Hợp tác giữa các tỉnh, thành phía Bắc Việt Nam với tỉnh Vân Nam: Cánh cửa hợp tác đang rộng mở

Hợp tác địa phương đã và đang trở thành một khía cạnh quan trọng trong quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc, phát huy ưu thế về địa lý và tiềm năng thế mạnh, các bộ, ngành, địa phương phía Bắc của Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đã tiếp tục đẩy mạnh giao lưu hữu nghị và hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực, không ngừng đạt được tiến triển mới.

Hội nghị Hợp tác Hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc) tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 24-26/10/2019.

Hội nghị Hợp tác Hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc) tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 24-26/10/2019.

Hợp tác đa dạng và nhiều mặt

Trong thời gian qua, hợp tác địa phương trên các lĩnh vực giữa tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với các tỉnh, thành phía Bắc Việt Nam, trong đó có các tỉnh biên giới Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Hà Giang, đã có những bước phát triển quan trọng, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, thể hiện ở sáu trọng tâm hợp tác như sau:

Về trao đổi đoàn cấp cao, năm 2019, Lãnh đạo nhiều tỉnh phía Bắc của Việt Nam như: Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh đã sang thăm và làm việc với Lãnh đạo tỉnh Vân Nam. Qua trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Trần Hào, hai bên đã đạt được thống nhất về nhiều nội dung mang tính định hướng nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác giao lưu thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch và giáo dục trong thời gian tới.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Măt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài đã dẫn đầu Đoàn Đại biểu Ủy ban Trung ương Măt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Mặt trận Tổ quốc các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng sang tỉnh Vân Nam tiến hành hoạt động giao lưu với Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.

Về phía Vân Nam, lần đầu tiên trong một năm có bốn đoàn cấp cao sang thăm Việt Nam, trong đó có Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam Nguyễn Thành Phát, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Vương Dư Ba, Phó Tỉnh trưởng Thường trực tỉnh Vân Nam Tông Quốc Anh, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam Lý Mã Lâm đã tiến hành thăm Việt Nam và làm việc tại các tỉnh, thành phố Yên Bái, Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh nhằm tăng cường giao lưu hữu nghị và thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai bên.

Bên cạnh đó, tháng 8/2020, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai đã thăm và làm việc tại tỉnh Vân Nam. Trong hội đàm với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Trần Hào, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hơn nữa hợp tác hữu nghị trên các lĩnh vực giữa các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam, nhất là các tỉnh, thành phía Bắc của Việt Nam với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Về trao đổi thương mại song phương, hai bên đã có những bước phát triển tích cực. Năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam - Vân Nam đạt 4,47 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2018. Trong sáu tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái do đại dịch Covid-19, kim ngạch hai chiều đạt 2,03 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh Nguyễn Trung Hiếu (giữa) và Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Vân Nam Phùng Chấn tham dự Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang, ngày 8/6/2021.

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh Nguyễn Trung Hiếu (giữa) và Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Vân Nam Phùng Chấn tham dự Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang, ngày 8/6/2021.

Về kết nối liên thông giữa hai bên, Việt Nam và tỉnh Vân Nam hiện có 10 tuyến đường vận chuyển quốc tế. Năm 2019, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên được vận chuyển bằng đường sắt đạt 597,3 nghìn tấn, tăng 10,69% so với năm 2018; hiện có bảy tuyến hàng không từ Vân Nam tới sáu tỉnh, thành phố của Việt Nam. Năm 2019, hai bên đã mở thêm hai tuyến hàng không từ Côn Minh đi Hải Phòng (tháng 9/2019) và Côn Minh đi Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 1/2020).

Về cơ chế hợp tác, hiện nay, tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và các địa phương của Việt Nam có hai cơ chế hợp tác, bao gồm: Hội nghị Hành lang kinh tế Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc) và Hội nghị Nhóm công tác liên hợp giữa tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc). Đến nay, hai cơ chế này lần lượt đã tiến hành chín phiên họp và bảy phiên họp.

Tại phiên họp lần thứ chín Hội nghị Hành lang kinh tế Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc) năm 2019, tỉnh Yên Bái đã tham gia cơ chế này, thể hiện khung hợp tác giữa tỉnh Vân Nam với Việt Nam không ngừng phát triển.

Với hai cơ chế hợp tác này, các tỉnh phía Bắc Việt Nam và tỉnh Vân Nam đã không ngừng thúc đẩy hiệu quả hợp tác trên lĩnh vực thương mại, giao lưu nhân dân, xây dựng cửa khẩu, quản lý biên giới.

Về hợp tác thành phố hữu nghị, hiện nay, một số tỉnh của Việt Nam và tỉnh Vân Nam đã ký kết 12 cặp tỉnh, thành phố kết nghĩa, trong đó có tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) với thành phố Mông Tự (châu Hồng Hà), thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang) với thành phố Văn Sơn (châu Văn Sơn), và thành phố Đà Nẵng với thành phố Côn Minh.

Về hợp tác giáo dục và y tế, tỉnh Yên Bái đã hợp tác với tỉnh Vân Nam tiến hành bồi dưỡng Lớp nguồn cán bộ trẻ. Năm 2019, tỉnh Yên Bái đã cử 65 cán bộ trẻ sang tham gia Lớp bồi dưỡng cán bộ trẻ tại trường Đảng Tỉnh ủy Vân Nam.

Ngoài ra, tỉnh Vân Nam đã tích cực cấp học bổng cho sinh viên các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái và Hải Phòng. Năm 2020, 12 suất học bổng Chính phủ Trung Quốc và 34 suất học bổng Chính phủ Vân Nam đã được cấp cho sinh viên Việt Nam. Năm 2019, tỉnh Vân Nam đã tiến hành hai hoạt động mổ đục thủy tinh thể theo chương trình “Hành trình Ánh sáng” tại thành phố Hải Phòng.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang và thành phố Hải Phòng của Việt Nam đã sớm trao tặng vật tư y tế phòng chống dịch cho tỉnh Vân Nam. Còn tỉnh Vân Nam cũng kịp thời trao tặng vật tư y tế cho tỉnh Yên Bái và tỉnh Lai Châu. Hai bên đã phối hợp tốt trong công tác phòng chống dịch Covid-19, cùng nhau vượt qua khó khăn, thể hiện sâu sắc tình cảm tương thân tương ái, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn.

Tổng Lãnh sự Nguyễn Trung Hiếu và lãnh đạo châu Hồng Hà tham quan Khu di tích Cha Ni Pi - nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Vân Nam lần thứ nhất, tháng 6/2021.

Tổng Lãnh sự Nguyễn Trung Hiếu và lãnh đạo châu Hồng Hà tham quan Khu di tích Cha Ni Pi - nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Vân Nam lần thứ nhất, tháng 6/2021.

Vì một tương lai rộng mở

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác toàn diện với tỉnh Vân Nam, đóng góp xứng đáng đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc lên tầm cao mới, tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất là, tăng cường trao đổi đoàn các cấp. Trên cơ sở thành quả quan hệ hữu nghị mật thiết đã đạt được, hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động trao đổi đoàn giữa Lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương, chính giới, học giả của Việt Nam sang thăm và làm việc tại tỉnh Vân Nam nhằm thúc đẩy hợp tác thiết thực giữa Việt Nam với tỉnh Vân Nam.

Thứ hai là, nâng cao hơn nữa hợp tác thực chất trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và tiềm năng. Năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam với tỉnh Vân Nam chỉ chiếm 3,8% kim ngạch thương mại Việt - Trung.

Với tiềm năng tăng trưởng, không gian hợp tác và xu hướng dịch chuyển chuỗi thương mại quốc tế lớn, hai bên cần tranh thủ và sử dụng tốt việc trao đổi đoàn cấp cao, các cơ chế hợp tác và kết quả của kết nối liên thông, thúc đẩy hơn nữa hợp tác thực chất về kinh tế - thương mại, mở rộng quy mô xuất nhập khẩu về điện năng, nông sản, khoáng sản, hải sản; tăng cường hợp tác về logistics, xúc tiến đầu tư, giới thiệu sản phẩm...; đặc biệt là nâng cao hơn nữa năng lực và quy mô thông quan hàng hóa tại các cặp cửa khẩu trên bộ giữa hai bên. Đồng thời, tích cực triển khai thực chất, có hiệu quả hợp tác về nông nghiệp công nghệ cao, du lịch thông minh, lao động nghề, y tế dưỡng sinh là những lĩnh vực có thế mạnh và tiềm năng hợp tác lớn.

Thứ ba là, tăng cường quản lý biên giới, chung tay xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị. Hai bên cần hợp tác mật thiết hơn nữa, tạo điều kiện cho việc giao lưu hữu nghị, thông quan hàng hóa và hợp tác kinh tế - thương mại; đồng thời tăng cường quản lý, hợp tác phòng chống tội phạm vượt biên trái phép, buôn lậu và vận chuyển ma túy qua biên giới, đóng góp tích cực vào xây dựng biên giới trên bộ Việt-Trung thành biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Tổng Lãnh sự Nguyễn Trung Hiếu và Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Vân Nam Hách Côn tại Lễ bàn giao 160 máy tạo oxy cho 8 tỉnh/thành Việt Nam trong khuôn viên nhà máy CMC, Thành phố Ngọc Khê, Trung Quốc, tháng 8/2021.

Tổng Lãnh sự Nguyễn Trung Hiếu và Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Vân Nam Hách Côn tại Lễ bàn giao 160 máy tạo oxy cho 8 tỉnh/thành Việt Nam trong khuôn viên nhà máy CMC, Thành phố Ngọc Khê, Trung Quốc, tháng 8/2021.

Thứ tư là, tăng cường hợp tác phòng chống đại dịch Covid-19. Sau khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, cơ quan chức năng các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang của Việt Nam đã phối hợp với cơ quan chức năng biên giới tỉnh Vân Nam thực hiện quản lý tốt đường biên giới, góp phần vào thành công chung của công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của hai nước.

Thời gian tới, các địa phương và lực lượng chức năng khu vực biên giới cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở khu vực biên giới, bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân hai nước.

Hợp tác địa phương đã và đang trở thành một khía cạnh quan trọng trong quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. Những nỗ lực mà tỉnh Vân Nam và các tỉnh phía Bắc Việt Nam cùng nhau đạt được trong thời gian qua là minh chứng sáng rõ cho thấy hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, không chỉ thể hiện ở hơn 70 năm qua, mà sẽ còn tiếp tục chảy trong tương lai.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hop-tac-giua-cac-tinh-thanh-phia-bac-viet-nam-voi-tinh-van-nam-canh-cua-hop-tac-dang-rong-mo-160246.html