Hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đầu năm 1930
Vào cuối năm 1929, đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xác định rõ vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tự phê bình và phê bình về những thành kiến giữa các tổ chức cộng sản dẫn đến tình trạng xung đột, công kích lẫn nhau, phải xóa bỏ những khuyết điểm đó và thành thật hợp tác để thống nhất các tổ chức cộng sản, thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.
Cuối tháng 12-1929, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc biết được tin Quốc dân Đảng đang chuẩn bị bạo động và Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên chia ra làm hai nhóm. Người cho rằng, cuộc bạo động của Quốc dân Đảng còn sớm và khó thành công và sự chia rẽ trong Việt Nam cách mạng thanh niên là một điều rất bất lợi "vì chia rẽ thì suy yếu”. Chính vì vậy, Người quyết định từ Xiêm (Thái Lan) trở lại Trung Quốc để liên lạc và bàn lại kế hoạch bạo động với Quốc dân Đảng, đồng thời giải quyết tình trạng chia rẽ trong nội bộ những người cộng sản Việt Nam.
Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết: “Tôi đã cố gắng đi lần thứ ba khi một đồng chí từ Hồng Công tới Xiêm và tin cho tôi biết tình hình Hội An Nam thanh niên cách mạng bị tan rã, những người cộng sản chia thành nhiều phái... Lập tức tôi đi Trung Quốc, tới đó vào ngày 23-12. Sau đó tôi triệu tập các đại biểu của hai nhóm (Đông Dương và An Nam)".
Đúng theo kế hoạch, tới Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn họp tại Hương Cảng, bắt đầu từ ngày 6-1-1930 đến tuần đầu tháng 2-1930 để bàn về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại cuộc họp ngày 6 và 7-1, hai tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đã phê bình lẫn nhau.
Đại biểu đại diện An Nam Cộng sản Đảng cho rằng: “Ở An Nam phải tổ chức Đảng Cộng sản là vì hoàn cảnh An Nam, vì sự giác ngộ của những người cách mạng An Nam mà phải tổ chức” và lý giải nhiều vấn đề vì sao lại tổ chức An Nam Cộng sản Đảng. Các đại biểu An Nam Cộng sản Đảng cho rằng: “Danh nghĩa đảng thì đương nhiên phải xưng, nhưng xưng danh nghĩa đảng gì? Xưng chữ Đông Dương thì không, vì một là Đông Dương là có nhiều nước (Xiêm La, Miến Điện...”. Đồng thời chỉ ra những sai lầm của Đông Dương Cộng sản Đảng về tổ chức không đúng nguyên tắc, chủ trương đối phó đảng phái sai... Đông Dương Cộng sản Đảng lại chưa điều tra rõ hành động của các nhóm cộng sản ở Nam Kỳ.
Đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng khẳng định: Những người cộng sản phải ra mặt không nên hợp lực với các đảng quốc gia tư sản và tiểu tư sản. Trong Đảng cần phải liên lạc mật thiết với sự tiến hành công việc của kẻ cộng sản trong quần chúng. Nếu An Nam Cộng sản Đảng yêu cầu sáp nhập thì Đông Dương Cộng sản Đảng sẽ nhận vào dự bị.
Trước đó, giữa hai tổ chức cộng sản tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xảy ra những mâu thuẫn. Đó là vào tháng 10-1929, đại biểu An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng gặp nhau tại Hồng Công bàn việc hợp nhất nhưng không thành. Đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng đưa ra ý kiến là giải tán tổ chức An Nam Cộng sản Đảng. Đông Dương Cộng sản Đảng sẽ xem xét những người có đủ tư cách của An Nam Cộng sản Đảng để kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Đến đầu tháng 12-1929, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng họp bàn và ra Nghị quyết về vấn đề hợp nhất với An Nam Cộng sản Đảng. Nghị quyết chỉ rõ điều kiện và cách thức hợp nhất là: Hai bên cùng phải xây dựng các chi bộ sản nghiệp, huấn luyện theo Chủ nghĩa Mác-Lênin; định một thời hạn cùng làm việc, vận động nếu cùng năng lực thì hợp nhất.
