Hợp tác năng lượng Nga - Trung đang thay đổi như thế nào?

Trang tin The National news mới đây đã có bài viết phân tích về quan hệ hợp tác năng lượng Nga - Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh rằng, triển vọng hợp tác năng lượng hai bên đang chịu ảnh hưởng bởi chiến lược năng lượng của mỗi nước.

Hiện nay, khu vực Á- Âu và Đông Á dường như đang hợp tác chống lại những áp lực từ phía Mỹ/phương Tây. Trung Quốc phải đối mặt với đường lối cứng rắn hơn từ chính quyền mới tại Mỹ, trong khi chuyến thăm của Cao ủy Liên minh châu Âu về đối ngoại và chính sách an ninh Josep Borrell tới Nga không đem lại thành công. Năng lượng hóa thạch vốn là cốt lõi trong hợp tác Nga-Trung hiện nay, nhưng việc phát triển các loại hình năng lượng mới đang tác động đến việc định hình hợp tác năng lượng song phương trong dài hạn.

Hợp tác năng lượng Nga - Trung Quốc trong thời gian tới được 2 bên thực hiện trên cơ sở chiến lược năng lượng LB Nga đến năm 2035, được thông qua vào tháng 4/2020 và tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về mục tiêu trung hòa carbon của nước này vào năm 2060. Cả Nga và Trung Quốc có mối quan hệ cộng sinh. Nga chiếm vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt, dầu mỏ và than đá, đồng thời là nhà sản xuất lớn các khoáng sản như bạch kim, bạc, coban, niken và uranium. Ngược lại, Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất khí đốt, dầu mỏ, than và sử dụng hầu hết các loại khoáng sản chính trên thế giới. Nước này đang cố gắng thay thế nhiên liệu than bằng khí trong sản xuất năng lượng để giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Thị trường xuất khẩu truyền thống của Nga là EU. Bán nhiên liệu hóa thạch cho EU thông qua cơ sở hạ tầng ống dẫn dầu khí hiện có đang mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nước này. Tuy nhiên, Nga cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong nước như kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu vẫn tăng trưởng chậm, nỗ lực đa dạng hóa các nguồn cung và chấm dứt các hoạt động độc quyền. Bên ngoài, nước này vấp phải sự cản trở của Mỹ trong dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2 khi dự án này nhằm mục tiêu loại bỏ vai trò trung chuyển khí đốt của Ukraine. Và gần đây nhất, các kế hoạch giảm phát thải carbon của châu Âu và việc chuyển đổi sang NLTT và xe điện đang đe dọa doanh số bán nhiên liệu hóa thạch của Nga tại thị trường này.

Không có gì ngạc nhiên khi Nga chuyển hướng sang cung cấp dầu khí cho thị trường Trung Quốc thông qua đường ống dẫn dầu Đông Siberia (VSTO, khai trương 12/2009), đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia (khai trương 12/2019) và tương lai có thể sẽ xuất hiện đường ống dẫn khí mới từ Altai (Nga) đến miền tây Trung Quốc. Các chuyến hàng vận chuyển nhiên liệu LNG từ khu vực Bắc Cực đến Trung Quốc thông qua Tuyến hàng hải phương Bắc đang gia tăng nhanh chóng.

Sơ đồ Đường ống thế kỷ Sila Syberia dẫn khó từ Nga sang các vùng của Trung Quốc

Sơ đồ Đường ống thế kỷ Sila Syberia dẫn khó từ Nga sang các vùng của Trung Quốc

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ/phương Tây đã làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc của Nga và Trung Quốc. Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (CNPC) và Quỹ Con đường tơ lụa đang sở hữu khoảng 30% cổ phần của liên doanh Yamal LNG. CNPC và Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cũng đã tham gia dự án Arctic LNG 2. Cũng tại khu vực Bắc Cực, Tập đoàn dầu khí Rosneft cho biết siêu dự án Vostok Oil của hãng ở đông Siberia có thể sản xuất khoảng 2,3 triệu thùng dầu quy đổi/ngày và đạt sản lượng 50 triệu tấn LNG vào năm 2030. Phần lớn lượng dầu khí này sẽ đến thị trường Đông Á qua Tuyến đường hàng hải phương Bắc. Tổng giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin (người được coi là “cánh tay phải” của Tổng thống Putin) cho biết, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 157 tỷ USD. Hãng đang thảo luận, đàm phán với các nhà đầu tư Trung Quốc, Ấn Độ và phương Tây về việc tham gia dự án.

