Hợp tác MIA góp phần bình thường hóa, thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ
'Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, có thể khẳng định, hợp tác MIA là hoạt động chính thức có quy mô, phạm vi và thời gian triển khai mà chưa có một lĩnh vực hợp tác song phương nào trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đạt được…'. Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và 35 năm triển khai MIA, chiều 8/6 tại Hà Nội.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và triển khai ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, chiều 8/6, Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) phối hợp với Cơ quan kiểm kê tù binh và người mất tích của Mỹ, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (1973-2023) và 35 năm triển khai hoạt động hỗn hợp tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) (1982-2023).
Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper, Giám đốc Cơ quan kiểm kê tù binh/MIA Hoa Kỳ (DPAA) Kelly McKeague cùng các vị nguyên lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an…
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định, trong suốt 50 năm tồn tại và phát triển, 35 năm triển khai hoạt động tìm kiếm MIA hỗn hợp, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng sự đồng lòng của Lãnh đạo ba Bộ Quốc phòng-Công an-Ngoại giao, với sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương các cấp, VNOSMP đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ của Việt Nam-Hoa Kỳ.
Thứ trưởng nhấn mạnh, VNOSMP không thể đạt được kết quả đó nếu không có sự ủng hộ, hợp tác và giúp đỡ của nhân dân, trong đó nhiều người vượt lên trên sự mất mát, đau thương của chính mình, với tấm lòng nhân ái, bao dung đã hết lòng góp sức vào các hoạt động MIA tại địa phương. Câu chuyện cảm động của gia đình anh Trần Khánh Phôi chia sẻ là một trong rất nhiều câu chuyện cảm động như vậy.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, người từng có nhiều năm công tác với hoạt động MIA chia sẻ: "Chúng ta không viết lại được lịch sử, nhưng với thiện chí và nỗ lực, chúng ta đã và đang chung tay xây dựng tương lai tươi sáng cho hai nước. Ngày hôm nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành những người bạn và đối tác toàn diện, đúng như tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập trong bức thư gửi Tổng thống Truman tháng 2/1946.
Chúng ta cùng xây dựng và củng cố quan hệ hợp tác, vừa cùng khắc phục những hậu quả của chiến tranh. Đó là cách tốt nhất để hàn gắn những vết thương trên đất đai, trên cơ thể và trong tâm hồn. Và quan trọng hơn, điều đó giúp chúng ta xây dựng lòng tin, cơ sở quan trọng để “hai nước chúng ta mãi mãi là bạn”, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ vào năm 2015.
Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, có thể khẳng định, hợp tác MIA là hoạt động chính thức có quy mô, phạm vi và thời gian triển khai mà chưa có một lĩnh vực hợp tác song phương nào trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đạt được. Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho rằng, thời gian tới, hoạt động MIA sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do các hiện trường còn lại có nguy cơ bị mất, thay đổi do sự phát triển kinh tế - xã hội, tác động của thiên nhiên; nhân chứng qua đời hay già yếu, thông tin dần cạn qua thời gian…
Thứ trưởng tin tưởng, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao hai bên, cùng sự đồng lòng của 3 Bộ Ngoại giao-Quốc phòng-Công an và các đối tác Hoa Kỳ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương các cấp, sự ủng hộ của nhân dân và cựu chiến binh hai nước, hợp tác MIA giữa hai nước tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhân đạo, góp phần duy trì nền tảng vững chắc, đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ lên tầm cao mới.
Tại Lễ kỷ niệm, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper cho rằng, từ một lịch sử xung đột và chia rẽ, hai nước đã trở thành Đối tác toàn diện của nhau. Hoa Kỳ nỗ lực ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng, độc lập và tự cường. Mối quan hệ này trải rộng khắp các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế và quan hệ giữa nhân dân hai nước.
Đại sứ Marc E. Knapper bày tỏ, “Tôi thật sự kinh ngạc bởi những thành tựu chúng ta đã đạt được. 27 năm đã trôi qua từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, và quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt Nam chưa bao giờ tốt đẹp như ngày nay. Tuy nhiên, có được như hôm nay, Đại sứ khẳng định đó là nhờ quan hệ bền bỉ giữa cơ quan hợp tác MIA hai nước, mối quan hệ được thiết lập từ trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ, giúp tạo cơ sở vững chắc để thúc đẩy quan hệ song phương Hoa Kỳ-Việt Nam.
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Lê Công Tiến, Giám đốc Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích cho biết, “trong suốt 35 năm thực hiện hoạt động chung MIA, hai bên đã tiến hành 150 hoạt động phối hợp thực địa và hiện nay, bốn đội liên hợp đã có mặt tại ba miền của Việt Nam để triển khai Hoạt động phối hợp thực địa lần thứ 151. Trong nửa thế kỷ qua, Việt Nam đã trao trả hơn 1.000 bộ hài cốt, giúp phía Hoa Kỳ xác định danh tính hơn 730 trường hợp quân nhân mất tích trong chiến tranh”.
Còn Giám đốc Cơ quan Kiểm kê tù binh và người mất tích Hoa Kỳ, ông Kelly McKeague cho biết: “Trong số 45 quốc gia chúng tôi đang hợp tác trên khắp thế giới, Việt Nam là một trong hai quốc gia hiếm hoi có khả năng triển khai hoạt động điều tra và khai quật đơn phương. Những hoạt động này thường xuyên được thực hiện ở những hiện trường khó khăn nhất. VNOSMP đóng vai trò thiết yếu giúp 729 gia đình quân nhân Mỹ có được câu trả lời cuối cùng cho những lời cầu nguyện của họ, đó là sự trở về của người thân”.
Trong câu chuyện cảm động của mình, ông Trần Khánh Phôi, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Trị, đại diện Đội MIA tỉnh kể lại câu chuyện đau buồn của gia đình ông và chia sẻ: “Từ những năm 1993, tôi đã tham gia hoạt động MIA (dù lúc đó trong tôi vẫn còn quá nhiều thù hận với người Mỹ) và tiếp tục cho đến tận bây giờ. Ba mươi năm là gần như trọn một đời làm công chức của tôi. Sau 30 năm ấy, nhiều suy nghĩ trong tôi đã thay đổi. Tôi được giáo dục thế nào là lòng nhân ái và sự bao dung. Tôi biết nguyên tắc nhân đạo trong các cuộc chiến tranh. Tôi cũng hiểu tại sao phải “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”. Những người Mỹ bình thường không có lỗi. Vì vậy, tôi không còn thù hận ai. Nếu có chăng, chỉ là thù hận chiến tranh, ghét bỏ chiến tranh, với mong muốn đừng bao giờ có chiến tranh bất cứ ở đâu, với bất cứ với ai và bất cứ lý do gì...".
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã dành thời gian tưởng niệm 9 cán bộ Việt Nam và 7 sỹ quan, binh sĩ Hoa Kỳ hy sinh trong tai nạn trực thăng tại Quảng Bình khi đang làm nhiệm vụ MIA vào ngày 7/4/2001.