Hợp tác quốc tế bảo vệ người tiêu dùng

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland vừa ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng. Đây là một trong những nỗ lực của Việt Nam thông qua hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin, tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương và ông Iain Frew - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam - chia sẻ về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương và ông Iain Frew - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam - chia sẻ về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Hợp tác này nằm trong khuôn khổ Chương trình hội nhập kinh tế giữa Vương quốc Anh và ASEAN (Chương trình EIP) nhằm tăng cường cải cách, phát triển kinh tế và phát triển bền vững. Bản ghi nhớ sẽ là cầu nối để hai bên hợp tác trong việc nâng cao hành vi, kiến thức về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng và tăng cường công tác giám sát, thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật.

Ngay sau lễ ký kết, Tọa đàm trực tuyến "Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập thương mại điện tử quốc tế" được tổ chức để các bên chia sẻ kinh nghiệm và bài học trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Iain Frew - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam - cho biết, Bản ghi nhớ hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Vương quốc Anh cũng như Chính phủ Anh với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và Bộ Công Thương nhằm xây dựng các tiêu chuẩn về bảo vệ người tiêu dùng và an toàn sản phẩm, đặt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác chiến lược với quan hệ thương mại song phương phát triển mạnh mẽ, tăng gấp đôi trong thập kỷ qua vừa đạt khoảng 7 tỷ bảng Anh mỗi năm.

Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến "Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập thương mại điện tử quốc tế" do tạp chí Công Thương tổ chức ngày 27/3.

Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến "Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập thương mại điện tử quốc tế" do tạp chí Công Thương tổ chức ngày 27/3.

Đại sứ Iain Frew nhấn mạnh thêm: An toàn sản phẩm là vấn đề rất quan trọng đối với người tiêu dùng Anh, và Vương quốc Anh cũng kỳ vọng những biện pháp bảo vệ người tiêu dùng sẽ được áp dụng không chỉ đối với người tiêu dùng Anh, mà đối với các công ty Vương quốc Anh hoạt động ở nước ngoài, các sản phẩm và dịch vụ mà họ cung cấp tại thị trường Việt Nam sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn tương tự.

Thông qua khuôn khổ Biên bản ghi nhớ, Vương quốc Anh sẽ chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn để giúp Việt Nam có thể đưa ra các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng hoặc cách giải quyết các vấn đề phát sinh trên thị trường tiêu dùng, dựa trên kinh nghiệm từ những nơi khác, bao gồm Vương quốc Anh, đồng thời phát triển các lĩnh vực cụ thể để đáp ứng các nhu cầu tương ứng tại Việt Nam. Qua đó, củng cố được lòng tin và tạo ra một môi trường mà mọi người đều cảm thấy tự tin, tự tin khi mua hàng, tự tin khi tạo ra sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm mới, cũng như áp dụng những cách thức mới để mua và bán những sản phẩm đó.

Vương quốc Anh cũng sẽ làm việc để xác định và đánh giá rủi ro trong thị trường tiêu dùng và sản phẩm, đồng thời xem xét và chia sẻ kinh nghiệm về việc thu hồi sản phẩm và cách thức triển khai hiệu quả nhất cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đồng thời, xem xét các vấn đề của từng ngành, các thách thức cụ thể mà các ngành phải đối mặt, hoặc các hình thức quản lý cụ thể.

Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới

Khi hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, mô hình kinh doanh trên nền tảng số ở Việt Nam đang trở nên phức tạp. Điều này càng khó khăn hơn đối với thương mại điện tử xuyên biên giới. Không phải người tiêu dùng nào cũng đủ công cụ, cũng biết cách yêu cầu doanh nghiệp đứng ra thương lượng qua hình thức trực tuyến, giải quyết khi có tranh chấp.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương, nhấn mạnh: "Về mặt thực tế thì giao dịch thương mại điện tử càng nhiều, vi phạm càng nhiều. Chúng tôi rất trông đợi vào biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia với Vương quốc Anh để có thể tìm ra một phương án nào đó. Chúng tôi có thể học tập kinh nghiệm của các bạn Anh trong việc thu thập thông tin, giao tiếp với người tiêu dùng".

Vân Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hop-tac-quoc-te-bao-ve-nguoi-tieu-dung-20250327173720556.htm