Hợp tác vì một lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, lành mạnh về môi trường
Tuyên bố chung Vientiane tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cao nhất , thúc đẩy hợp tác hòa bình và cùng có lợi để đạt được tầm nhìn chung về một lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, lành mạnh về môi trường và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.ff
Ngày 5/4, tại Thủ đô Vientiane, Lào, Hội nghị Cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mekong quốc tế đã thông qua Tuyên bố chung Vientiane.
Tuyên bố chung tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cao nhất của Người đứng đầu Chính phủ Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đối với việc thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 và vai trò của Ủy hội như là một cơ quan ngoại giao và hợp tác về tài nguyên nước hàng đầu trong khu vực.
Đồng thời, Ủy hội là một trung tâm tri thức trong tăng cường thực hiện các chiến lược, thủ tục, hướng dẫn kỹ thuật cũng như chia sẻ dữ liệu và thông tin trên toàn lưu vực, qua đó thúc đẩy hợp tác hòa bình và cùng có lợi để đạt được tầm nhìn chung về một lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, lành mạnh về môi trường và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuyên bố chung nhấn mạnh, mặc dù việc phát triển và sử dụng nguồn nước của sông Mekong đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng có thể gây ra những tác động bất lợi đến môi trường lưu vực và các cộng đồng dễ bị tổn thương, bao gồm các tác động xuyên biên giới cần phải phối hợp giải quyết, đặc biệt khi mà các tác động trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Để giải quyết các thách thức của lưu vực vốn ngày càng trở nên phức tạp, Tuyên bố chung nêu rõ cần các giải pháp quản lý lẫn phát triển để đảm bảo tính bền vững về tài nguyên môi trường. Trong đó, xác định các giải pháp đầu tư khác nhau và xem xét thỏa đáng mối liên kết giữa các ngành sử dụng nước, bổ sung quản lý vận hành liên hồ chứa xuyên biên giới, đặc biệt là việc chia sẻ số liệu kịp thời và thường xuyên từ các công trình khai thác sử dụng nước...
Tuyên bố chung kêu gọi Ủy hội và tất cả các đối tác, các bên liên quan phối hợp tìm ra các giải pháp sáng tạo để ứng phó với những thách thức, đồng thời nắm bắt các cơ hội và tăng cường hợp tác vì một lưu vực sông Mekong bền vững, đảm bảo an ninh nguồn nước, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc cởi mở, minh bạch, toàn diện, cùng có lợi, bình đẳng.
Đưa ra các giải pháp ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, bao gồm các giải pháp công trình, các giải pháp thích nghi thuận tự nhiên; các giới hạn môi trường, quản lý phù sa bùn cát. Đồng thời hỗ trợ triển khai các quy hoạch như sản xuất năng lượng tái tạo; kết nối và nâng cấp mạng lưới truyền tải điện của khu vực, phát triển thị trường và các hoạt động thương mại về năng lượng…
Hỗ trợ các quốc gia trong việc trợ giúp các cộng đồng thích ứng với các biến động của dòng sông thông qua việc đảm bảo một hệ thống thông tin liên lạc thông suốt nhằm thông báo kịp thời và hiệu quả các biến động bất thường; các vấn đề về chất lượng nước, lũ lụt và hạn hán và các trường hợp khẩn cấp khác liên quan tới nước. Duy trì và tìm kiếm nguồn tài chính mới để hỗ trợ các nỗ lực nêu trên bao gồm các nguồn từ nhà nước, tư nhân và các cơ chế hỗ trợ tài chính toàn cầu.