Hợp tác khám phá ''sắc màu Tây Bắc''
Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, tỉnh Sơn La đã nỗ lực tăng cường liên kết, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, nhằm lan tỏa hình ảnh và thu hút du khách đến với tỉnh.
Khơi gợi du lịch từ “sắc màu Tây Bắc” giữa Thủ đô
Hà Nội là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, được các chuyên gia du lịch đánh giá là “vựa khách” tiềm năng với dân cư đông đúc, nhu cầu du lịch của người dân lớn. Vì vậy, các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch thường niên tại Hà Nội. Một trong số đó vừa diễn ra cuối tuần qua là chương trình “Sắc màu Sơn La Tây Bắc”.
Du khách tham quan đảo Trái tim (huyện Quỳnh Nhai). Ảnh: Linh Tâm
Đắm mình trong không gian, tham gia những hoạt động mang đậm sắc màu Tây Bắc giữa Thủ đô, bà Nguyễn Ngọc Lan, cán bộ hưu trí (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã từng đi Sơn La và rất yêu mến con người, mảnh đất nơi đây. Có nhiều điều thú vị mà tôi chưa khám phá hết, vì thế, nghe tin có sự kiện này, tôi đã cùng con gái và cháu ngoại ra đây để tìm hiểu thêm về các tour, tuyến, điểm đến mới để trở lại Sơn La trong thời gian tới”.
Còn anh Hoàng Văn Sáng (28 tuổi; ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Khi còn học Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, tôi từng đi thực tế và ở Sơn La hơn 1 tháng. Đó là quãng thời gian tuyệt vời, giúp tôi có dịp tìm hiểu về cuộc sống, những nét văn hóa bản địa của người dân vùng cao. Sự đa dạng văn hóa còn được bảo lưu, gìn giữ trong các bản làng, trong cuộc sống hằng ngày và trong những người dân hồn hậu, chân chất, khiến tôi thêm yêu và gắn bó với mảnh đất này như quê hương thứ hai. Đưa gia đình nhỏ tới tham dự “Sắc màu Sơn La Tây Bắc” như một trải nghiệm nhỏ trước khi có một chuyến du lịch thú vị”.
Người dân Thủ đô chọn mua nông sản của Sơn La tại chương trình “Sắc màu Sơn La Tây Bắc”. Ảnh: Thu Quỳnh
Những năm qua, Hà Nội và Sơn La đã liên kết chặt chẽ với nhau trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá nhằm thu hút khách đến hai địa phương. Đánh giá cao sự liên kết, hợp tác này, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội cho biết: “Từ năm 2016 đến nay, Sơn La và Hà Nội đã luôn đồng hành cùng nhau trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tổ chức các đoàn famtrip (hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị), tạo điều kiện để các doanh nghiệp hai bên trao đổi khách. Nhờ vậy, lượng khách không ngừng tăng trong những năm qua. Hệ thống sản phẩm ngày càng được đổi mới để đáp ứng nhu cầu của du khách. Ngay trong giai đoạn khó khăn hiện nay, hai bên vẫn tạo ra được các sản phẩm mới, tận dụng được lợi thế của hai địa phương để thu hút du khách”.
“Bắt tay” cùng phát triển
Thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến lĩnh vực du lịch của cả nước nói chung và Sơn La nói riêng. Ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh đã “bắt tay” với các địa phương khác nhằm tăng cường liên kết, xúc tiến, quảng bá để thu hút khách trở lại Sơn La.
Còn theo ông Hoàng Chí Thức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sơn La, Hiệp hội đang nỗ lực phát huy vai trò của mình để tạo “sân chơi” cho các doanh nghiệp, kết nối các điểm đến, hệ thống lưu trú, vui chơi giải trí, cơ sở mua sắm để xây dựng các tour, tuyến mới và tăng cường liên kết với hiệp hội du lịch của các địa phương trong thời gian tới.
Du thuyền khám phá Biển hồ Thủy điện Sơn La (huyện Quỳnh Nhai). Ảnh: Linh Tâm
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: “Sơn La có rất nhiều sản phẩm hấp dẫn nhưng chưa biết cách “bán hàng”. Thị trường khách của Sơn La hiện chủ yếu là Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Sơn La cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến, quảng bá tại các địa phương trên cả nước để gia tăng cơ hội kết nối. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, với những hình thức quảng bá, xúc tiến chuyên nghiệp, hiệu quả hơn”.
Một khu resort ở huyện Mộc Châu. Ảnh: Linh Tâm
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội cho rằng, để hoạt động xúc tiến, quảng bá phát huy hiệu quả, cơ quan quản lý nhà nước và địa phương cần chung tay cùng doanh nghiệp, tạo cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp hai địa phương có thể “bắt tay” nhau tạo ra các sản phẩm điểm nhấn.
“Một xu hướng hoàn toàn khả thi là làm mới các sản phẩm đã cũ tại địa phương, như cách mà liên minh kích cầu của câu lạc bộ đã thành công với Quảng Bình. Thời gian tới, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội sẽ lập nhóm liên minh kích cầu để đưa khách đến Sơn La, đặc biệt vào các ngày trong tuần nhằm kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách tại các điểm đến, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho địa phương và các doanh nghiệp của Sơn La và Hà Nội”, ông Hùng chia sẻ.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/du-lich/981934/hop-tac-kham-pha-sac-mau-tay-bac