Hợp tác quốc tế: Không thể thiếu trong đại học khởi nghiệp
Khi tiến tới mô hình đại học khởi nghiệp, hoạt động này phải được chú trọng nâng cao hiệu quả để nuôi dưỡng, phát triển thành công các dự án.
Hợp tác quốc tế đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy, nâng cao năng lực của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hoạt động hợp tác quốc tế: Có lượng, nhưng còn thiếu chất
Có cơ hội hợp tác triển khai hoạt động liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với hơn 40 trường đại học tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, tôi nhận thấy các trường đều đã thiết lập chương trình hợp tác với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp và tổ chức giáo dục quốc tế, thông qua một số hoạt động như ký kết biên bản ghi nhớ (MoU), biên bản hợp tác, chuyển giao công nghệ… Các trường cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên và giảng viên tham gia vào những dự án nghiên cứu, thực tập và trao đổi học thuật. Đặc biệt, các chương trình này giúp sinh viên tiếp xúc với môi trường khởi nghiệp toàn cầu, trang bị kỹ năng và tư duy quốc tế, góp phần mở rộng tầm nhìn và nâng cao khả năng sáng tạo.
Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm yếu. Hầu hết các trường đang tiến hành hợp tác bước đầu, còn hiệu quả thể hiện bằng sản phẩm thực tế thì vẫn còn bỏ ngỏ. Các trường lại còn thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực chuyên môn để duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác lâu dài. Hệ thống quản lý và cơ chế hỗ trợ hợp tác quốc tế tại nhiều trường vẫn chưa được hoàn thiện, dẫn đến quy trình phê duyệt và triển khai dự án thường chậm trễ. Đặc biệt, các trường chưa có đủ khung chương trình đào tạo bài bản giúp các nhóm dự án nâng cao kỹ năng cần thiết để tham gia vào những dự án quốc tế một cách hiệu quả. Nhiều sinh viên và giảng viên chưa thực sự sẵn sàng để tiếp nhận và tận dụng cơ hội từ hợp tác quốc tế, dẫn đến việc tiếp thu còn hạn chế.
Một số chương trình hợp tác quốc tế
Chương trình NOC (NUS Overseas Colleges) của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) là một chương trình trao đổi quốc tế nổi bật, mà các trường hướng tới xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp có thể nghiên cứu áp dụng. Chương trình này được thiết kế theo hướng “Project-based learning” (học theo dự án) nhằm phát triển tư duy khởi nghiệp, kỹ năng lãnh đạo và khả năng sáng tạo của sinh viên thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp và startup.
Với hai đợt trao đổi hằng năm tại Việt Nam, chương trình NOC tại NUS chọn lựa những sinh viên tiềm năng từ các ngành học để tham gia vào các dự án thực tế trong doanh nghiệp khởi nghiệp và công ty đối tác tại Việt Nam. Trong quá trình trao đổi, sinh viên không dừng lại ở việc làm thực tập sinh mà sẽ được phân thành nhóm có cả sinh viên NUS và Việt Nam, làm việc tại các doanh nghiệp hoặc dự án khởi nghiệp địa phương, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực kinh doanh, phát triển sản phẩm và giải quyết các vấn đề thực tế mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt.
Thông qua NOC, các nhóm dự án có thể hiểu rõ hơn về thị trường Việt Nam, văn hóa kinh doanh và những thách thức trong khởi nghiệp tại đây. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và có kiến thức toàn cầu từ Singapore, tạo ra một môi trường hợp tác mang tính quốc tế và thúc đẩy sự phát triển của cả hai bên.
Một mô hình tương tự là chương trình hợp tác quốc tế của London Business School. Theo đó, trường sẽ gửi sinh viên đến Việt Nam tham gia các chương trình như Bootcamp hoặc Hackathon. Sinh viên từ London Business School sẽ kết hợp cùng sinh viên từ các trường đại học Việt Nam, tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể. Mỗi nhóm sẽ đưa ra ý tưởng và giải pháp, sau đó thuyết trình trước hội đồng giám khảo, bao gồm nhà đầu tư, chuyên gia từ các vườn ươm và trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, còn có các chương trình ươm tạo kéo dài từ 3 đến 6 tháng, được thiết kế dưới dạng hợp tác giữa các trường đại học quốc tế và Việt Nam. Trong chương trình này, sinh viên không nhất thiết phải trực tiếp đến Việt Nam mà có thể làm việc online. Chẳng hạn, sinh viên từ Israel, Hàn Quốc hay Anh Quốc sẽ làm việc nhóm với sinh viên Việt Nam qua hình thức trực tuyến.
Mỗi nhóm sẽ bao gồm thành viên từ nhiều lĩnh vực khác nhau: Một số sinh viên học về kinh doanh, số khác học về công nghệ, tạo nên đội ngũ đa dạng về kỹ năng và chuyên môn. Các nhóm sẽ nhận đề tài từ ban tổ chức và cùng nhau phát triển giải pháp trong suốt chương trình ươm tạo. Mô hình này không chỉ giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm mà còn tạo cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc quốc tế và hệ sinh thái khởi nghiệp ở nhiều quốc gia.
Ba yếu tố đại học khởi nghiệp cần chú trọng
Để triển khai hợp tác quốc tế hiệu quả, các trường đại học tiến tới mô hình đại học khởi nghiệp cần cân nhắc hoàn thiện ba yếu tố sau:
Nâng cao năng lực chuyên môn: Đại học khởi nghiệp cần tập trung trang bị kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho đội ngũ nhân sự, giúp họ tự tin tham gia vào các chương trình hợp tác phù hợp. Đội ngũ sinh viên hay kể cả giảng viên, chuyên gia (mentor) cũng cần mang tinh thần doanh chủ, thói quen “tò mò” và luôn muốn vươn mình ra thế giới để chinh phục những tri thức mới.
Xây dựng khung chương trình hợp tác: Thiếu khung chương trình sau khi ký kết cam kết, ghi nhớ… là một nguyên nhân lớn khiến việc hợp tác quốc tế tại các đại học truyền thống “kém chất”. Các trường đại học khởi nghiệp cần tham khảo và lựa chọn mô hình, khung chương trình hợp tác quốc tế phù hợp với định hướng phát triển của trường, tạo tiền đề cho hợp tác lâu dài. Tham khảo một số mô hình hợp tác quốc tế của các trường đã phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo toàn diện tại Singapore, Isarel, Hàn Quốc…
Phát triển mạng lưới đối tác chiến lược: Xây dựng và thúc đẩy quan hệ với các đối tác quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tạo sự kết nối vững chắc cho những dự án chung.
(*) CEO Lead The Change
Khánh Hưng ghi
Hệ thống quản lý và cơ chế hỗ trợ hợp tác quốc tế tại nhiều trường vẫn chưa được hoàn thiện, dẫn đến quy trình phê duyệt và triển khai các dự án thường chậm trễ.