Hợp tác duy trì luật pháp và quy tắc quốc tế ở Biển Đông
Trong cuộc gặp với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tái khẳng định sức mạnh của liên minh giữa Mỹ và Philippines, đồng thời nhắc lại cam kết của Mỹ đối với việc duy trì các luật lệ và quy tắc quốc tế bao gồm ở Biển Đông cũng như cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ đảo quốc này.
Căng thẳng trên biển gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đang có chuyến thăm Mỹ 4 ngày từ 30-4 tới 3-5 theo lời mời của Tổng thống Joe Biden nhằm “tái khẳng định mối quan hệ đặc biệt giữa Philippines và Mỹ” - như lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos. Đây là chuyến công du Mỹ đầu tiên của Tổng thống Ferdinand Marcos sau khi nhậm chức hồi tháng 6-2022 và chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Philippines tới Mỹ trong hơn 10 năm qua.
Trong khuôn khổ chuyến công du Mỹ, Tổng thống Ferdinand Marcos đã có cuộc gặp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào ngày 2-5 tại Thủ đô Washington. Tại cuộc gặp, Phó Tổng thống Kamala Harris tái khẳng định sức mạnh của liên minh giữa Mỹ và Philippines và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng các mối quan hệ an ninh, kinh tế và nhân dân. Trong cuộc gặp đề cập nhiều tới với vấn đề an ninh cũng như hợp tác song phương trong lĩnh vực này, nữ Phó Tổng thống Mỹ hoan nghênh việc Tổng thống Ferdinand Marcos công bố 4 địa điểm mới theo “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường Mỹ - Philippines” nhằm củng cố an ninh của Philippines, đồng thời đầu tư cho các cộng đồng địa phương. Bà Kamala Harris cũng nhắc lại cam kết của Mỹ đối với việc duy trì các luật lệ và quy tắc quốc tế bao gồm ở Biển Đông cũng như cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ Philippines theo Điều 4 của Hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước (ký năm 1951).
Việc Mỹ cùng Philippines nhấn mạnh tới củng cố sức mạnh đồng minh, hợp tác an ninh, duy trì các luật lệ và quy tắc quốc tế bao gồm ở Biển Đông diễn ra trong bối cảnh vùng biển chiến lược này lại “dậy sóng” bởi những căng thẳng mới diễn ra ngay trước thềm chuyến công du Mỹ của Tổng thống Ferdinand Marcos. Trong đó, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines tại tuyên bố ngày 28-4 vừa qua đã cáo buộc tàu Trung Quốc có “các hành động nguy hiểm” chặn tàu tuần tra nước này ở Biển Đông. Theo Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã “thực hiện các thao tác nguy hiểm”, chạy cắt mặt ở khoảng cách khoảng 46m so với tàu Philippines.
Trong khi đó, 2 tàu hải cảnh khác của Trung Quốc thể hiện “chiến thuật hung hăng”, tạo ra các “mối đe dọa đáng kể cho sự an toàn và an ninh của tàu Philippines và thủy thủ đoàn”. Cũng theo lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra dài 1.670km từ ngày 18 đến 24-4 với sự tham gia một nhóm nhà báo, trong đó có 3 phóng viên hãng AP (Mỹ), lực lượng này đã xác định được hơn 100 “tàu dân quân biểnTrung Quốc” hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Cuộc tuần tra này như một phần chiến lược mới nhằm đối phó với các hành động “hung hăng, gây hấn” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phản ứng trước vụ việc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết sự việc trên xảy ra là do lỗi của tàu Philippines. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tàu Philippines “hành động khiêu khích và có tính toán trước” trước tàu nước này. Trước đó, vào tháng 2-2023, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cũng cáo buộc 1 tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu tia laser “cấp độ quân sự” vào 1 tàu tuần tra của nước này trên Biển Đông. Tia laser từ tàu hải cảnh Trung Quốc khiến một số cảnh sát biển Philippines mất thị lực tạm thời.
Mỹ cam kết bảo vệ Philippines, bao gồm cả ở Biển Đông
Có thể thấy, mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos đã không còn “ấm áp” và “yên ả” như thời người tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Có thể nói, những năm Tổng thống Rodrigo Duterte cầm quyền (từ tháng 6-2016 đến tháng 5-2022), mối quan hệ vốn được xem là đồng minh thân cận trong nhiều thập kỷ giữa Mỹ và Philippines xuống tới mức thấp chưa từng thấy. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Rodrigo Duterte không thực hiện bất cứ một chuyến công du nào tới Mỹ, điều được chính ông tuyên bố thẳng thừng sau khi lên cầm quyền rằng: “Tôi sẽ không bao giờ thăm Mỹ”. Lạnh nhạt với đồng minh truyền thống nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte lại coi trọng quan hệ và thường xuyên có những tuyên bố “nồng ấm” về quan hệ với Trung Quốc.
