Hợp tác Việt Nam - các nước
Chiều 15-10, tại Hà Nội, diễn ra cuộc hội đàm giữa Ðoàn đại biểu cấp cao Thanh tra Chính phủ và Bộ Quan hệ với Quốc hội, Thượng viện và Thanh tra Cam-pu-chia. Dự hội đàm có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quan hệ với Quốc hội, Thượng viện và Thanh tra Cam-pu-chia Men Xam On; đồng chí Lê Minh Khái, Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng Thanh tra Chính phủ.
Tại hội đàm, hai bên chia sẻ về tình hình chính trị, phát triển kinh tế - xã hội nổi bật mỗi nước; đồng thời khẳng định: Từ năm 2003, Thanh tra Chính phủ Việt Nam và Bộ Quan hệ với Quốc hội, Thượng viện và Thanh tra Cam-pu-chia đã xây dựng quan hệ hữu nghị hợp tác, đạt nhiều kết quả thiết thực trong các lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi đoàn đại biểu. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành thanh tra hai nước và tăng cường quan hệ hợp tác tốt đẹp, toàn diện giữa hai nước.
Ðoàn đại biểu hai nước đã trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm, thống nhất một số định hướng trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hợp tác thời gian tới. Ðồng thời, thông báo cho nhau về một số kết quả trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng những tháng đầu năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Chiều 15-10, tại Hà Nội, Ðoàn đại biểu cấp cao do Phó Thủ tướng Cam-pu-chia Men Xam On dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Trụ sở Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Men Xam On khẳng định: Kể từ khi Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Cam-pu-chia (BIDC) và các hiện diện khác của BIDV được thành lập tại Cam-pu-chia, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Cam-pu-chia có nhiều khởi sắc. BIDV và BIDC đã thể hiện sự năng động và trách nhiệm trong việc kết nối các doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động đầu tư và phát triển mối quan hệ giữa hai quốc gia. Ðịnh hướng hoạt động trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Cam-pu-chia cũng đề nghị BIDV và BIDC tiếp tục nỗ lực để giữ vững vai trò đầu tàu trong các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Cam-pu-chia, tiếp tục phát huy vai trò cầu nối trong các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Ngày 15-10, Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) lần thứ 18 diễn ra tại Ðà Lạt. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN - Việt Nam dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. Trước đó, trong các ngày 13 và 14-10, diễn ra Cuộc họp lần thứ 30 Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC. Ðây là các hội nghị giữa ASEAN với Trung Quốc nhằm kiểm điểm tình hình Biển Ðông, thực hiện DOC và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC).
Tại hội nghị, đoàn Việt Nam làm rõ về những diễn biến phức tạp ở Biển Ðông, nhất là việc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đang bị vi phạm nghiêm trọng, nêu bật lập trường, quan điểm chính đáng của Việt Nam dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Ðoàn Việt Nam khẳng định cam kết đối với tiến trình thực hiện DOC và xây dựng COC; đề xuất nhiều biện pháp nhằm cải tiến phương cách làm việc cho các vòng đàm phán sắp tới.
Ngày 15-10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp Văn phòng Ðiều phối viên Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức hội thảo về cải tổ hệ thống phát triển LHQ, nhằm điểm lại quá trình cải tổ hệ thống phát triển LHQ, đánh giá chiến lược ưu tiên của hệ thống hiện nay. Phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung bày tỏ sự trân trọng đối với sự hỗ trợ và giúp đỡ về các mặt của các cơ quan, tổ chức thuộc LHQ đối với Việt Nam. Thứ trưởng mong muốn nhận được những ý kiến đánh giá của các đại biểu dự hội thảo về khả năng hỗ trợ của LHQ đối với sự phát triển của Việt Nam trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, nhân lực…
Ngân hàng Standard Chartered có trụ sở tại Anh mới đây đã ra danh sách những nước được gọi là "ngôi sao đang lên" của thương mại toàn cầu dựa trên những cải tiến mà các nước đã thực hiện, cũng như tiềm năng tương lai của những nước này. Trong danh sách các quốc gia thuộc khu vực Ðông - Nam Á, Việt Nam giữ vị trí số 1, vượt qua In-đô-nê-xi-a và Thái-lan. Theo ngân hàng này, cơ sở hạ tầng được cải thiện, đa dạng thương mại với nhiều quốc gia cũng như sự ổn định chính trị là những yếu tố thuận lợi góp phần vào sự thành công của nền kinh tế Việt Nam.
Trong bài viết đăng trên trang Asia Outlook, các chuyên gia nhận định, nếu lựa chọn Việt Nam, các công ty quốc tế sẽ có rất nhiều cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực từ công nghệ đến cơ sở hạ tầng. Theo bài viết, Việt Nam trong năm 2018 đã trở thành một trong những "ngôi sao sáng" trong số các thị trường mới nổi. Bài viết nêu rõ, một môi trường kinh doanh minh bạch với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm được dự báo ở mức 6,8% và các chính sách mở cửa tiến bộ đang mở ra tương lai xán lạn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Theo tuần san News and World Report của Mỹ, Việt Nam đứng thứ tám trong danh sách 29 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư và đứng đầu ASEAN về hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Tuần san nói trên nhận định, từ khi thực hiện công cuộc cải cách Ðổi mới năm 1986, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, phần lớn nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).