Phục hồi chức năng về địa phương quản lý; hoàn thành việc sáp nhập Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam vào Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia.
Đến nay Bộ Xây dựng còn 18 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2024, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ngành Xây dựng đạt 7,8 - 8,3%, vượt so kế hoạch.
Tỉ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 44,3%; Tỉ lệ dân số khu vực đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 94%; Tỉ lệ thu gom xử lý nước thải là 18%;
Diện tích nhà ở bình quân cả nước đạt 26,5 m2 sàn/người; số lượng căn nhà ở xã hội hoàn thành 21 nghìn căn…
Năm 2025, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu tỉ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt tối thiểu 45%; tỉ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 95%; tỉ lệ thất thoát, thất thu nước sạch tại các đô thị đạt 15%; tỉ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 18,5%.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu diện tích nhà ở bình quân đạt 27m2 sàn/người; số lượng căn nhà ở xã hội hoàn thành: ước hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội.