Hợp tác hải quan quốc tế ngăn chặn buôn lậu, hàng giả

Hải quan Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết và triển khai khoảng 30 văn kiện thỏa thuận hợp tác với các tổ chức quốc tế và gần 40 điều ước và thỏa thuận quốc tế với hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việc này đã giúp áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong quản lý hải quan, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đảm bảo an ninh, chủ quyền và lợi ích kinh tế quốc gia.

Chiến dịch Con Rồng Mê Kông qua 6 giai đoạn đã được nâng tầm, mở rộng quy mô triển khai và thu nhiều kết quả. Ảnh: Minh Phương

Chiến dịch Con Rồng Mê Kông qua 6 giai đoạn đã được nâng tầm, mở rộng quy mô triển khai và thu nhiều kết quả. Ảnh: Minh Phương

Hợp tác chống lại các mạng lưới tội phạm toàn cầu

Cùng với quá trình toàn cầu hóa, Hải quan Việt Nam đã tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tạo thuận lợi thương mại và đấu tranh hiệu quả với nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả.

Nâng cao vai trò và uy tín trong cộng đồng

Trong xu hướng cách mạng 4.0, Chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2030 của Hải quan Việt Nam là đẩy mạnh hợp tác quốc tế toàn diện, nâng cao vai trò và uy tín trong cộng đồng Hải quan thế giới. Đồng thời, tăng cường hợp tác kỹ thuật, nghiệp vụ; kiểm soát hàng cấm, vận chuyển bất hợp pháp; triển khai thỏa thuận công nhận lẫn nhau và thực hiện cam kết quốc tế về hải quan.

Chiến dịch Con rồng Mê Kông do Hải quan Việt Nam và Trung Quốc đồng sáng kiến, đã trải qua 6 giai đoạn trọng tâm. Chiến dịch chia sẻ thông tin tình báo hải quan và hợp tác xử lý các vụ việc cụ thể giữa 23 cơ quan hải quan và các cơ quan thực thi pháp luật, tổ chức quốc tế. Đến nay, chiến dịch đã bắt giữ trên 5.600 vụ ma túy và động thực vật hoang dã, thu giữ trên 75 tấn ma túy các loại, trên 108 tấn tiền chất và gần 14.000 sản phẩm động thực vật hoang dã.

Theo bà Jenna Dawson Faber - Điều phối viên khu vực của cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, chiến dịch này là ví dụ về cách tiếp cận hợp tác liên quốc gia, cần thiết cho việc ngăn chặn các mạng lưới tội phạm có tổ chức liên khu vực về ma túy, tiền chất và hàng hóa thuộc Công ước về buôn bán các loại động thực vật hoang dã nguy cấp. Với vai trò điều phối giữa các quốc gia thành viên, Hải quan Việt Nam không chỉ làm tăng tính hiệu quả của chiến dịch mà còn tạo tiền đề cho hợp tác quốc tế chống lại các mạng lưới tội phạm toàn cầu trong tương lai.

Ông Michael Outram - Cao ủy Cơ quan Bảo vệ biên giới Australia, nhấn mạnh rằng Hải quan Việt Nam đã tích cực hợp tác quốc tế để kiểm soát buôn lậu, hàng cấm, tham gia các chương trình đảm bảo an ninh hạt nhân, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Qua đó giúp tăng cường năng lực cho cán bộ kiểm soát thông qua đào tạo, trao đổi kinh nghiệm và trang bị các công nghệ tiên tiến để phát hiện và ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trung bình hàng năm, Vụ Hợp tác quốc tế tiếp nhận khoảng 30 yêu cầu hỗ trợ và xác minh thông tin liên quan đến các nghi vấn vi phạm hải quan của Hải quan các nước. Riêng năm 2024, Cục Điều tra chống buôn lậu đã trao đổi 196 thông tin với nước ngoài, trong đó nhận 140 thông tin bắt giữ và yêu cầu xác minh nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hóa, rửa tiền, khai báo trị giá thấp của Hải quan nhiều nước.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) cho hay, trước đây chỉ có Việt Nam tiếp nhận. Nhưng hiện tại, cả hai bên đều có lợi. Việt Nam và các đối tác quốc tế trao đổi thông tin, giúp tạo thuận lợi cho hàng hóa và ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái trên toàn cầu.

Tiếp cận các kinh nghiệm quản lý hiện đại

Cũng theo bà Việt Nga, Hải quan Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ nhiều nước và tổ chức quốc tế. Các hỗ trợ này không chỉ nâng cao năng lực mà còn giúp cán bộ, công chức hải quan tiếp cận các kinh nghiệm quản lý hiện đại.

Ví dụ, Chương trình Kiểm soát Container (CCP) do UNODC tài trợ giúp các nước đang phát triển tăng cường năng lực kiểm soát container, giảm nguy cơ tội phạm vận chuyển ma túy, động vật hoang dã, hàng hóa lưỡng dụng, vũ khí, rác thải nguy hại. Tổng cục Hải quan đã triển khai CCP và thành lập 04 Nhóm Kiểm soát Cảng (PCU) tại Hải Phòng (2015), Bà Rịa - Vũng Tàu (2017), Đà Nẵng (2018) và TP. Hồ Chí Minh (2019). Từ 2022, TP. Hồ Chí Minh bổ sung mô hình kiểm soát cảng biển kết hợp cảng hàng không. CCP hỗ trợ đào tạo, nghiệp vụ và trang thiết bị cho các PCU như thiết bị Hazmat ID, TRUNARC và Xylotron tại phòng thí nghiệm của Liên Hợp quốc tại Áo.

Chương trình Kiểm soát Xuất khẩu và An ninh Biên giới (EXBS) do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ nhằm bảo vệ an ninh và ngăn ngừa phổ biến vũ khí, đã triển khai tại hơn 40 quốc gia. Từ năm 2005, Việt Nam nhận hỗ trợ từ EXBS với các khóa đào tạo, hội thảo và thiết bị kiểm soát xuất khẩu do Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan chủ trì.

Sáng kiến Megaports nằm trong chiến lược an ninh hàng hải của Hoa Kỳ, do Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đề xuất và Cơ quan An toàn hạt nhân Quốc gia Hoa Kỳ (NNSA) triển khai. Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam lắp đặt và vận hành 2 hệ thống phát hiện phóng xạ tại cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng Cát Lái - TP. Hồ Chí Minh với tổng giá trị khoảng 5,1 triệu USD. Hệ thống bao gồm các cổng đầu dò phát hiện nguồn phóng xạ (cổng RPM), phòng máy chủ xử lý cảnh báo và khu vực kiểm tra container nghi ngờ. Hàng năm, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ hỗ trợ đào tạo vận hành cho cán bộ hải quan Việt Nam tại các khu vực có cổng RPM./.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hop-tac-hai-quan-quoc-te-ngan-chan-buon-lau-hang-gia-171005.html