Hợp tác quốc tế vì mục tiêu 'vị nhân sinh'
GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Tổ trưởng Tổ tư vấn, Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo - chia sẻ về hợp tác quốc tế trong GD Đại học...
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Tổ trưởng Tổ tư vấn, Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo nhấn mạnh: Hợp tác quốc tế có ý nghĩa quan trọng với cơ sở giáo dục đại học, giúp tăng cường năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học và vì mục tiêu “vị nhân sinh”.
Nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu
- Giáo sư đánh giá thế nào về vai trò của hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu đối với GD-ĐT ở Việt Nam?
- Hợp tác là cùng nhau sử dụng nguồn lực để giải quyết những nhiệm vụ chung. Điều này cho thấy, hợp tác quan trọng, nhất là hợp tác quốc tế. Qua đó, hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau giải quyết các vấn đề chung để hướng đến mục tiêu phát triển.
Theo tôi, hợp tác có nhiều cách và phương thức khác nhau. Thông qua đó, chúng ta mở cửa và hội nhập, giao lưu văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, trong giáo dục đại học, hợp tác quốc tế hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ trình độ cao. Thực tế, các dự án, tổ chức quốc tế rất quan tâm hỗ trợ Việt Nam; đồng thời tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hiện, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam lớn mạnh hơn nhiều, chúng ta hoàn toàn tự tin hội nhập quốc tế.
- Vậy theo Giáo sư, để phát huy hiệu quả hợp tác quốc tế, chúng ta cần hướng đến giải pháp gì nhằm đồng hành cùng các cơ sở giáo dục đại học?
- Nếu hợp tác quốc tế để chung nguồn lực, mục đích, nhiệm vụ thì có tính bình đẳng cao. Khi đấy, năng lực các bên hợp tác phải tương đồng. Tuy nhiên, chúng ta ở điểm xuất phát thấp nên phần lớn là hợp tác một chiều. Chúng ta đang tiếp nhận sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nước để đào tạo cán bộ nên ở chừng mực nào đó hiệu quả chưa cao.
Cũng là hợp tác quốc tế nhưng với nước phát triển họ lấy được nguồn lực các quốc gia khác. Có một tổng kết chỉ ra, GDP của Hàn Quốc tăng nhanh nhờ phát triển các doanh nghiệp của Hàn Quốc tại Việt Nam, cùng một số kênh khác. Họ đã tuyển dụng và có chính sách tiếp nhận nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam sang làm tiến sĩ. Bằng các kênh này, họ hưởng lợi rất nhiều.
Tôi cho rằng, thời gian tới, ngoài hợp tác theo truyền thống là tiếp nhận viện trợ, học bổng các nước để đào tạo cán bộ trình độ cao, Nhà nước nên đặt ra những nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, có thể triển khai nội dung phát triển khoa học công nghệ, những sản phẩm trong lĩnh vực này. Ngoài tạo điều kiện cho nhà khoa học, cần có nguồn lực để hợp tác quốc tế, có thể đưa chuyên gia trong nước đi học tập tại nước ngoài và đón chuyên gia quốc tế đến Việt Nam làm việc, lúc đó hiệu quả sẽ tăng lên rất nhiều.
Hội nhập trong thế giới phẳng
- Thực tế, nhiều người được cử đi nước ngoài học tập nhưng lại không muốn về nước, Giáo sư nhìn nhận việc này thế nào?
- Trong thế giới phẳng, làm việc, đóng góp ở đâu cũng nhằm mục đích phát triển và vì văn minh của nhân loại. Giả sử người Việt Nam có điều kiện ra nước ngoài và đóng góp vào phát minh, tiến bộ của thế giới. Theo đó, cả thế giới được hưởng lợi chung nhưng niềm tự hào thuộc về Việt Nam.
Phải nói rằng, dù hợp tác quốc tế hiện nay sâu, rộng và mở nhưng đằng sau đó là lợi ích từng quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp... Chúng ta cởi mở để hợp tác nhưng đồng thời phải nghĩ đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Người nào đi học mà làm giàu cho bản thân, gia đình, vì mục tiêu phát triển đất nước mới là giỏi. Còn đi học để vui vẻ, giúp người ta giàu trước mới đến mình thì đó là cách nghĩ không “vị nhân sinh”. Cho nên tôi muốn mọi người cùng suy nghĩ, làm gì thì làm nhưng thịnh vượng quốc gia rất quan trọng.
- Chảy máu chất xám là câu chuyện cần quan tâm khi đưa sinh viên hoặc nghiên cứu sinh ra nước ngoài học tập và nghiên cứu. Giáo sư có quan ngại về điều này?
- Khi điểm xuất phát của chúng ta thấp thì hợp tác quốc tế, đưa một số cán bộ, sinh viên đi đào tạo ở nước ngoài để nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học là điều quan trọng. Nếu giai đoạn trước (thời kỳ của chúng tôi), được đi học nước ngoài là cơ hội và giấc mơ. Vì thế, mọi người ra sức học tập, nghiên cứu để về nước cống hiến, cùng xây dựng Tổ quốc. Giai đoạn đó, đã xây dựng được đội ngũ cán bộ nhà khoa học giỏi, đam mê và nhiệt huyết.
Bây giờ, dường như các nhà khoa học của Việt Nam không hào hứng với việc đi nước ngoài như trước. Thậm chí, không chỉ đi học vài năm để lấy bằng tiến sĩ, hay một năm để nâng cao trình độ, mà số lượng các nhà khoa học Việt Nam đi nước ngoài tham dự hội nghị, hội thảo để tiếp cận tri thức khoa học, xu thế nghiên cứu mới của thế giới cũng hạn chế.
Điều đáng nói, trình độ của chúng ta chưa cao nhưng đã sớm thỏa mãn. Nếu không tiếp cận khoa học trực tiếp, chỉ học qua sách báo, trên mạng thì thông tin ấy không đủ để giảng dạy cho sinh viên, quan trọng hơn, không thể cập nhật và bắt nhịp với bước đi của thế giới.
Tôi muốn nói thông điệp này để các nhà khoa học Việt Nam dù trẻ hay trưởng thành, việc hội nhập, tham gia hội nghị quốc tế, nghiên cứu ở nước ngoài rất quan trọng nhưng cống hiến cho nước nhà, làm giàu cho Tổ quốc mới là “vị nhân sinh”.
- Xin cảm ơn GS.TS Nguyễn Hữu Đức!
Hợp tác quốc tế luôn có ý nghĩa lớn với các cơ sở giáo dục đại học nói riêng và đất nước nói chung. Trên thế giới, các trường đại học không chỉ hợp tác song phương, mà còn đa phương, giữa nhiều bên với nhau.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hop-tac-quoc-te-vi-muc-tieu-vi-nhan-sinh-post666821.html