Hợp nhất ngành Y tế: Lợi ích của người dân được đề cao
Thực hiện chủ trương hợp nhất tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn, cũng như tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên năm 2025 và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh và xã), ngành Y tế Thái Nguyên đã và đang nỗ lực thực hiện các phần việc để hoàn thành tốt nhất các yêu cầu đặt ra. Trong đó, quan tâm đến lợi ích hài hòa của cán bộ và không làm gián đoạn công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Việc hợp nhất ngành y tế 2 tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn sẽ không làm gián đoạn công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong ảnh: Hoạt động điều trị tại Bệnh viện Gang thép.
Không để gián đoạn nhiệm vụ
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 130-KL/TW và 137-KL/TW cùng Nghị quyết 74/NQ-CP của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Sở Y tế Thái Nguyên đã sớm phối hợp với Sở Y tế Bắc Kạn tổ chức cuộc họp cán bộ chủ chốt (ngày 11/4/2025). Cuộc họp không chỉ là dịp để đánh giá lại hiện trạng tổ chức bộ máy mà còn là bước đệm quan trọng để thống nhất phương án sáp nhập sao cho không làm gián đoạn công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo đồng chí Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên: Ngành xác định mục tiêu cao nhất là giữ ổn định hệ thống y tế. Tuy nhiên, đối với các đơn vị dự phòng có cùng chức năng, chúng tôi thống nhất sẽ sáp nhập vào 1 đầu mối để tăng hiệu quả điều hành và quản lý. Bao gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Giám định pháp y và Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm và thiết bị y tế.
Với phương châm lấy người dân làm trung tâm trong tiến trình cải cách, một mô hình mới được Sở Y tế đề xuất đó là "một sở, hai trụ sở": Trụ sở chính đặt tại TP. Thái Nguyên, trụ sở thứ hai tại TP. Bắc Kạn. Cách làm này giúp người dân Bắc Kạn tiếp cận dịch vụ y tế mà không phải di chuyển xa, trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả vận hành chung.

Một trong những nội dung được ngành Y tế đề xuất đó là mỗi xã, phường có 1 trạm y tế nhưng sẽ có nhiều điểm trạm, giúp việc tiếp cận dịch vụ của người dân được thuận lợi nhất.
Đơn cử như với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), sau sáp nhập sẽ hoạt động theo mô hình “hai cơ sở - một pháp nhân”. Cơ sở 1 tại Thái Nguyên giữ vai trò trung tâm điều hành, trong khi cơ sở 2 tại Bắc Kạn vẫn duy trì các dịch vụ thiết yếu như xét nghiệm, khám bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe và phòng chống dịch.
Bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc CDC Thái Nguyên: Mục tiêu cao nhất của việc sáp nhập CDC Thái Nguyên và CDC Bắc Kạn là xây dựng một Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hợp nhất có tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên cả hai địa bàn. Trung tâm hợp nhất sẽ nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, tối ưu hóa nguồn lực và đảm bảo cung cấp dịch vụ y tế dự phòng liên tục, đồng bộ, chất lượng hơn cho người dân.
Tạo sự đồng thuận
Điểm đặc biệt trong Đề án sáp nhập ngành Y tế là cách tiếp cận "tinh giản mềm" - tức là không bắt buộc cắt giảm nhân sự, mà tận dụng chính sách tự nguyện nghỉ theo Nghị định 178/2025/NĐ-CP để giảm trùng lắp. Hầu hết ở các đơn vị, đều có cán bộ xin nghỉ nên ở một khía cạnh nào đó, việc bố trí sắp xếp cán bộ thuận lợi hơn. Đơn cử như CDC Bắc Kạn, hơn 20 cán bộ (trong đó có cả giám đốc và 2 phó Giám đốc) đã xin nghỉ, giúp thuận lợi trong công tác bố trí nhân sự từ hai bên, tránh tình trạng “thừa người, thiếu việc”.
Phương án nhân sự của sở hợp nhất cũng được xây dựng trên cơ sở khoa học, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tế. Ban Giám đốc Sở Y tế mới sẽ gồm 1 giám đốc và 9 phó giám đốc, đảm bảo đủ năng lực điều hành trên một địa bàn rộng. Trong đó, cán bộ từ Bắc Kạn cũng được bố trí vị trí lãnh đạo tại trụ sở thứ hai, thể hiện sự tôn trọng và công bằng.
Quá trình chuẩn bị Đề án diễn ra nghiêm túc và cẩn trọng. Cả hai đơn vị đã cùng rà soát, thống nhất phương án tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng, ban sau sáp nhập, đảm bảo kế thừa hợp lý mà vẫn hiện đại, gọn nhẹ. Các đơn vị sự nghiệp như bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm chuyên khoa đều được đánh giá lại năng lực hoạt động, xây dựng phương án tổ chức lại phù hợp.

Người dân mong muốn, sau khi thực hiện hợp nhất, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong đó có tiêm chủng cho trẻ em vẫn thuận lợi như trước.
Để đảm bảo việc sắp xếp diễn ra thuận lợi, ngay từ khi bắt đầu triển khai, lãnh đạo sở y tế 2 tỉnh luôn chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, động viên cán bộ, nhân viên nhằm tạo sự đồng thuận với định hướng mới. Nhờ đó, theo lãnh đạo ngành Y tế Thái Nguyên, đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận phản ánh tiêu cực hay sự không đồng thuận nào từ đội ngũ cán bộ.
Kỳ vọng về sự thay đổi lớn
Việc hợp nhất các Sở Y tế không chỉ là một bước trong quá trình sáp nhập đơn vị hành chính, mà còn là dấu ấn của cải cách hành chính ngành Y tế thời kỳ mới. Khi hoàn tất, mô hình hợp nhất này sẽ không chỉ tiết kiệm ngân sách dành cho hoạt động chi thường xuyên, mà còn giúp nâng cao chất lượng y tế toàn vùng Thái Nguyên - Bắc Kạn, đặc biệt trong công tác dự phòng và kiểm soát dịch bệnh.
Đối với việc sáp nhập các trạm y tế khi thực hiện chính quyền 2 cấp thì tổng số xã, phường, thị trấn của 2 tỉnh sẽ giảm từ 60-70% (tỉnh Thái Nguyên dự kiến giảm 68,02%). Như vậy, trung bình mỗi xã, phường mới được thành lập trên cơ sở của 3 xã phường gộp lại. Tại mỗi xã, phường mới được đặt trụ sở đều đã có 1 trạm y tế. Khi sáp nhập lại, theo hướng dẫn của Trung ương, Bộ Y tế, các trạm y tế đó vẫn cơ bản được giữ nguyên để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Chỉ những trạm y tế gần nhau, ngành Y tế mới đề xuất để lại 1 trong 2 trạm hoặc cũng có thể trên 1 xã, phường chỉ có 1 trạm y tế nhưng sẽ có nhiều điểm trạm, giúp việc tiếp cận dịch vụ của người dân được thuận lợi nhất.
Dù phía trước vẫn còn những khó khăn về bố trí nhân sự, hài hòa cơ sở vật chất và đồng bộ quy trình nghiệp vụ, nhưng với quyết tâm chính trị và sự đồng lòng trong hệ thống, ngành Y tế Thái Nguyên đang dần hiện thực hóa mô hình tổ chức "tinh gọn, hiệu quả, bền vững" - đúng như tinh thần mà Trung ương chỉ đạo.