Hợp tác Việt Nam - EU: Bền chặt, vững chắc
Phiên họp lần thứ 2 Ủy ban hỗn hợp trong khuôn khổ Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA) được tổ chức trực tuyến mới đây tái khẳng định, kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990, hợp tác giữa EU và Việt Nam đã phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực quan trọng.
Cụ thể, hợp tác giữa EU và Việt Nam đã phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực quan trọng từ chính trị-ngoại giao, thương mại, môi trường, năng lượng, khoa học và công nghệ, quản trị tốt đến quốc phòng và an ninh.
Năm kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ Việt Nam-EU diễn ra trong bối cảnh chưa có tiền lệ, đại dịch Covid -19 đã thay đổi cục diện thế giới và làm gia tăng nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế. EU và Việt Nam nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác cả về song phương lẫn trên các diễn đàn đa phương, nhằm duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng thông qua sự phục hồi bền vững.
Việt Nam và EU hoan nghênh việc nâng cấp quan hệ ASEAN – EU lên Đối tác chiến lược trong nhiệm kỳ Việt Nam là Chủ tịch ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ngày 1/12/2020. Điều này sẽ tạo cơ hội để hai bên đẩy mạnh cam kết ủng hộ chủ nghĩa đa phương hiệu quả và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đồng thời cũng sẽ là cơ sở để thực hiện thường xuyên các trao đổi cấp cao.
EU cũng đánh giá cao cơ hội được Việt Nam - nước Chủ tịch mời tham dự Chương trình khách mời của Chủ tịch và Lễ kỷ niệm 10 năm Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM +) tổ chức vào ngày 9,10/12/2020.
Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng, Đại diện cấp cao về Chính sách an ninh và Đối ngoại EU nhấn mạnh sự hợp tác an ninh vững chắc của EU với khu vực ASEAN, từ hỗ trợ các tiến trình hòa bình tại khu vực đến sự phối hợp ngày càng chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh hàng hải, an ninh mạng và chống chủ nghĩa khủng bố.
Ủy ban hỗn hợp thảo luận về tình hình và các bước tiếp theo trong việc triển khai các hiệp định nhằm củng cố quan hệ Việt Nam-EU, đặc biệt là Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA), Hiệp định thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên minh châu Âu (FPA), Hiệp định EVFTA và Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).
Ủy ban hỗn hợp cũng trao đổi về những biện pháp cần thiết để phòng, chống các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại Việt Nam. EU đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về IUU và Việt Nam hy vọng EU sẽ sớm gỡ bỏ cảnh báo thẻ vàng. EU nhấn mạnh sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Việt Nam về vấn đề này trong khuôn khổ đối thoại song phương về IUU. Đồng thời, trao đổi về các lĩnh vực trọng tâm của Chương trình hợp tác phát triển giai đoạn 2014-2020, cụ thể là năng lượng bền vững và quản trị, pháp quyền. Sau cuộc họp trực tuyến diễn ra thành công, dự kiến phiên họp tiếp theo của Ủy ban hỗn hợp sẽ diễn ra tại Hà Nội vào năm 2021.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hop-tac-viet-nam-eu-ben-chat-vung-chac-149493.html