Hợp tác Việt Nam - Trung Quốc: Những việc cần làm ngay
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội lớn để làm sâu sắc thêm quan hệ song phương.
Chiều 15-4, chuyến thăm kéo dài hai ngày của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình đến Việt Nam (VN) kết thúc với bản Tuyên bố chung được giới quan sát đánh giá là rất tích cực, mở ra nhiều cơ hội lớn cho người dân, doanh nghiệp hai nước.
TS Nguyễn Tăng Nghị, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định: Việc triển khai các cam kết trong Tuyên bố chung một cách khoa học, quyết liệt sẽ mang lại nhiều thành quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội song phương, nhất là phía VN.

Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Báo Nhân Dân
Từ những cam kết về hạ tầng, kinh tế…
. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước TQ Tập Cận Bình đến VN đối với hợp tác kinh tế song phương?

+ TS Nguyễn Tăng Nghị (ảnh): Đây là chuyến thăm VN đạt rất nhiều thành công cho quan hệ VN - TQ, đúng như Tuyên bố chung: “Hai bên xác định cần cùng nhau nâng tin cậy chiến lược lên mức cao hơn”. Điểm rơi của chuyến thăm đúng vào thời điểm VN đã, đang và sắp đón chào nhiều sự kiện kỷ niệm trọng thể; đồng thời cũng đánh dấu mốc kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và là Năm giao lưu nhân văn TQ - VN. Không khí phấn khởi này càng đẩy sự gắn bó giữa hai nước lên cao, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện lâu nay.
Nếu nói đến kết quả nổi bật của chuyến thăm, hai nước đã ký tổng cộng 45 văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ cấp độ các bộ, ban ngành Trung ương đến cấp độ địa phương. Số lượng văn kiện hợp tác cao như trên cho thấy hai nước tiếp tục khai thác mạnh mẽ tiềm năng hợp tác theo đúng những cam kết đề ra trong các chuyến thăm cấp cao trước đây. Trong đó, các lĩnh vực mà tôi đánh giá sẽ rất tiềm năng đó là công nghệ cao như 5G, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, Internet vạn vật, cùng với năng lượng sạch, phát triển xanh, kinh tế số…
Hợp tác phát triển hạ tầng giao thông là một điểm sáng đáng chú ý, đặc biệt là đường sắt - cụm từ được nhắc đến rất nhiều lần trong Tuyên bố chung. Đại diện hai nước đã ký kết bảy văn kiện quan trọng trong lĩnh vực đường sắt và đường bộ. Đặc biệt, hai nước nhất trí thành lập Ủy ban hợp tác đường sắt giữa hai Chính phủ, tiếp tục triển khai sửa đổi Hiệp định đường sắt biên giới, phát triển liên vận đường sắt quốc tế Việt - Trung, mở thêm nhiều chuyến vận tải đường sắt xuyên biên giới Việt - Trung…
Tôi nghĩ việc thực hiện các cam kết này chắc chắn tạo đà mạnh mẽ cho lưu thông dòng chảy hàng hóa, công nghệ, nhân lực giữa hai nước. Tôi từng có nhiều năm làm việc, nghiên cứu tại TQ - nơi có hệ thống giao thông đường sắt được đánh giá là phát triển hiện đại hàng đầu thế giới, nên tôi tin rằng nếu việc hợp tác diễn ra suôn sẻ, tiềm năng phát triển đường sắt của VN sẽ được khơi thông.
Việt Nam hợp tác luôn hướng tới hòa bình thế giới
Trong bối cảnh quan hệ quốc tế diễn ra nhiều biến động về địa chính trị, địa kinh tế, cạnh tranh nước lớn… tôi cho rằng việc VN cần tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định… mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản VN đề ra tiếp tục phát huy hiệu quả.
TS NGUYỄN TĂNG NGHỊ
Đến hợp tác văn hóa, giáo dục, truyền thông…
. Ngoài hợp tác liên quan đến kinh tế, thương mại và hạ tầng, đâu là những vấn đề cũng rất đáng lưu ý?
