Hợp tác quốc tế để hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát cơ động
Những năm qua, công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trong lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đã được tăng cường mạnh mẽ, ngày càng mở rộng, có chiều sâu, đóng góp tích cực vào công tác đối ngoại của Bộ Công an, góp phần nâng cao vị thế, tiềm lực của đất nước nói chung, lực lượng CAND nói riêng trên trường quốc tế. Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CSCĐ luôn giữ vững vai trò là 'lá chắn thép', phục vụ đắc lực sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phát triển đất nước.
Làm sâu sắc hơn các mối quan hệ, mở ra nhiều cơ hội mới
Thời gian qua, hợp tác quốc tế luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, không thể thiếu trong hoạt động của lực lượng CAND nói chung và lực lượng CSCĐ nói riêng. Đã có nhiều hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an có lãnh đạo Bộ Tư lệnh CSCĐ là một thành viên của đoàn, mà qua đó, đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hợp tác quốc tế của đất nước, của Bộ Công an nói chung, lực lượng CSCĐ nói riêng.
Gần đây nhất, nhân dịp tháp tùng chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Mông Cổ, từ ngày 30/9 đến ngày 1/10 vừa qua, Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có cuộc hội đàm với Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp và Nội vụ nước chủ nhà Nergui Myagmar. Hai bên đã thống nhất khẳng định, trong bối cảnh biến động không ngừng của tình hình thế giới, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác an ninh, thực thi pháp luật ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, không ngừng mở rộng các lĩnh vực hợp tác, phù hợp với tình hình mỗi nước... Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh CSCĐ là một trong những thành viên của Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an, tháp tùng đồng chí Thứ trưởng và tham gia các hoạt động của đoàn tại Mông Cổ, Cộng hòa Ireland, Cộng hòa Pháp. Trong hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế lần này tại Mông Cổ, một trong những nội dung được đề cập tới trong chương trình hợp tác, liên quan trực tiếp đến lĩnh vực công tác của CSCĐ, đó là, hai bên tiếp tục trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực cán bộ trong lĩnh vực kỵ binh; trao đổi đoàn về huấn luyện, sử dụng ngựa tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm... Tại Cộng hòa Ireland, làm việc với Bộ Tư pháp và tại Cộng hòa Pháp, làm việc với Văn phòng Cơ quan phòng, chống khủng bố, hai bên đã trao đổi về hợp tác phòng, chống khủng bố liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của CSCĐ như: trao đổi thông tin, trao đổi đoàn, công tác huấn luyện cán bộ phòng, chống khủng bố...
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc của Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an tại Liên bang Nga từ ngày 23 đến 29/9, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn, Thiếu tướng Lê Văn Sao, Phó Tư lệnh CSCĐ cùng Đoàn đại biểu Bộ Công an đã dự Hội nghị quốc tế lần thứ IV về phòng, chống truyền bá tư tưởng cực đoan và tới thăm, làm việc với Cơ quan Vệ binh quốc gia Liên bang Nga về lĩnh vực chống khủng bố, cực đoan tại Trung tâm thông tin chỉ huy Moscow. Tại buổi hội đàm, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục xây dựng nội dung hợp tác hằng năm và các văn bản thỏa thuận hợp tác chuyên ngành cụ thể để tạo cơ chế hợp tác thường xuyên, thực chất hơn nữa. Cụ thể là tăng cường hoạt động trao đổi kinh nghiệm công tác đào tạo, huấn luyện cho Bộ Công an Việt Nam về lĩnh vực võ thuật, nghiệp vụ cảnh sát đặc nhiệm chống khủng bố, huấn luyện động vật nghiệp vụ và một số chuyên ngành cụ thể khác; hỗ trợ xây dựng Trung tâm phòng chống khủng bố của Bộ Công an Việt Nam và hỗ trợ nghiên cứu thiết bị trang bị cho các cá nhân để đảm bảo cơ động khi tác chiến...
Đặc biệt, vào cuối tháng 7/2024, được sự đồng ý của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an, nhận lời mời của lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc, lần đầu tiên, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an cử 65 CBCS đại diện cho lực lượng CSCĐ, Bộ Công an Việt Nam tham gia huấn luyện, diễn tập chung với lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc, tại Quảng Tây, Trung Quốc.
