Hợp tác trong thời kỳ cạnh tranh

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, trong đó một mặt chỉ rõ đối thủ cạnh tranh chiến lược, nhưng mặt khác cũng khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác với tất cả các bên hướng tới giải quyết những thách thức đang nổi lên toàn cầu.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 12/10 (giờ địa phương) đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới sau nhiều tháng trì hoãn. Theo Foreign Policy, tài liệu dài 48 trang này không có thay đổi lớn trong cách đánh giá và không đưa ra học thuyết mới lớn nào trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ đương nhiệm, nhưng mô tả thế giới đang bước vào “thập kỉ quyết định”, đồng thời nêu bật 3 ưu tiên mà Mỹ theo đuổi, một là đầu tư vào các nguồn sức mạnh cơ bản của Mỹ, hai là tiếp tục làm việc với các đồng minh, đối tác để giải quyết các thách thức chung và ba là đặt ra các quy tắc mới về thương mại, kinh tế và công nghệ mới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: GettyImages

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: GettyImages

Trong văn kiện, Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất có ý định định hình lại trật tự thế giới và “ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để đạt được mục tiêu đó”. Tuy vậy, Mỹ khẳng định họ sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực phù hợp, đôi bên cùng có lợi. “Mỹ sẽ làm việc với bất cứ quốc gia nào, kể cả các đối thủ cạnh tranh, sẵn sàng giải quyết một cách xây dựng những thách thức được chia sẻ trong trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và đồng thời nỗ lực củng cố các thể chế quốc tế”, văn kiện có đoạn.

Về Nga, chiến lược an ninh của Mỹ một lần nữa chỉ trích chiến dịch quân sự mà Moscow tiến hành ở Ukraine, thêm rằng Washington sẽ duy trì trừng phạt Nga vì cuộc xung đột. Mỹ nhấn mạnh nước này cùng phương Tây sẽ hỗ trợ Ukraine hết mình cả trong và sau khi chiến tranh kết thúc. Giống như với Trung Quốc, Washington thể hiện sẵn sàng làm việc với Moscow trong các lĩnh vực hợp tác phù hợp, bao gồm duy trì các hiệp ước kiểm soát vũ khí như New START.

Bản chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ cũng khẳng định, với vai trò một cường quốc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Washington có lợi ích và cần tiếp tục thúc đẩy khu vực ngày một cởi mở, liên kết và thịnh vượng hơn. Mỹ đồng thời đề cao mối quan hệ với các đồng minh xuyên Đại Tây Dương, coi đây là một ưu tiên của chính sách đối ngoại. Đáng chú ý, Mỹ đặt mục tiêu thúc đẩy một Trung Đông hội nhập, bởi đây là cơ hội để các đồng minh và đối tác Mỹ “thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng”, từ đó giúp giảm nhu cầu tài nguyên của Mỹ ở khu vực. Về châu Phi, Mỹ đánh giá “sự năng động, đổi mới và tăng trưởng về nhân khẩu học” của lục địa là trọng tâm hướng tới giải quyết các vấn đề phức tạp mang tính toàn cầu.

Nhà Trắng lập luận, các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ trên toàn thế giới là tài sản chiến lược quan trọng nhất, nên Mỹ sẽ tiếp tục “đào sâu và hiện đại hóa” chúng vì lợi ích Mỹ. Bên cạnh đó, Washington đánh giá cao việc phát triển các mô hình liên kết về công nghệ, thương mại và an ninh giữa nước đồng minh, đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu; đồng thời sẽ nỗ lực thiết lập các thỏa thuận kinh tế mới để tăng cường hợp tác, định hình các quy tắc thương mại mới, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ và quốc tế.

Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ còn chỉ rõ, bất chấp sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các quốc gia, Mỹ “phải duy trì và thúc đẩy hợp tác quốc tế để đối phó với những thách thức chung” như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tình trạng lạm phát hay mất an ninh lương thực. “Chúng ta không thể để bất đồng ngăn cản chúng ta tiến tới những ưu tiên đòi hỏi chúng ta phải làm việc cùng nhau, vì lợi ích của con người và vì lợi ích của thế giới”, văn kiện nhấn mạnh.

Bản chiến lược mới của chính quyền Tổng thống Biden cũng nhắm mục tiêu tăng cường đầu tư trong nước để Mỹ không phụ thuộc vào các nguồn cung nước ngoài, xây dựng các liên minh mạnh nhất để tăng cường tầm ảnh hưởng chung nhằm định hình môi trường chiến lược toàn cầu và hiện đại hóa quân đội Mỹ để chuẩn bị cho thời đại cạnh tranh chiến lược.

“Chúng tôi đang hiện đại hóa quân đội, theo đuổi các công nghệ tiên tiến và đầu tư vào lực lượng lao động quốc phòng để đảm bảo vị thế tốt nhất của Mỹ trong bảo vệ đất nước, đồng minh, các đối tác và lợi ích của Mỹ ở nước ngoài, cũng như các giá trị Mỹ trên toàn cầu”, Nhà Trắng khẳng định. Bản chiến lược an ninh được Nhà Trắng công bố còn bao gồm nội dung củng cố sức mạnh khu vực tư nhân của Mỹ bằng một chiến lược công nghiệp hiện đại, đầu tư chiến lược vào lực lượng lao động, các lĩnh vực công nghệ mới.

Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Biden từng hoãn công bố chiến lược an ninh quốc gia hồi đầu năm bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine khiến Nhà Trắng gặp khó trong xác định các ưu tiên và dự định của Mỹ. Bản chiến lược mới dự kiến được gửi tới lưỡng viện Quốc hội trước khi chính quyền Mỹ đệ trình ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo.

Ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ chuyên về Đông Á dưới thời Tổng thống Barack Obama nhận xét, chính sách an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Biden phù hợp với các ưu tiên mà Nhà Trắng đã nêu gần đây là tăng cường năng lực cạnh tranh, củng cố liên minh và các thể chế Mỹ dẫn đầu, cân bằng sự hợp tác và cạnh tranh.

Thái Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/hop-tac-trong-thoi-ky-canh-tranh-i670889/