+ Tôi thấy hai nước cũng chú trọng đẩy mạnh ngoại giao nhân dân qua một số hợp tác rất thiết thực, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân hai nước. Ví dụ, hai bên công bố hợp tác truyền thông giữa Đài Truyền hình VN và Đài Phát thanh - Truyền hình Trung ương TQ. Trước đó, báo Nhân Dân (của VN) cũng ký các bản ghi nhớ hợp tác với Nhân Dân nhật báo và Tân Hoa xã (của TQ). Qua đó cho thấy hai quốc gia chú trọng nhiều hơn đối với hợp tác truyền thông - một lĩnh vực mà tôi đánh giá là rất quan trọng để giúp nhân dân hai nước hiểu nhau hơn, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ mới, mạng xã hội đã đặt ra nhiều cơ hội lẫn thách thức với các cơ quan báo chí về truyền thông đối ngoại.
Hay như việc ĐH Quốc gia Hà Nội ký biên bản ghi nhớ với ĐH Thanh Hoa về việc sáng lập “Mạng lưới ĐH VN - TQ” cũng rất đáng quan tâm. TQ có nhiều trường ĐH đạt chất lượng đào tạo vào tốp đầu khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Việc kết nối hệ thống các trường ĐH hai nước sẽ giúp ích rất nhiều cho VN trong chiến lược nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục ĐH, đồng thời giúp tiến gần hơn với khát vọng đào tạo nhân lực trình độ chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác trên lĩnh vực văn hóa - xã hội giữa hai nước. Trong đó, tôi rất kỳ vọng TQ tiếp tục sẽ là thị trường du lịch sôi động của VN, cùng với đó là các hoạt động giao lưu, trao đổi trong lĩnh vực nghệ thuật, lịch sử…
Chủ nghĩa đa phương, bảo vệ công bằng, chính nghĩa quốc tế
Đứng trước tính không xác định, không ổn định và không thể dự báo của tình hình quốc tế, hai bên sẽ kiên định đề cao chủ nghĩa đa phương, cùng bảo vệ công bằng, chính nghĩa quốc tế và lợi ích chung của các nước đang phát triển; giữ gìn đoàn kết, hợp tác trong cộng đồng quốc tế, phát huy các giá trị chung của toàn nhân loại về hòa bình, phát triển, công bằng, chính nghĩa, dân chủ, tự do; ủng hộ một thế giới đa cực bình đẳng, có trật tự và toàn cầu hóa kinh tế bao trùm, mang lại lợi ích chung, thúc đẩy quản trị toàn cầu phát triển theo hướng công bằng và hợp lý hơn.
(Trích Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc ngày 15-4-2025)
Việc quan trọng, cấp bách phải làm ngay
. Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến VN mở ra nhiều cơ hội lớn như ông đã chia sẻ nhưng để biến “cơ hội” thành “bàn thắng”, theo ông thì VN cần cách tiếp cận và triển khai các tiềm năng hợp tác như thế nào dựa vào nguồn lực của VN và đặt trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay?
+ Ở chừng mực nào đó, các văn kiện ký kết trong đó có các bản ghi nhớ, hay bản Tuyên bố chung sẽ bao hàm rất rộng các vấn đề. Vì vậy, hiện thực hóa các cam kết trong Tuyên bố chung đòi hỏi VN phải tiếp cận bằng cách chọn lọc, ưu tiên, việc nào quan trọng, cấp bách, thiết thực thì triển khai ngay, rõ đầu việc, rõ đầu ra; trong khi những nhiệm vụ quan trọng nhưng mang tính dài hơi cũng cần được lên kế hoạch với lộ trình, giải pháp, phương tiện thực hiện cụ thể.
Tôi lấy ví dụ, việc hợp tác phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, hàng không và đặc biệt là đường sắt; hay như hợp tác về đào tạo nhân lực trình độ cao, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, phát triển xanh… rất cần được triển khai ngay. Bởi lẽ TQ có nền tảng, kinh nghiệm, thế mạnh lớn trong các vấn đề này, trong khi đây lại là những hạn chế, đôi khi là “điểm nghẽn” đối với VN trước thềm tiến vào “kỷ nguyên vươn mình” theo lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Một điều mà tôi nghĩ VN có thể học hỏi TQ là giải pháp triển khai các dự án, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. TQ những năm qua tiến hành cải cách nền kinh tế của họ, mà trọng tâm là tạo ra những thể chế đột phá, vượt trội thực sự mang tính khuyến khích cao đối với đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ. Điều này ở VN cũng đang hướng tới nhưng tốc độ còn chậm, cách làm còn lúng túng, chưa mạch lạc.
. Xin cảm ơn ông.•
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/hop-tac-viet-nam-trung-quoc-nhung-viec-can-lam-ngay-post844601.html