Hợp tác nhiều năm, doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị đối tác 'lừa vào bẫy'
Một số doanh nghiệp Algeria hoặc không nhận hàng hoặc ép giá khiến doanh nghiệp Việt Nam chịu tổn thất lớn.
Mới đây Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã nêu tên hàng loạt doanh nghiệp Algeria “làm ăn không nghiêm túc”, gây tổn thất không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, một doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh, xuất không nông sản có hợp tá với Công ty S.A.R.L Zima Food (Địa chỉ: Cité du Lyceé lot no 04 BE 2ème étage, Rouiba, Alger; Người đại diện : Ông ARGABI Mousssa) để xuất khẩu 1 container tiêu đen. Hai bên thỏa thuận phương thức thanh toán là 100% nhờ thu DP (giao tiền thì giao chứng từ) qua ngân hàng và đặt cọc 24% giá trị lô hàng.
Tuy nhiên, khi hàng đến cảng Alger đúng thời gian thỏa thuận, do giá hạt tiêu xuống thấp, doanh nghiệp Algeria không chịu lấy hàng. “Đại diện doanh nghiệp Việt Nam đã bay sang đàm phán các giải pháp, kể cả chấp nhận hạ giá bán nhưng khách không hợp tác để lấy hàng cũng như đưa hàng trở về Việt Nam; hoặc bán cho khách khác mà chỉ đòi tiền đặt cọc.
Sau khi hàng ở cảng quá 81 ngày, Hải quan Algeria đã bán đấu giá. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã thuê luật sư ở Algeria khởi kiện khách hàng ra tòa song cho đến nay đã hơn 2 năm, tòa án Algeria vẫn chưa xử xong”- thương vụ cho biết.
Một trường hợp khác là Công ty S.A.R.L EL NADER NEGOCE 9 (Địa chỉ: Lots n° 202 Boumehrane, 18300 - El-Milia – Algeria), đã hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để xuất nhập khẩu thủy sản. Khi hàng đến cảng, doanh nghiệp nhập khẩu cho biết là hàng không đảm bảo chất lượng, hải quan không cho thông quan dẫn đến việc nhà xuất khẩu hoặc phải hạ giá hoặc phải tái xuất hàng về nước với chi phí kho bãi, vận chuyển… rất tốn kém.
Đáng chú ý là có tới ít nhất 3 doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh về rủi ro gặp phải khi làm ăn với nhà nhập khẩu này, cũng với “chiêu trò” tương tự.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria, ngoài hai doanh nghiệp kể trên, thị trường này còn có thêm một số doanh nghiệp khác cũng không thực hiện đúng cam kết với đối tác Việt Nam. Các doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh nông sản.
Theo quy định của Algeria, khi hàng đã vào cảng tức là hàng đã thuộc quyền sở hữu của người mua dù chưa thanh toán, thậm chí chưa đặt cọc hay cầm bộ chứng từ gốc. Nếu muốn bán cho khách hàng khác hoặc kéo hàng về nước thì nhà xuất khẩu phải có sự đồng ý và hợp tác của nhà nhập khẩu.
Nếu hàng nằm ở cảng quá 81 ngày, Hải quan Algeria sẽ tiến hành bán đấu giá, sung công quỹ. Việc thuê luật sư khởi kiện tại Algeria thường tốn kém và thủ tục kéo dài, hiệu quả không cao.
Do đó, các doanh nghiệp Algeria thường xuyên đợi hàng Việt Nam đến cảng rồi mới kiếm lý do từ chối nhận hàng. Thậm chí có trường hợp doanh nghiệp làm ăn một vài lần đầu suôn sẻ, sau đó khi mất cảnh giác mới bị lừa.
“Để chắc chắn trong khâu thanh toán, doanh nghiệp xuất khẩu nên đề nghị khách hàng đặt cọc ít nhất 40-50% giá trị lô hàng hoặc sử dụng thanh toán bằng L/C (thư tín dụng) không hủy ngang có xác nhận hoặc liên hệ Thương vụ để được hỗ trợ”- Thương vụ khuyến cáo.