Đáp trả Nghị quyết của Đông Dương Cộng sản Đảng, cũng vào cuối năm 1929, An Nam Cộng sản Đảng ra Thông cáo đề cập điều kiện và cách thức hợp nhất giữa An Nam Cộng sản Đảng với Đông Dương Cộng sản Đảng như hai bên cử người lập “lâm thời dự bị hợp nhất hội" có quyền hạn cao hơn hết, hoạt động theo nguyên tắc đa số để đặt ra chương trình, kế hoạch hành động, sau khi đặt xong kế hoạch, chương trình thì cử ra “Lâm thời chỉ đạo cả nước" để làm việc và sắp đặt lại các chi bộ cho đến khi thành một đảng chính thức... Thông cáo cũng nêu lên Điều lệ An Nam Cộng sản Đảng quy định rõ điều kiện vào đảng, hệ thống tổ chức, việc tổ chức đại hội, hội chấp hành ủy viên, chi bộ, trung ương, kinh tế, thẩm tra ủy viên, kỷ luật và lời thề. Thông cáo này khiến Đông Dương Cộng sản Đảng không chấp thuận. Tuy vẫn còn những mâu thuẫn nhưng hai tổ chức cộng sản tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu rất rõ yêu cầu chủ trương của nhau, đó là: Con đường đi tới của hai tổ chức vẫn là con đường mong muốn hợp nhất để tập trung sức lãnh đạo của đảng cách mạng chân chính với đất nước.
Vào thời điểm cuối năm 1929 còn xảy ra mâu thuẫn gay gắt giữa Đông Dương Cộng sản liên đoàn với Đông Dương Cộng sản Đảng, khiến Ban lãnh đạo Đông Dương Cộng sản Liên đoàn xác định: “Không tán thành gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng theo các điều kiện do Đông Dương Cộng sản Đảng nêu ra”.
Hiểu rõ những điều này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đánh giá, 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đều khẳng định theo Chủ nghĩa Mác-Lênin; thừa nhận đường lối của Quốc tế Cộng sản; khẳng định tính tất yếu về vai trò lãnh đạo cách mạng, có tinh thần yêu nước, chủ trương làm cách mạng giải phóng dân tộc. Các tổ chức có đóng góp quan trọng góp phần truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam và chuẩn bị cán bộ cho việc thành lập một đảng Mác-Lênin ở nước ta. Tuy nhiên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng. Những khuyết điểm chủ yếu của An Nam Cộng sản Đảng là: “Điều kiện công nhận đảng viên chính thức quá khắt khe, điều kiện gia nhập Công hội, Nông hội, Học sinh hội cũng quá khắt khe”. Đông Dương Cộng sản Đảng thì phạm các sai lầm, khuyết điểm: “Điều kiện công nhận đảng viên chính thức và điều kiện kết nạp vào Công hội quá khắt khe; về mặt tổ chức, đảng có tính chất bè phái, xa quần chúng, làm tan rã hai tổ chức Thanh niên và Tân Việt”.
Trên cơ sở phân tích của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và ý kiến của các đại biểu dự hội nghị, đại diện của các tổ chức cộng sản đã nhận rõ những vấn đề còn khó khăn của cách mạng và thống nhất khẳng định chủ nghĩa cộng sản là mục tiêu vươn tới của nhân dân Việt Nam; con đường đấu tranh của nhân dân Việt Nam là đánh đổ đế quốc và phong kiến, thực hiện giải phóng dân tộc và đem lại ruộng đất cho nông dân, tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra, hiện nay, trong một nước có 3 tổ chức cộng sản tranh giành ảnh hưởng trong công nhân, nông dân, trí thức... thiếu sự nhất trí trong lãnh đạo, chỉ đạo, gây trở ngại cho phong trào cách mạng chung của cả nước. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho cách mạng Việt Nam là phải có một chính đảng cộng sản của giai cấp công nhân thống nhất trong cả nước. Đến đây, 3 tổ chức cộng sản đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình, tình nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.