Hợp tác xã mở rộng quy mô hoạt động, hiệu quả thấy rõ
HTX lâm nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh sẽ giúp các hộ thành viên có thu nhập ổn định từ rừng. Ảnh: MINH DUYÊN
Từ phạm vi cấp thôn lên cấp xã, cấp tỉnh và từ một đơn vị kinh tế đơn độc, các HTX đã mở rộng liên kết trong sản xuất, kinh doanh, thu hút doanh nghiệp trở thành thành viên. Điều này đánh dấu sự trưởng thành của thành phần kinh tế này, lấy lợi ích tập thể làm mục tiêu hoạt động.
Mở rộng phạm vi hoạt động
Ông Nguyễn Siêng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, cho biết: Năm 2016, HTX Hòa Định Tây 1 và 2 sáp nhập thành HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Định Tây, trở thành đơn vị kinh tế tập thể hoạt động ở quy mô toàn xã. HTX được củng cố về vốn, lực lượng và phạm vi hoạt động nên được UBND huyện Phú Hòa chọn là HTX điểm kiểu mới ở địa phương. Năng lực của HTX được khẳng định thông qua khả năng đa dạng dịch vụ từ khâu cày đất, tuốt lúa đến vệ sinh môi trường, dịch vụ lâm sinh, cuộn rơm…, từ dịch vụ chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp lấy thu bù chi nay đã mở thêm nhiều dịch vụ kinh doanh, vừa tạo lợi nhuận cho HTX vừa hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ thành viên. Hiện nay, HTX còn xây dựng được chuỗi giá trị rừng trồng từ vườn ươm cây giống đến trang thiết bị phục vụ vận chuyển, khai thác gỗ và đầu ra tiêu thụ. Việc HTX liên kết với HTX Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên không chỉ đảm bảo đầu ra cho bà con mà còn giúp nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý cháy rừng.
Hay HTX Nam và Bắc An Nghiệp (huyện Tuy An) cũng được sáp nhập thành HTX Nông nghiệp An Nghiệp, từ đây xây dựng thành công thương hiệu gạo chất lượng cao trở thành đơn vị đại diện sản phẩm làng nghề đặc trưng của xã An Nghiệp. Theo UBND xã An Nghiệp, sự trưởng thành của HTX đã giúp nâng tầm sản phẩm truyền thống của xã. Người dân lấy cây lúa là cây trồng chủ lực tạo ra thu nhập chính cho kinh tế hộ. Nhiều năm, bà con chỉ bán lẻ hạt lúa nên thu nhập không cao. Đến khi HTX giúp bà con nâng cao kỹ thuật sản xuất lúa giống, đưa máy móc vào chế biến thành sản phẩm gạo có mặt trên thị trường, đời sống của người dân nhờ thế cũng tăng lên, bộ mặt nông thôn mới ở xã thay đổi từng ngày.
Còn HTX Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên hoạt động với quy mô cấp tỉnh đã trở thành cầu nối các thành viên. Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Các hộ trồng rừng ở huyện Sơn Hòa và các địa phương khác từ trước tới nay sản xuất theo mô hình hộ gia đình nhỏ lẻ nên giá trị kinh tế mang lại thấp. Nhiều hộ phải bán gỗ non để có kinh phí trang trải cuộc sống. Tiềm năng từ rừng chưa được khai thác hiệu quả. Có HTX đứng ra tập hợp các hộ dân cùng sản xuất lớn theo chứng chỉ, lại tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật và bảo đảm đầu ra, đánh dấu sự hỗ trợ tích cực của kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX cho tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung.
Chỗ dựa của kinh tế hộ
Cách đây 5 năm, đề cập đến việc thành lập doanh nghiệp trực thuộc HTX theo Luật HTX 2012, nhiều HTX không đủ tự tin. Nhưng hiện nay, với tiềm lực về vốn, trình độ, điều này trở thành nhu cầu của HTX. Ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Thắng 2 (huyện Phú Hòa), chia sẻ: Đơn vị muốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trực thuộc HTX Hòa Thắng 2 để thuận lợi trong việc mở rộng giao thương, tiếp cận nhiều hơn với thị trường bên ngoài. Trước đây, HTX e ngại vì so với doanh nghiệp, khả năng kinh doanh của đơn vị còn hạn chế. Nay, HTX tự tin về vốn, trình độ con người đều không thua kém bất kỳ đơn vị kinh doanh nào. Hơn hết, cơ chế cho phép, nếu không tận dụng cơ hội này để mở rộng hoạt động, tìm kiếm thêm cơ hội thì sẽ mất dần thị phần trên thương trường.
HTX Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên thu hút được Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên trở thành thành viên đã đánh dấu sự trưởng thành về chất của các HTX, góp phần thay đổi cách nhìn ở người dân. Theo bà Nguyễn Thị Bé, thành viên HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), trồng rừng sản xuất là một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình bà. Trước đây từ trồng, khai thác đến tiêu thụ, bà đều phải tự làm, HTX không đủ khả năng giúp vì hiệu quả hoạt động hạn chế. Nay có HTX toàn tỉnh thu hút được doanh nghiệp tiêu thụ, sẽ tạo cơ hội cho những thành viên HTX có rừng như bà nâng cao thu nhập. Từ đây, bà tin tưởng vào mô hình kinh tế tập thể.
Đây là kết quả của quá trình kiện toàn hoạt động các HTX, đánh dấu sự trưởng thành cả về chất và lượng của đơn vị kinh tế tập thể. Điều này cũng cho thấy, các HTX đang đi đúng hướng khi gắn mình với các chương trình lớn như tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị nông lâm thủy sản… Hơn hết, các HTX đang chuyển mình phù hợp hơn với các quy định của Luật HTX 2012 để hòa nhập thị trường, tạo ra lợi nhuận kinh tế cao cho cộng đồng.