Hợp tác xã - Đầu tàu thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển
Với vai trò chủ thể, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã và đang tác động mạnh vào quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung với nhiều cây trồng có năng suất cao, giá trị kinh tế, tạo ra các chuỗi liên kết sản xuất, kết nối cung cầu, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Vĩnh Phúc là địa phương có tiềm năng về đất đai, điều kiện phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Tuy nhiên, một thời gian dài, việc phát triển các vùng sản xuất tập trung gặp rất nhiều khó khăn, giá trị kinh tế thấp. Do yêu cầu về quy mô, diện tích sản xuất lớn trong khi ruộng đất trên địa bàn tỉnh còn manh mún, các mô hình chủ yếu là tự phát, chưa có chủ thể đứng ra đảm nhiệm vai trò quản lý.
Thực tế này đòi hỏi cần có những “đầu tàu” đủ năng lực quản lý, tạo mối quan hệ sản xuất bền vững, hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ để thúc đẩy các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn hình thành và phát triển.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân (Bình Xuyên) xây dựng thành công vùng sản xuất lúa hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương. Ảnh: Chu Kiều
Với tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, tự tin đột phá, nhiều nông dân, thế hệ trí thức trẻ đã mạnh dạn xây dựng HTX theo mô hình mới, đáp ứng nhu cầu thời kỳ mới đặt ra. Điển hình như HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân (Bình Xuyên).
Sau khi chuyển đổi thành công theo Luật HTX năm 2012 từ tháng 12/2014, HTX đã có sự nỗ lực không ngừng, xây dựng, hình thành vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với tổng diện tích canh tác hơn 150 ha với sự tham gia của hơn 2.450 thành viên, xây dựng thương hiệu “Gạo ngon Phú Xuân” có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Qua tìm hiểu, giá trị sản xuất nông nghiệp tại xã Phú Xuân trước khi HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý mới đi vào hoạt động còn thấp, đặc biệt là ứng dụng cơ giới hóa rất chậm, dù đồng đất bằng phẳng, tưới tiêu thuận lợi.
HTX ra đời như một làn gió mới, đẩy nhanh quá trình ứng dụng cơ giới hóa, khép kín quy trình gieo cấy, đưa Phú Xuân trở thành điểm sáng của tỉnh về mô hình mạ khay, cấy máy.
Các nút thắt trong sản xuất nông nghiệp dần được tháo gỡ, người dân đồng thuận chủ trương dồn thửa đổi ruộng, hình thành cánh đồng mẫu lớn, tích cực tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất với Tập đoàn Quế Lâm Phương Bắc, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng giống thuần chất lượng cao và phân bón vi sinh hữu cơ, tạo ra gạo ngon chất lượng cao, nâng cao giá trị sản xuất trên mỗi diện tích canh tác.
Không chỉ riêng HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, nhiều HTX nông nghiệp sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 hoặc được thành lập mới đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất làm tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Một số HTX bước đầu sắp xếp lại về quy mô, lĩnh vực hoạt động phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương và hoạt động có hiệu quả. Doanh thu bình quân mỗi HTX nông nghiệp năm 2024 đạt 1,2 tỷ đồng/năm; lãi bình quân đạt 250 triệu đồng/năm.
Với sự lớn mạnh của các HTX đầu tàu, các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung của tỉnh ngày càng phát triển, tạo ra các sản phẩm đặc trưng vùng miền, được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao cấp tỉnh trở lên như bưởi Vĩnh Tường, thanh long ruột đỏ Lập Thạch, dưa chuột VietGap An Hòa, su su Hồ Sơn… Nông nghiệp hàng hóa đã mở ra hướng đi bền vững cho nông dân tại địa phương, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất cho nông dân.
Phát triển khu vực kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các HTX luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nghị quyết 20 của Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới đã được ban hành, thể hiện rõ quan điểm của Ðảng tiếp tục củng cố và phát triển vai trò khu vực KTTT và khẳng định KTTT sẽ được hỗ trợ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nâng cao trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trên cơ sở đó, tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các HTX trên địa bàn tích cực đổi mới, phát huy vai trò đầu tàu, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, tiên tiến, chủ động nắm bắt các cơ hội phát triển.
Toàn tỉnh hiện có 220 HTX nông nghiệp đang hoạt động với 26 chuỗi liên kết sản xuất, dù số lượng HTX là tương đối lớn, song những “đầu tàu” có thực lực và khả năng phát triển còn chưa nhiều.
Để mở ra cơ hội cho nông nghiệp Vĩnh Phúc phát triển trong kỷ nguyên số, các HTX cần nắm rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo, sớm cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đầu tư nguồn lực, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để tương xứng với vai trò chủ lực.
Từ đó dẫn dắt các phong trào đổi mới sản xuất nông nghiệp, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra để đem lại những giá trị bền vững cho ngành nông nghiệp của tỉnh.