Hợp sức cứu bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay
Sau hơn 3 tháng được các y, bác sĩ của các bệnh viện, đặc biệt là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai dồn sức chữa trị, 2 trong số 3 bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum sau khi ăn pate Minh Chay đã được xuất viện.
Còn bệnh nhân N.T.T. (20 tuổi, ngụ TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch) là bệnh nhân bị nặng nhất vẫn đang được tiếp tục điều trị, tình hình sức khỏe đã cải thiện hơn rất nhiều, cai được máy thở, có thể ngồi dậy được với sự hỗ trợ của người nhà.
* Tận tình chăm sóc bệnh nhân
2 bệnh nhân được xuất viện là chị N.T.N.T. (24 tuổi, ngụ H.Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và chị T.T.G. (26 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế, tạm trú tại H.Nhơn Trạch).
Chị N.T. cho biết, 3 người là bạn, làm chung công ty đóng trên địa bàn H.Nhơn Trạch. Do có sở thích ăn chay nên ngày 14-7 họ đã đặt sản phẩm pate Minh Chay qua mạng, đến ngày 24-7 thì lấy pate ra ăn trong giờ cơm trưa tại công ty. Đến ngày 27 và 28-7, các bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện như: liệt tay, chân, sụp mí, khó nuốt, cứng họng, suy hô hấp, được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Bà Rịa.
Do bệnh diễn tiến nặng nên đến đầu tháng 8, cả 3 bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, một trong 3 bệnh nhân tỉnh lại, kê ra các loại thức ăn đã ăn trong những ngày trước đó, trong đó có pate Minh Chay. Nghi ngờ, người nhà bệnh nhân T.T. đã mang hũ pate Minh Chay đến cơ quan chức năng để làm xét nghiệm và phát hiện sản phẩm bị nhiễm độc tố.
Sau một thời gian được điều trị tích cực ở Bệnh viện Chợ Rẫy, 2 bệnh nhân ngụ ở H.Nhơn Trạch được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để tiếp tục điều trị. Còn bệnh nhân N.T. được chuyển về Bệnh viện Bà Rịa, sau đó cũng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Sau 2 tháng điều trị tại đây, 2 bệnh nhân N.T. và T.G. đã hồi phục sức khỏe gần như hoàn toàn, có thể tự sinh hoạt, đi lại. Bệnh nhân N.T. đã tự ăn được bằng miệng, riêng chị T.G. vẫn còn đang cần sự hỗ trợ của ống thông dạ dày nhưng tiến triển tốt.
“Chúng tôi được các bác sĩ quan tâm, chăm sóc rất tận tình. Nếu chúng tôi có các biểu hiện như sốt, ho, các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm hoặc chụp X-quang ngay để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị tích cực. Chúng tôi rất biết ơn các bác sĩ, điều dưỡng đã dốc sức điều trị cho chúng tôi trong thời gian qua” - chị N.T. chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Ánh, mẹ bệnh nhân N.T. bộc bạch, hơn 3 tháng qua, 2 vợ chồng bà luân phiên lên bệnh viện để chăm sóc con. Đến nay, tiền viện phí tại 3 bệnh viện khoảng hơn 200 triệu đồng, tiền chi phí sinh hoạt hơn 100 triệu đồng. Đến nay con gái đã được xuất viện, gia đình bà rất vui mừng. Sau đợt này, gia đình sẽ lưu ý trong việc lựa chọn thực phẩm, cố gắng tự nấu ăn để đảm bảo an toàn, vệ sinh, hạn chế ăn đồ chay làm sẵn.
* Tiếp tục tập vật lý trị liệu
BS CKII Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ, lần đầu tiên tiếp nhận 3 ca ngộ độc Botulinum, các ca bệnh nhập viện không cùng lúc, không điều tra được nguyên nhân nên bệnh viện chưa chẩn đoán được bệnh. Song, với tinh thần trách nhiệm, cứu người hơn cứu hỏa, các khoa, phòng của bệnh viện từ Khoa Cấp cứu đến Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Nội thần kinh, Phục hồi chức năng… đã cùng hợp sức, cứu các bệnh nhân qua cơn nguy kịch, tiến triển bệnh tốt và đến nay đã có 2 bệnh nhân được xuất viện.
BS Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, điều mà các bác sĩ lo ngại nhất trong quá trình điều trị là bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao nếu bị nhiễm khuẩn bệnh viện trong khi thở máy. Bên cạnh đó, do các bệnh nhân còn trẻ và trước đó khỏe mạnh nhưng đột ngột rơi vào tình thế thập tử nhất sinh nên ngoài điều trị bệnh, các bác sĩ còn phải điều trị tâm lý cho bệnh nhân, trấn an tinh thần người nhà.
Chị Lê Ngọc Phượng, Trưởng phòng Âm ngữ trị liệu Khoa Phục hồi chức năng cho hay, lúc đầu cả 3 bệnh nhân đều có vấn đề về nuốt và ngôn ngữ ở mức độ khác nhau. Sau một thời gian tập cơ nuốt, bệnh nhân N.T. đã bình phục rất tốt, chỉ 1-2 tuần nữa là có thể ăn uống bình thường. Còn bệnh nhân G. sau khi xuất viện sẽ được hướng dẫn tập cơ nuốt giai đoạn đầu ở nhà để có thể bỏ được ống xông. Riêng bệnh nhân T.T. sẽ tiếp tục được kích thích phản xạ nuốt bằng máy, bằng tay, kích thích thần kinh và cơ nuốt.
Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đặng Hà Hữu Phước cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện tất cả những gì tốt nhất cho các bệnh nhân. Không chỉ điều trị trực tiếp, chúng tôi còn nhiều lần hội chẩn từ xa với các bệnh viện tuyến trên để đưa ra phương án điều trị hiệu quả nhất”.