Hợp tác nuôi cá lồng để phát triển kinh tế

Được thành lập từ đầu năm 2019, với 6 thành viên tham gia, đến nay Tổ hợp tác cá lồng thôn Hùng Cường, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Khu nuôi cá lồng của gia đình chị Ma Thị Hiến, thôn Hùng Cường, xã Hùng Mỹ.

Khu nuôi cá lồng của gia đình chị Ma Thị Hiến, thôn Hùng Cường, xã Hùng Mỹ.

Chị Ma Thị Điều, Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: Nhớ lại ngày mới thành lập, ai cũng bỡ ngỡ bởi trong 6 thành viên thì có 4 thành viên thuộc diện hộ nghèo. Nhưng nhờ quyết tâm, mạnh dạn làm, đến nay Tổ hợp tác đã có những thành công bước đầu, thu nhập mỗi hội viên hàng tháng đều được khoảng 4 triệu đồng, kinh tế nhiều hộ cũng khấm khá lên nhiều.

Anh Ma Văn Đình, một trong 4 thành viên thuộc diện nghèo cho biết, tập trung nuôi cá lồng không những được hỗ trợ về con giống, kỹ thuật, còn được tổ hợp tác hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Vụ vừa rồi sau khi xuất bán lứa cá trắm đầu tiên, trừ chi phí anh lãi khoảng 20 triệu đồng.

Chị Ma Thị Hiến, thành viên tổ hợp tác phấn khởi: Đầu tháng 1 năm nay, gia đình chị bán 2 lồng cá rô phi được trên 1 tấn, thu về 40 triệu đồng. Tham gia tổ hợp tác, ngoài việc được hướng dẫn kỹ thuật nuôi, phòng, trị dịch bệnh của cá, còn được tổ hợp tác tìm đầu ra cho sản phẩm với giá bán ổn định, do vậy gia đình rất yên tâm để phát triển nuôi cá.

Tổ hợp tác cá lồng thôn Hùng Cường hiện có 12 lồng cá chia đều cho 6 thành viên, loài cá được lựa chọn nuôi là cá trắm đen, cá rô phi và cá lăng đặc sản. Toàn bộ con giống được lấy từ Trung tâm Thủy sản tỉnh. Để tạo thương hiệu cá sạch Hùng Mỹ trong tương lai, ngay từ khi mới thành lập, các thành viên Tổ hợp tác cá lồng thôn Hùng Cường luôn chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, nguồn thức ăn được ưu tiên lấy thức ăn hữu cơ chế biến tự nhiên như các loài cá con, phụ phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, một số thức ăn công nghiệp được lựa chọn kỹ lưỡng, đảm bảo tuân thủ khối lượng, hàm lượng dinh dưỡng cho cá, toàn bộ thức ăn thừa sẽ được vớt sạch trước khi cho thức ăn mới để bảo vệ môi trường.

Tận dụng hiệu quả 5 ha diện tích mặt nước thuộc lòng hồ thủy điện Chiêm Hóa trên địa bàn để chăn nuôi cá lồng, kế hoạch trong tương lai của Tổ hợp tác cá lồng Hùng Cường là sẽ mở rộng sang nuôi cá đặc sản như cá chiên, cá bỗng, cá anh vũ… để đáp ứng nhu cầu về sản phẩm cá sạch trên thị trường, giúp các thành viên nâng cao thu nhập, làm giàu trên quê hương.

Bài, ảnh: Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/hop-tac-nuoi-ca-long-de-phat-trien-kinh-te-128959.html