Hợp tác hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ được tỉnh Thái Nguyên coi trọng. Đặc biệt, UBND tỉnh và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên đã triển khai thỏa thuận hợp tác hỗ trợ đào tạo nghề, bố trí việc làm cho người lao động. Thỏa thuận hợp tác này giúp Công ty luôn có đủ nguồn lực, về phía người lao động có việc làm với mức thu nhập ổn định.

Các doanh nghiệp FDI luôn cần bổ sung lực lượng lao động để hoàn thành các đơn hàng theo hợp đồng. Trong ảnh: Sản xuất điện thoại thông minh tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên.

Các doanh nghiệp FDI luôn cần bổ sung lực lượng lao động để hoàn thành các đơn hàng theo hợp đồng. Trong ảnh: Sản xuất điện thoại thông minh tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên.

Trong quá trình tổ chức thực hiện đào tạo nghề (ĐTN) cho người lao động (NLĐ), tỉnh Thái Nguyên đã linh hoạt vận dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và NLĐ. Ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành một số chính sách ưu đãi đầu tư, khuyến khích và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tại Dự án thuộc danh mục khuyến khích đầu tư của tỉnh, trong trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu ĐTN và sử dụng lao động đã đào tạo thì được xem xét, hỗ trợ chi phí ĐTN, với các mức hỗ trợ 25% tiền học phí đối với dự án có số lao động được đào tạo từ 50-150 người; 40% tiền học phí đối với dự án có số lao động được đào tạo từ 151-300 người; 50% tiền học phí đối với dự án có số lao động được đào tạo trên 300 người. Kết quả trong giai đoạn 2013-2019, hỗ trợ theo chính sách khuyến khích đầu tư tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên, toàn tỉnh có gần 8.000 NLĐ được hỗ trợ, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 7,6 tỷ đồng.

Với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, UBND tỉnh có Bản thỏa thuận với Công ty về phát triển dự án: “Sản xuất điện thoại di động của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam”. Theo thỏa thuận, tỉnh Thái Nguyên thực hiện hỗ trợ 500.000 đồng/người/khóa đào tạo. Đó là các trường hợp NLĐ có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thái Nguyên, được Công ty tuyển dụng đào tạo và bố trí việc làm. Giai đoạn 2015-2018, toàn tỉnh có 9.749 NLĐ được hỗ trợ ĐTN và bố trí việc làm với tổng số tiền gần 4,9 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ NLĐ học nghề được tỉnh triển khai thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và khuyến khích NLĐ tham gia học nghề theo nội dung của Đề án. Các chính sách đã đáp ứng được nhu cầu học tập của NLĐ là nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp làm việc và có tác phong làm việc công nghiệp. Sau đào tạo, NLĐ đáp ứng được công việc tại vị trí việc làm, có thu nhập ổn định. Việc triển khai các chính sách của tỉnh đảm bảo đồng bộ, đúng quy định của Nhà nước.

Hiệu quả của việc thực hiện thỏa thuận giữa UBND tỉnh Thái Nguyên với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên đã mang lại lợi ích thiết thực cho các bên: Công ty được đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng tại chỗ; tỉnh nâng cao được nguồn nhân lực qua đào tạo nghề, tạo dựng được đội ngũ NLĐ mang tác phong công nghiệp và thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Còn với NLĐ, trong quá trình đào tạo được hỗ trợ kinh phí, giảm bớt khó khăn, chuyển đổi làm nghề mới với mức thu nhập ổn định để giúp đỡ gia đình có cuộc sống tốt hơn.

Người lao động làm việc tại Công ty TNHH WoojinQPD Vina (TP. Phổ Yên) được huấn luyện bài bản về quy trình làm việc, bảo đảm lao động an toàn.

Người lao động làm việc tại Công ty TNHH WoojinQPD Vina (TP. Phổ Yên) được huấn luyện bài bản về quy trình làm việc, bảo đảm lao động an toàn.

Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, từ năm 2019 đến nay, việc thỏa thuận chính sách hỗ trợ cho công tác ĐTN giữa tỉnh Thái Nguyên với doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, không tiếp tục triển khai. Trong nhiều năm, không có doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ đối với nội dung này.

Đặc biệt trong quá trình tham mưu, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh, các sở, ngành đã không đánh giá hết được những tác động, nhất là trong việc thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận phát triển Dự án giữa Công ty TNHH Samsung Electronics và UBND tỉnh Thái Nguyên dẫn đến gặp khó khăn, vướng mắc trong việc chi trả kinh phí hỗ trợ ĐTN. Hơn nữa, từ năm 2020 đến nay, tỉnh chưa có cơ sở để hỗ trợ kinh phí ĐTN cho doanh nghiệp

Thực tế đến Thái Nguyên hợp tác, phát triển, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên luôn mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh Thái Nguyên về nguồn nhân lực, kinh phí đào tạo nghề. Trên cơ sở này, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh dự thảo Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ chi phí đào tạo lao động theo Thỏa thuận phát triển Dự án giữa Công ty TNHH Samsung Electronics và UBND tỉnh Thái Nguyên tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa XIV. Theo đó, mức kinh phí hỗ trợ là 500.000 đồng/lao động/lần. Đây là một đề xuất phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 công ty thuộc đối tượng được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề theo thỏa thuận, gồm: 1- Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên; 2- Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam; 3- Công ty TNHH Hansol Electronics Việt Nam Thái Nguyên.

Chí Cường

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202412/hop-tac-ho-tro-dao-tao-nghe-cho-nguoi-lao-dong-1ec3058/