Trực tiếp chỉ huy công tác huấn luyện lực lượng CSCĐ Bộ Công an Việt Nam, diễn tập phòng, chống khủng bố tại Quảng Tây, Đại tá Phạm Hữu Thinh, Phó Tư lệnh CSCĐ chia sẻ: “Đợt huấn luyện, diễn tập chung lần này là cơ hội quý báu để lực lượng chống khủng bố của hai nước trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng, chiến thuật tác chiến, sử dụng hiệu quả các loại vũ khí, trang bị, phương tiện hiện đại áp dụng thực tiễn trong chiến đấu giải quyết các tình huống chống khủng bố tại các loại địa hình, địa bàn phức tạp khác nhau. Qua đó, không chỉ nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ huy, năng lực tác chiến, thực hành các phương pháp, chiến thuật tiên tiến nhất để đối phó với những tình huống khẩn cấp, đảm bảo an ninh khu vực, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mà còn tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa hai nước. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần hợp tác và quyết tâm cao, đợt huấn luyện, diễn tập chung đã diễn ra thành công tốt đẹp, mang lại nhiều kết quả thiết thực. Các bài học và kinh nghiệm thu được đang và sẽ là hành trang quý báu cho mỗi CBCS của hai nước trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh mỗi quốc gia...”.
Tăng cường hợp tác quốc tế, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa lực lượng
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh cho biết: “Những năm qua, quán triệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của ngành Công an, công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của Bộ Tư lệnh CSCĐ đã có những bước tiến dài, đi vào chiều sâu. Bộ Tư lệnh luôn bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước trong công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế...”.
Bộ Tư lệnh CSCĐ đã tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, các đối tác, tổ chức quốc tế, tranh thủ tiềm lực, sự hỗ trợ của đối tác nước ngoài trong bảo vệ ANTT, quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc, công dân ở trong nước và trên thế giới, cũng như giải quyết các vấn đề quốc tế liên quan đến ANTT của Việt Nam. Đặc biệt, trong công tác đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm khủng bố, xử lý các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống... góp phần bảo vệ ANTT và phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; góp phần nâng cao vị thế của Bộ Công an Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như trong công tác xây dựng lực lượng CAND và trong công tác xây dựng lực lượng, hậu cần, kỹ thuật CAND đến năm 2030 thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Điển hình như: tháng 9 vừa qua, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cộng hòa Cuba, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã gửi tới Cộng hòa Cuba gần 300 kg thuốc thú y các loại theo hình thức viện trợ... Bộ Tư lệnh CSCĐ đã tổ chức tiếp nhận và mở lớp bồi dưỡng công tác thú y; công tác huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ cho nhiều cán bộ thuộc Bộ Công an Lào và Bộ Nội vụ Campuchia... Thực hiện Đề án “Hiện đại hóa lực lượng CSCĐ đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, Bộ Tư lệnh đã phối hợp với các đoàn công tác Bộ Công an khảo sát vũ khí, trang thiết bị, phương tiện tại nước ngoài phục vụ nghiên cứu đầu tư, trang bị cho lực lượng CSCĐ. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, báo cáo lãnh đạo Bộ xây dựng các phương án tiếp nhận máy bay theo các giai đoạn phát triển của Trung đoàn Không quân CAND. Hay, tham gia vào nhiệm vụ quốc tế, đầu năm 2024, Bộ Tư lệnh phối hợp tổ chức đón tiếp Đoàn Tư lệnh Cảnh sát Liên hợp quốc đến thăm, dự lễ công bố quyết định thành lập, ra mắt đơn vị Cảnh sát Gìn giữ hòa bình của Bộ Công an Việt Nam tại Bộ Tư lệnh CSCĐ; đồng thời, phối hợp tổ chức huấn luyện đơn vị Cảnh sát Gìn giữ hòa bình của Bộ Công an...
Từ năm 2019 đến hết tháng 9/2024, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã cử 74 đoàn tham gia đoàn công tác của Bộ Công an đi công tác tại các nước như: Nga, Pháp, Trung Quốc, Cuba, Hàn Quốc, Mông Cổ, Belarus, Indonesia, Italy, Croatia, UAE, Lào, Campuchia; đồng thời, tổ chức đón tiếp và làm việc với 30 đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm và làm việc tại Bộ Tư lệnh. Công tác đối ngoại đã góp phần phát huy tốt các mối quan hệ hợp tác truyền thống với các đối tác; đồng thời, tích cực mở rộng hợp tác với các đối tác chiến lược, có nhiều tiềm năng trên các lĩnh vực CSCĐ, đặc nhiệm, huấn luyện sử dụng động vật nghiệp vụ... Qua đó, tăng cường tiềm lực vật chất, kỹ thuật, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế; học tập, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ nâng cao năng lực, tiềm lực, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa CSCĐ.