Hợp tác thương mại Việt Nam - Peru: Tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định CPTPP
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đánh giá, Hiệp định CPTPP đã và đang tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Peru.
Nhân dịp tham dự Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng APEC năm 2024 tại Lima (Peru), ngày 15/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã có buổi làm việc với Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Peru Eric Anderson.
Cùng tham dự buổi làm việc của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Vụ Dầu khí và Than.
Nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long bày tỏ vui mừng được gặp Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Peru Eric Anderson để trao đổi về tình hình hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và chuẩn bị cho Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Peru về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật, đặc biệt trong thời điểm đặc biệt ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Peru (14/11/1994 - 14/11/2024).
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã trao đổi với Tổng Thư ký Eric Anderson các vấn đề về hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương mà hai bên cùng quan tâm.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định, Việt Nam đánh giá cao vai trò của Peru và luôn coi Peru là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực. Thứ trưởng bày tỏ vui mừng về những kết quả đạt được trong quan hệ thương mại song phương với kim ngạch thương mại tăng trưởng tích cực trong những năm qua.
Thứ trưởng đánh giá cao việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) chính thức có hiệu lực với Peru từ cuối năm 2021, đánh dấu lần đầu tiên hai nước có quan hệ FTA, đồng thời đã và đang tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước. Với việc thị phần hàng hóa của hai nước tại thị trường của nhau còn ở mức khiêm tốn, Thứ trưởng khẳng định dư địa cho tăng trưởng thương mại song phương là rất lớn thông qua việc tận dụng tốt những ưu đãi của CPTPP.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, để tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đề nghị Tổng Thư ký Eric Anderson, cũng như Bộ Ngoại giao Peru và các cơ quan liên quan quan tâm thúc đẩy một số nội dung:
Thứ nhất, tích cực triển khai hoạt động trao đổi đoàn các cấp; nghiên cứu khả năng đàm phán và ký kết các biên bản, thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm theo nguyên tắc một bên có thế mạnh và bên kia có nhu cầu;
Thứ hai, tích cực phổ biến cho doanh nghiệp hai nước thông tin thị trường của nhau để tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định CPTPP. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền thông tin về các hội chợ, triển lãm thương mại của mỗi bên để các doanh nghiệp quan tâm tham gia;
Thứ ba, nhận được sự hỗ trợ của phía Peru trong việc tạo điều kiện thuận lợi về mặt cơ chế, chính sách ưu đãi để các dự án đầu tư của Việt Nam tại Peru được triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả các bên. Ở chiều ngược lại, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ, tiếp nhận đầu tư từ Peru vào thị trường Việt Nam, cũng như hỗ trợ các nhà đầu tư Peru tiếp cận thông tin về thị trường đầu tư khu vực Đông Nam Á;
Thứ tư, xem xét khả năng hợp tác phát triển các ngành khai thác khoáng sản, nông sản hữu cơ, chế biến thực phẩm, du lịch…, là những lĩnh vực mà Peru đặc biệt có thế mạnh;
Thứ năm, chú trọng hợp tác phát triển một số ngành mang tính đột phá, phù hợp với xu thế quốc tế như công nghệ xanh, các lĩnh vực kinh tế số với hàm lượng công nghệ cao, thương mại điện tử v.v…;
Thứ sáu, tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, OECD, APEC, CPTPP, Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC)...
Rà soát thúc đẩy hiệp định hợp tác song phương hiệu quả
Quan hệ thương mại Việt Nam - Peru đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Chỉ trong vòng 8 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi từ khoảng 300 triệu USD (năm 2014) lên mức 600 triệu USD (năm 2022). Peru hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, kim ngạch thương mại song phương đã bị tác động đáng kể. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại hai chiều năm 2023 chỉ đạt 486 triệu USD, giảm 19% so với năm 2022. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Peru 439 triệu USD, giảm 17,3%, nhập khẩu từ Peru đạt 47 triệu USD, giảm 32,3%.
7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 294 triệu USD, giảm 5,6%. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Peru đạt 255 triệu USD, giảm 8,5%, trong khi nhập khẩu từ Peru đạt 39 triệu USD, tăng 18,3%.
Về đầu tư, tại Peru có sự hiện diện của các dự án đầu tư lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực viễn thông và khai khoáng của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP).
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì triển khai hiệu quả cơ chế Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Peru, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đề nghị thường xuyên rà soát các nội dung hợp tác cụ thể, cũng như xác định các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư song phương. Hiện hai bên đang nỗ lực triển khai thực hiện các cam kết, thỏa thuận đã đạt được tại Kỳ họp và tích cực trao đổi để sớm thống nhất thời gian tổ chức Kỳ họp lần III Ủy ban Liên Chính phủ dự kiến diễn ra trong quý IV năm 2024.
Tổng Thư ký Eric Anderson bày tỏ vui mừng được đón tiếp Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và đoàn công tác của Bộ Công Thương tới thăm và làm việc tại Peru, đồng thời đánh giá cao những kết quả đạt được trong hợp tác song phương giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Cùng quan điểm với Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, Tổng Thư ký Eric Anderson cho rằng quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước đã và đang ngày càng được củng cố nhờ việc hai nước cùng tham gia vào nhiều cơ chế hội nhập đa phương như APEC hay FEALAC và gần đây nhất là việc Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với Peru, trở thành công cụ quan trọng để tăng cường thương mại hàng hóa, dịch vụ cũng như đầu tư giữa Hai nước.
Hai bên nhất trí phối hợp, thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực, nhất là trong thương mại và đầu tư, đóng góp tích cực vào mối quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương đang phát triển tốt đẹp Việt Nam - Peru.