Sự cộng sinh trong lĩnh vực năng lượng được thể hiện khá rõ, tuy nhiên hai nước cũng đã có xung đột trong một số lĩnh vực quan trọng. Đại khu liên bang Viễn Đông của Nga có diện tích gấp đôi Ấn Độ với dân số chỉ khoảng 6 triệu người, trong khi dân số tại các tỉnh biên giới Trung Quốc tiếp giáp với Nga là 100 triệu. Trong quá khứ, nhà nước Nga Sa hoàng chiếm được những phần đất đai thuộc khu vực Ngoại Mông và Mãn Châu từ các hiệp ước Aigun (1858) và Bắc Kinh (1860). Liên Xô và Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông cũng đã có những cuộc giao tranh nghiêm trọng tại các khu vực tranh chấp vào năm 1969.

Ngày nay, Sáng kiến Vành đai, con đường của Trung Quốc liên quan đến đầu tư lớn cơ sở hạ tầng tại khu vực Trung Á (nơi Nga có ảnh hưởng truyền thống) và Trung Đông (nơi Nga đang muốn gia tăng ảnh hưởng trong thời gian gần đây). Mặc dù ảnh hưởng của Trung Quốc tại các khu vực này được đánh giá ở góc độ kinh tế nhiều hơn chính trị, nhưng ảnh hưởng chính trị chắc chắn sẽ theo sau như là một cách thức bành trướng của các cường quốc. Trung Quốc quan tâm đến dòng chảy tự do của các mặt hàng năng lượng, trong khi động cơ của Nga nằm ở việc kiểm soát và bảo vệ các công ty độc quyền. Tại Turkmenistan - quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ tư thế giới và là nhà cung cấp truyền thống cho Nga, Trung Quốc đang khai thác và nhập phần lớn khí đốt từ nước này. Ngoài ra, sự gián đoạn nguồn cung của các đối thủ cạnh tranh làm tăng giá dầu và giá khí đốt. Điều này có lợi cho Nga nhưng lại mang yếu tố tiêu cực đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, mối đe dọa thực sự đến hợp tác năng lượng Nga - Trung hiện nay xuất phát từ quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Chiến lược năng lượng của Nga hầu như dựa hoàn toàn vào nhiên liệu hóa thạch, trong khi diện tích lãnh thổ rộng lớn, tiềm năng sản xuất năng lượng gió và năng lượng mặt trời của Nga vẫn chưa được khai thác đúng mức. Đối với các lĩnh vực năng lượng mới khác, tập đoàn khí đốt Gazprom chỉ mới bắt đầu nghiên cứu năng lượng hydro một cách khá miễn cưỡng và được đánh giá là muộn giống như cách tập đoàn này tiếp cận với nhiên liệu LNG. Sự phát triển công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon tại Nga cũng diễn ra rất chậm mặc dù công nghệ này phù hợp với nhiều ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch của nước này.

Các dự án mới như Vostok Oil và Arctic LNG 2 sẽ vẫn hoạt động cho đến năm 2050 và xa hơn là đến năm 2060, thời điểm mà Trung Quốc đặt mục tiêu trung hòa carbon. Xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga sẽ vẫn là cầu nối hữu ích cho hợp tác năng lượng Nga - Trung Quốc khi phía Trung Quốc đảm bảo rằng, Nga vẫn hoàn trả tốt các khoản vay của Trung Quốc đến giữa thế kỷ 21.

Trong khi đó, Trung Quốc coi năng lượng mặt trời, năng lượng gió, pin điện, truyền tải điện có điện áp cực cao và các phương pháp tiếp cận công nghệ carbon thấp mới khác là một phần cốt lõi trong chiến lược tăng trưởng kinh tế trong tương lai, nhằm đưa nước này dẫn đầu về các mục tiêu khí hậu và thống trị công nghệ mới. Ở đầu bên kia, Nga không có dấu hiệu tái cơ cấu chiến lược năng lượng của mình và sẽ không làm như vậy chừng nào mối quan hệ với phương Tây chưa được cải thiện và mang tính xây dựng hơn.

Thời kỳ cầm quyền lâu dài của Tổng thống Putin đã mang lại sự ổn định và phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghiệp dầu khí của Nga. Mặc dù hiệu quả và linh hoạt hơn nhiều so với thời Brezhnev, sự phụ thuộc ngân sách và xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga đang ngày càng nghiêm trọng hơn và các dấu hiệu đình trệ kinh tế đáng lo ngại. LB Nga sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn giữa việc trở thành một nguồn lực của Trung Quốc hay định hướng lại cơ bản nền kinh tế và (có thể là) chính trị của mình.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/hop-tac-nang-luong-nga-trung-dang-thay-doi-nhu-the-nao-604022.html