Hợp tác quốc phòng Mỹ-Đức-Ấn Độ: Liên minh 'mềm' quyền lực
Liên tiếp các chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Đức đến Ấn Độ đặt dư luận trước câu hỏi về tính toán của Washington và Berlin trong hợp tác quốc phòng với New Dehli.
Lâu nay, năm nào Mỹ và Ấn Độ cũng tổ chức các cuộc tập trận quân sự nhằm cải thiện khả năng tương tác của các lực lượng. Hai nước còn tăng cường hợp tác phát triển và sản xuất khí tài quân sự. Đặc biệt, Mỹ hiện đã vượt Nga để trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ.
Không nhộn nhịp như quan hệ Mỹ-Ấn nhưng hợp tác quốc phòng Đức-Ấn cũng không ít nội dung. Tầm vóc chiến lược của mối quan hệ này có thể thấy qua dự án Berlin sẽ đóng cho New Dehli sáu tàu ngầm trị giá 5,2 tỷ USD để giúp Ấn Độ vươn tầm ảnh hưởng trên các đại dương.
Chưa dừng ở đó, trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ và Đức dự kiến nâng quan hệ quốc phòng giữa Washington và Berlin với New Dehli lên tầm mới. Lý do trước hết là bởi Ấn Độ hiện là đối tác chiến lược hàng đầu của Mỹ và Đức ở châu Á.
Tuy nhiên, mục tiêu chính của Mỹ và Đức khi xích lại với Ấn Độ được cho là nhằm vào Trung Quốc và Nga, những nước mà Washington và Berlin coi là đối thủ. Trong khi Mỹ chỉ trích Trung Quốc “tham vọng bá quyền”, thì Đức công khai tuyên bố Berlin “không có lợi ích khi Ấn Độ tiếp tục phụ thuộc vào vũ khí của Nga”.
Để tiếp tục lôi kéo Ấn Độ, trong chuyến thăm lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Đức đưa ra nhiều dự án hợp tác quân sự quan trọng. Chẳng hạn, Mỹ sẵn sàng bán cho Ấn Độ 30 máy bay không người lái có vũ trang MQ-9B với chi phí hơn 3 tỷ USD. Còn với Đức, đó là việc triển khai dự án đóng tàu ngầm cho Ấn Độ.
Xây dựng một liên minh “mềm” quyền lực với Ấn Độ là điều mà Mỹ và Đức hy vọng. Đây chính là cuộc tập hợp lực lượng để tăng sức cạnh tranh trong cuộc đua toàn cầu.