Hợp tác kinh tế - thương mại: Điểm sáng trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc

Sau 75 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, toàn diện và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, với điểm sáng là hợp tác về kinh tế, thương mại song phương.

Mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc được củng cố và phát triển dựa trên niềm tin chính trị ở cấp cao nhất, với các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, gần nhất là chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Trung Quốc hồi năm ngoái và sắp tới đây là chuyến thăm của Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam.

Các chuyến thăm này góp phần định hướng chiến lược cho quan hệ Việt Nam – Trung Quốc phát triển ổn định, ngày càng đi vào hiệu quả, thực chất, với điểm sáng là hợp tác về kinh tế, thương mại song phương.

Trong 75 năm qua, có những thời điểm quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc trải qua thăng trầm dưới tác động của môi trường quốc tế phức tạp. Song với sự nỗ lực từ cả hai phía để vượt qua khó khăn, thách thức, hợp tác hữu nghị vẫn là dòng chảy chính trong quan hệ Việt – Trung. Trong đó, sự dẫn dắt chiến lược của lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng, hai Nhà nước là yếu tố định hướng cho quan hệ song phương.

Trong suốt chặng đường cách mạng giải phóng dân tộc trước đây cũng như xây dựng đất nước sau này, hai nước luôn dành cho nhau sự ủng hộ to lớn, kết nên mối quan hệ hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em”.

“Chúng ta trân trọng trước công lao to lớn của các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai nước, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã đặt nền móng cho “mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em” và được các thế hệ lãnh đạo hai bên dày công vun đắp. Trong suốt chặng đường cách mạng hào hùng, hai Đảng, hai nước và Nhân dân hai nước luôn dành cho nhau sự giúp đỡ, ủng hộ to lớn, hiệu quả, chí tình, chí nghĩa” - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam - ảnh minh họa

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam - ảnh minh họa

Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc ngày càng phát triển nhanh chóng và đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành một trong những trụ cột quan trọng của hợp tác song phương. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Năm 2024 vừa qua, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 205 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD và cũng là đối tác thương mại đầu tiên mà nước ta thiết lập được quy mô thương mại 200 tỷ USD trở lên. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, đứng đầu về số lượng dự án và vốn đầu tư vào Việt Nam.

Điều đáng chú ý là dư địa tăng trưởng thương mại giữa hai bên vẫn còn rất lớn dựa trên các hiệp định đa phương mà cả hai bên cùng tham gia và những giải pháp mà hai nước triển khai để thuận lợi hóa thương mại, ví dụ như triển khai mô hình cửa khẩu thông minh tại biên giới giữa hai nước.

Theo ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn – địa phương đầu tiên triển khai mô hình cửa khẩu thông minh, mô hình này khi hoàn tất sẽ đưa khối lượng hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tại địa phương này tăng từ 4-5 lần, với tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt trên 100 tỷ USD vào năm 2030.

“Chúng tôi tập trung vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng để kết nối với Cửa khẩu thông minh thông qua việc triển khai các tuyến đường giao thông, đặc biệt là các tuyến cao tốc, triển khai các khu trung chuyển hàng hóa, các dự án bến bãi để cùng với Cửa khẩu thông minh tăng năng lực thông quan, từ đó giúp cho hàng hóa của Việt Nam giảm được các chi phí về logistics, giúp cho hàng hóa giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc cũng như hàng hóa của nước thứ 3 được thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn một cách thuận lợi, nhanh chóng, giảm được chi phí, thời gian” - ông Hồ Tiến Thiệu nói.

Hàng nông sản Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc - ảnh minh họa

Hàng nông sản Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc - ảnh minh họa

Hợp tác kinh tế - thương mại cấp địa phương giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng được đặc biệt quan tâm, từ đó tận dụng tiềm năng, ưu thế của mỗi địa phương của hai nước để tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh. Ngoài các địa phương sát biên giới hai nước như Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam, Sơn Đông… các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận và xúc tiến giao thương với các địa phương có vị trí địa lý xa hơn nhằm khai phá những thị trường mới.

Trong đó, khu vực Tân Cương ở phía Tây Bắc của Trung Quốc mong muốn thúc đẩy hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực mà Tân Cương có thế mạnh là dầu khí, công nghiệp than, điện, hóa chất, chế biến trái cây, bông, ngũ cốc, rau xanh hữu cơ, du lịch văn hóa… Ngược lại, Tân Cương có thể tăng cường nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Việt Nam như cà phê, thanh long.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ cho biết: “Với việc hiểu rõ và nắm bắt các cơ hội, chúng ta có thể thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai bên lên một tầm cao mới. Chúng tôi hy vọng Tân Cương và các địa phương của Việt Nam sẽ phát huy tối đa vị trí địa lý đặc biệt và giàu tài nguyên của mình, tạo ra điểm sáng trong quan hệ giữa các địa phương, làm phong phú thêm nội hàm của việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”.

Thế giới hiện nay đang trải qua những biến động sâu sắc, từ địa chính trị đến kinh tế - thương mại. Trong bối cảnh đó, để quan hệ Việt Nam – Trung Quốc phát triển toàn diện, thực chất, yếu tố quan trọng là những quyết sách đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai Nhà nước, từ đó thúc đẩy các biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác kinh tế - thương mại song phương, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Thúy Ngọc/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/hop-tac-kinh-te-thuong-mai-diem-sang-trong-quan-he-viet-nam-trung-quoc-post1191433.vov