Tổng thống Ferdinand Marcos ngay từ khi tranh cử cũng như lên cầm quyền đã cho thấy cách tiếp cận ngoại giao mới của so với người tiền nhiệm khi xích lại gần đồng minh truyền thống Mỹ và từng bước cứng rắn với Trung Quốc. Mối quan hệ đồng minh giữa Philippines và Mỹ khi Tổng thống Ferdinand Marcos lên cầm quyền đã khác biệt với sự lạnh nhạt dưới thời tiền nhiệm của Tổng thống Rodrigo Duterte. Có thể dễ dàng thấy rõ điều này qua hàng loạt các bước đi hợp tác thời gian qua trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, bao gồm Philippines cho phép Mỹ mở rộng tiếp cận căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này; nối lại đối thoại theo hình thức 2+2 (đối thoại giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước); và lần đầu tiên sau 1 thập kỷ, Tổng thống Philippines có mặt tại cuộc tập trận quân sự chung Balikatan lớn nhất với Mỹ. Chuyến thăm chính thức đến Mỹ lần này của Tổng thống Ferdinand Marcos tiếp tục đánh dấu giai đoạn chứng kiến hợp tác bền chặt trong quan hệ đồng minh Philippines - Mỹ.
Việc “cài đặt” lại mối quan hệ gắn bó với Mỹ cũng phù hợp với chính sách đối ngoại nhiều thập kỷ qua của Philippines - quốc gia được Mỹ bảo vệ theo Hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước. Xích lại gần hơn với Mỹ không đồng nghĩa với việc Philippines rời quá xa quan hệ với Trung Quốc, cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, đặc biệt là có hợp tác kinh tế ngày càng quan trọng với các quốc gia trong khu vực.
Tổng thống Ferdinand Marcos luôn khẳng định theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng hơn với các nước lớn. Ông từng nhấn mạnh, “lợi ích của người dân Philippines, lợi ích quốc gia sẽ được đặt lên hàng đầu và không bao giờ được thỏa hiệp”. Cải thiện và thúc đẩy liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ nhưng đến nay chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos vẫn được cho là xử lý tốt quan hệ với cả 2 nước lớn Mỹ và Trung Quốc, khi vừa tìm cách duy trì và phát triển quan hệ đồng minh với Mỹ, vừa tiếp tục hợp tác về kinh tế với Trung Quốc mà không quá phụ thuộc vào một cường quốc nào.
Việc chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos duy trì chính sách đối ngoại theo hướng cân bằng hơn vẫn được xem là sự thay đổi đáng kể so với sự lãnh nhạt trong quan hệ giữa quốc gia này và Mỹ, quốc gia luôn khẳng định có lợi ích sống còn ở Thái Bình Dương cùng sự tuân thủ luật lệ và quy tắc quốc tế, bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trong bối cảnh khu vực và Biển Đông luôn tiềm ẩn căng thẳng bởi tranh chấp lợi ích chiến lược và chủ quyền, tăng cường quan hệ hợp tác an ninh với một đồng minh truyền thống như Philippines là điều mà Mỹ luôn mong muốn, đồng thời cũng luôn khẳng định cam kết bảo vệ mạnh mẽ với quốc gia này. Thế nên, ngay sau khi Philippines lên tiếng cáo buộc tàu Trung Quốc có “các hành động nguy hiểm”, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lập tức lên tiếng “kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt hành động khiêu khích và không an toàn”, đồng thời nhấn mạnh rằng “Mỹ sẽ đáp trả trước bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào lực lượng vũ trang Philippines”.
Tổng thống Joe Biden trong cuộc hội đàm với Tổng thống Ferdinand Marcos tại Nhà Trắng đã khẳng định, “Mỹ cam kết bảo vệ Philippines, bao gồm cả ở Biển Đông”. Một tuyên bố chung sau đó nêu rõ, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhắm vào các lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines ở Thái Bình Dương, kể cả ở Biển Đông, sẽ dẫn đến các cam kết phòng thủ chung của Mỹ theo Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951.