Hợp tác xã kiểu mới: Chủ động, linh hoạt, hiệu quả

Những hợp tác xã thành lập sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực có một ưu thế là không phải qua bước chuyển đổi. Sự linh hoạt, chủ động của các ban quản trị trong xây dựng chiến lược kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ đã đem đến làn gió mới cho các vùng nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của các địa phương.

Hợp tác xã chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) được thành lập năm 2017, với 16 thành viên. Sau hơn 1 năm thành lập, năm 2018, doanh thu của hợp tác xã đạt trên 2,8 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 1 tỷ đồng. Giám đốc Hợp tác xã Trần Văn Phúc cho biết, việc chăn nuôi gia cầm hầu hết các thành viên đã thực hiện hàng chục năm nay, nhưng chỉ là hoạt động cá thể. Ngay như gia đình anh thời điểm đầu cũng chỉ nuôi khoảng 2.000 con, nhưng đến năm 2015 bắt đầu mở rộng quy mô lên 6.000 con. Cả hợp tác xã hiện có trên 11.000 con gia cầm, trong đó có 8.000 con gà, còn lại là ngan, vịt. Mỗi năm, Hợp tác xã chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm cung cấp cho thị trường trên 60.000 con giống các loại, chủ yếu cho người chăn nuôi các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ…

Hợp tác xã Tiến Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) chăn nuôi đại gia súc từ cuối năm 2017,nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Mục tiêu của hợp tác xã là năm 2020, sẽ xây dựng một nhà xưởng chế biến và một kho cấp đông, để ngoài cung cấp con giống cho thị trường, sẽ mở rộng chăn nuôi gia cầm thương phẩm, cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường. Theo anh Trần Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã, nếu không có sự trợ lực từ các đơn vị liên quan, thì hợp tác xã không dám “nghĩ lớn” như vậy. Anh Phúc minh chứng, từ lồng ghép nguồn vốn các chương trình để hỗ trợ các HTX phát triển, năm 2018, huyện Sơn Dương hỗ trợ hợp tác xã 100 triệu đồng để mua con giống; năm 2019, tiếp tục hỗ trợ 100 triệu đồng để xây dựng nhãn hiệu và hoàn thành mục tiêu xây dựng chuỗi sản phẩm. hợp tác xã đang hoàn thiện các thủ tục để được hỗ trợ 600 triệu đồng xây dựng chuỗi sản phẩm theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh.

Tháng 7-2018, Hợp tác xã sản xuất Sachi hữu cơ Tuyên Quang được thành lập và hoạt động theo hình thức liên kết với các hợp tác xã nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện chuỗi liên kết trồng sachi hữu cơ. Chị Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, Hiện hợp tác xã liên kết với các hợp tác xã tại Hào Phú, Tam Đa, Phú Lương, Lương Thiện (Sơn Dương); Tân Thành (Hàm Yên), Thành Công của thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) và Bình An (Lâm Bình)… trồng hơn 20 ha sachi. Đây là loại cây mới, đa tác dụng, có tuổi đời tương đối dài, từ 15 - 20 năm. Toàn bộ giống cây trồng, quy trình kỹ thuật, chăm sóc sẽ do hợp tác xã cung cấp, sản phẩm làm ra cũng được hợp tác xã này ký hợp đồng, bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Giám đốc Hợp tác xã Sachi hữu cơ Tuyên Quang Nguyễn Thị Hiền cho biết, ngay sau khi thu mua những hạt sachi đầu tiên, hợp tác xã đã cung cấp cho đơn vị thu mua và cung cấp cho thị trường những sản phẩm đầu tiên gồm: Sachi rang phô mai, sachi rang hương vị, sachi xào tỏi ớt. Hợp tác xã hiện đang xây dựng quy trình để cấp chứng nhận mô hình sản xuất Sachi hữu cơ với 10 ha.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, hiện toàn tỉnh có 260 HTX, tỉnh phấn đấu đến năm 2020, tỉnh phải thành lập thêm ít nhất 80 hợp tác xã, trong đó có tối thiểu 15 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông, lâm nghiệp, đã có 59 hợp tác xã đề nghị được hỗ trợ lãi suất vốn vay. Trong số này đã có 4 hợp tác xã được hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư vào sản xuất hàng hóa với tổng số tiền trên 2,7 tỷ đồng. Hiện Chi cục phát triển nông thôn tỉnh đang tiếp tục đề nghị hỗ trợ lãi suất cho 51 hợp tác xã thành lập mới tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, 2 hợp tác xã sản xuất an toàn, 19 hợp tác xã xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu…

Mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới đã thể hiện vai trò quan trọng là cầu nối trong việc tiếp thu, hướng dẫn ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi hiệu quả cây trồng, vật nuôi chủ lực của các địa phương. Hoạt động của các hợp tác xã đã đảm bảo khâu dịch vụ đầu vào lẫn đầu ra mà hộ nông dân cá thể không làm được, hoặc làm nhưng không hiệu quả. Đây chính là lời giải cho việc tạo ra những sản phẩm hàng hóa nhằm tăng tính cạnh tranh cho các nông sản địa phương.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/hop-tac-xa-kieu-moi-chu-dong-linh-hoat-hieu-qua-122460.html