Hợp tác xã ở Tuy An tích cực hỗ trợ sản xuất nông nghiệp
So với các địa phương khác trong tỉnh, điểm khác biệt ở huyện Tuy An là có nhiều HTX chỉ sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều HTX thành công khi nâng tầm hoạt động sản xuất bằng cách gắn với du lịch trải nghiệm, chế biến...
Đồng hành sản xuất, nâng tầm nông sản
Để duy trì hoạt động, nhiều HTX nông nghiệp trong tỉnh ngoài quản lý sản xuất còn kinh doanh dịch vụ trở thành các HTX nông nghiệp dịch vụ tổng hợp. Riêng ở Tuy An, vẫn còn HTX duy trì mô hình HTX nông nghiệp thuần túy như HTX Nông nghiệp An Nghiệp, HTX Nông nghiệp An Định, HTX Nông nghiệp An Hiệp, HTX Nông nghiệp An Thạch…
Những HTX này tích cực triển khai lịch thời vụ, chống hạn, diệt chuột, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào đồng ruộng... giúp việc sản xuất 2 vụ mùa trong năm đạt hiệu quả. Những đơn vị này cũng triển khai nhiều mô hình sản xuất tập trung như nuôi heo, chế biến lúa… góp phần phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi, tăng nguồn thu cho kinh tế hộ.
HTX Nông nghiệp An Nghiệp là đơn vị kinh tế tập thể đầu tiên của tỉnh xây dựng thành công sản phẩm gạo truyền thống địa phương theo hướng OCOP. HTX này từ khi thành lập tới nay chỉ làm dịch vụ phục vụ sản xuất, nhưng nhiều năm liền vẫn là đơn vị kinh tế tập thể điển hình tiên tiến của tỉnh. Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp cho biết: HTX thành công với 2 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đó là lúa giống và gạo chất lượng cao.
Trong đó, lúa giống sản xuất trên diện tích 20ha, đạt 200 tấn/năm; gạo 10ha với sản lượng 50 tấn/năm. Các thành viên đều sử dụng giống, phân chuyên dùng cho cây lúa từ HTX cũng như kỹ thuật gieo cấy theo hướng dẫn của HTX. Sau thu hoạch, HTX đảm bảo đầu ra 100%. Nhiều năm nay, HTX duy trì các dịch vụ như cày đất, tuốt lúa, cuộn rơm… Tất cả các dịch vụ này đều phục vụ sản xuất cho bà con.
HTX Nông nghiệp An Hiệp cũng có sản phẩm gạo đỏ tàu cúc đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Theo ông Huỳnh Văn Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Hiệp, gạo đỏ tàu cúc bà con làm tới đâu bán hết tới đó, bởi gạo không chỉ có màu đỏ đặc trưng khác biệt mà còn được gieo trồng ở vùng sỏi đá không phân thuốc nên đúng nghĩa là gạo sạch.
Thường thì người ngoài muốn mua gạo này phải đặt trước từ đầu vụ. HTX xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo truyền thống của người dân mục đích chính là muốn “ghi danh” nông sản quê nhà trên thị trường một cách chuyên nghiệp. Sau này, dù nơi đâu có sản xuất được sản phẩm gạo đỏ thì cũng vẫn nhớ rằng xã An Hiệp, huyện Tuy An là nơi đã khai sinh ra hạt gạo đặc thù này.
Cách tiếp cận mới với sản xuất
HTX Nông nghiệp và du lịch cộng đồng An Mỹ (huyện Tuy An) đưa hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy của bà con thành hoạt động trải nghiệm cho du khách. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc HTX này, HTX tổ chức trồng rau, cấy lúa để du khách trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Đồng thời, HTX cũng tổ chức các phiên chợ quê truyền thống với các hoạt động như đúc bánh xèo, gói bánh ít…
Các HTX ở huyện có chuyển biến tích cực trong hoạt động, nhiều HTX điển hình tiên tiến hoạt động hiệu quả. Đồng hành trong sản xuất, các HTX góp phần chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho thành viên, cung ứng giống vật tư cho sản xuất. Nhiều HTX xây dựng được chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu nông sản theo hướng OCOP. Những hoạt động hiệu quả này giúp HTX nâng cao năng lực, góp phần tích cực cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND huyện Tuy An Huỳnh Gia Hoàng
Du khách từ các vùng khác trong nước và đặc biệt du khách nước ngoài rất thích các hoạt động này, vì theo họ chỉ có sống cùng, lao động cùng người dân bản địa mới cảm nhận rõ nhất văn hóa, phong tục tập quán. Hiện HTX kết nối với vùng miền núi của tỉnh, xây dựng tour du lịch đồng bằng - miền núi để tạo thêm không gian trải nghiệm cho du khách cũng như giới thiệu văn hóa đa dạng của Phú Yên đi muôn nơi.
Đưa cây sim rừng mọc dại trong tự nhiên thành cây nguyên liệu trong vườn nhà, đưa trái sim từ món quà quê nơi thôn sơn trở thành giọt vang tím sậm nơi đô thị, điều này có được là nhờ HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Liên Xuân Phát.
Ông Phan Phạm Đình Tuấn, Giám đốc HTX này chia sẻ: Vùng đất An Xuân có rất nhiều sim rừng. Mỗi mùa sim chín, bà con lên rừng hái và bán trái tươi. Vất vả nhưng thu nhập không được bao nhiêu. Trong khi đó, trái sim lên men có thể làm thức uống rất tốt. Phát huy lợi thế này, HTX chế biến thành rượu vang sim và thuần hóa đưa cây sim từ tự nhiên về trồng vườn nhà làm nguyên liệu chế biến rượu. Rượu vang sim An Xuân cũng đang tiến tới xây dựng thương hiệu.