Hợp tác xã và doanh nghiệp 'đồng hành' cùng phát triển

Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực vào quỹ an sinh xã hội cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới, một số DN hoạt động gặp khó khăn. Trong buổi họp mặt đầu năm, lãnh đạo tỉnh đã lắng nghe phản ánh những khó khăn của các DN, HTX qua đó nhằm có sự hợp tác tốt trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh để đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Sản phẩm gạo hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh, huyện Châu Thành góp mặt tại khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản HTX tỉnh.

Sản phẩm gạo hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh, huyện Châu Thành góp mặt tại khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản HTX tỉnh.

Đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống kinh doanh

Ông Lê Ngọc Phương, Phó Giám đốc Công ty xăng dầu Trà Vinh chia sẻ: năm 2023, giá xăng dầu thế giới biến động, giảm nhanh với diễn biến khó đoán. Các DN kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn, nhiều DN xin giải thể, đóng cửa. Nhưng với sự quan tâm của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, sự hỗ trợ của các ngành trong tỉnh, Công ty Xăng dầu Trà Vinh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, kịp thời từ đó hoàn thành các chỉ tiêu; bình ổn cung ứng thị trường xăng dầu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng sản lượng đạt 107% kế hoạch, doanh thu hơn 1.100 tỷ đồng, hoàn thành 144% kế hoạch, lợi nhuận vượt kế hoạch, nộp ngân sách 110 tỷ đồng, đóng góp Quỹ An sinh xã hội 500 triệu đồng.

Năm 2024, dự đoán là năm có nhiều khó khăn và thuận lợi đan xen, đây là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 05 năm giai đoạn 2021 - 2025. Vì thế, Công ty tập trung đầu tư phát triển mạng lưới cửa hàng xăng dầu bán lẻ. Vì hiện tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex Trà Vinh chỉ chiếm 16%/tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Trong khi hệ thống phân phối ngày càng bị thu hẹp, trước đây Petrolimex chiếm 30%, hiện nay còn 22%. Đồng thời, Công ty tiếp tục thực hiện chủ trương về chuyển đổi số toàn diện theo chiến lược chuyển đổi tập đoàn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho thành viên và HTX

Ông Trần Quốc Hào, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp thương mại, sản xuất và dịch vụ Châu Hưng chia sẻ: những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã tích cực áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần giảm sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời, giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp và thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các DN, HTX với nông dân…

Ngày nay, với sự cải tiến của công nghệ và kỹ thuật đối với sản xuất nông nghiệp đang phát triển, nhiều thiết bị thông minh ra đời nhằm phục vụ nhu cầu canh tác của nông dân và một trong số đó là “máy bay nông nghiệp không người lái”. Hiện nay “máy bay nông nghiệp không người lái” đã trở thành một trong những giải pháp đột phá trong ngành nông nghiệp mang lại hiệu quả, chính xác và tiết kiệm chi phí cho các hoạt động nông nghiệp. Việc sử dụng “máy bay nông nghiệp không người lái” không chỉ giúp nông dân quản lý và theo dõi toàn diện các hoạt động tại nông trại, còn cung cấp thông tin chính xác, thời gian về tình hình sinh trưởng, phát triển của các loại giống cây trồng, đất đai, môi trường.

Hiện HTX đang sử dụng 05 máy bay nông nghiệp không người lái để phục vụ vùng sản xuất của HTX và làm dịch vụ ở những vùng khác trong tỉnh. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không chỉ là giải pháp tối ưu giải quyết đồng bộ tất cả các lĩnh vực, các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp và đạt một số kết quả cụ thể như: thu nhập dữ liệu nhanh để phân tích nông trại chính xác; tiết kiệm thời gian và chi phí; cải thiện năng suất cây trồng; cách phun thuốc an toàn hơn cho cây trồng; hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Hiện HTX có 50 thành viên chính thức và 500 thành viên liên kết, tổ chức sản xuất theo tổ hợp tác có hỗ trợ của Nhà nước, nhà khoa học và đơn vị liên kết đầu vào và đầu ra. Diện tích canh tác của HTX hiện nay khoảng 510ha (Châu Thành 350ha, trong đó có 60ha lúa hữa cơ tại Long Hòa - Hòa Minh; 100ha tại huyện Trà Cú, 50ha tại huyện Cầu Ngang). Những vùng sản xuất này đã liên kết chặt chẽ với các DN cung ứng đầu vào, đầu ra cho thành viên HTX và người dân, từ đó giúp người dân an tâm sản xuất. Hiện HTX đã liên kết với 02 huyện Cầu Ngang và Trà Cú, năm 2024, HTX mong các cấp, các ngành quan tâm mở rộng thêm vùng sản xuất để làm dịch vụ phục vụ cho thành viên và người dân ở các địa phương trong toàn tỉnh.

Hành trình lan tỏa đặc sản dừa sáp Trà Vinh

Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) được thành lập vào tháng 7/2020, là đơn vị tiên phong và duy nhất tại Việt Nam chế biến đa dạng và chuyên sâu các sản phẩm có nguồn gốc từ nguyên liệu đặc sản dừa sáp Cầu Kè. Công ty có hơn 15 nhóm sản phẩm với hơn 80 SKUs. Quy trình sản xuất đạt chứng nhận ISO 22000:2018; ISO 9001:2015, HACCP, FDA và gần đây nhất là HALAL

Bà Lâm Ngọc Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè cho biết: năm 2023, Vicosap được xác lập Kỷ lục Việt Nam là đơn vị chế biến sâu trái dừa sáp thành hệ thống nhiều dòng sản phẩm nhất, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị đặc sản dừa sáp Cầu Kè. Đặc biệt, sản phẩm dừa sáp sợi Vicosap đạt chuẩn OCOP 5 sao và nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng quốc tế: Mỹ, Nga, Hàn Quốc yêu thích và tìm mua.

Ngoài ra, Công ty ra mắt sản phẩm sữa chua uống dừa sáp, chỉ trong tuần đầu ra mắt đã bán hơn 2.000 chai và ghi nhận phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Tháng 11/2023, Công ty xuất khẩu đơn hàng đầu tiên sang Canada, giữ vững thị trường Mỹ, Anh, Nhật, Đài Loan và Hồng Kông..

So với kế hoạch kinh doanh, doanh thu của Vicosap trong năm 2023 đạt hơn 70%, trong đó doanh thu từ các nhà phân phối, đại lý, cửa hàng đặc sản và các điểm bán offline đạt hơn 55%, doanh thu từ xuất khẩu đạt hơn 15%, 30% còn lại là từ các kênh siêu thị, kênh online và gia công. Nhóm sản phẩm mang lại doanh thu cao nhất là kẹo dừa sáp. Công ty triển khai bán hàng đa kênh từ offline đến online, đặc biệt với các điểm du lịch và sân bay quốc tế là một trong những điểm bán tốt nhất. Một tín hiệu đáng mừng là các sản phẩm dừa sáp Vicosap đã chính thức có mặt trên kệ hàng của chuỗi siêu thị Emart, Win mart+, 7Eleven toàn quốc, đây là những chuỗi siêu thị được người tiêu dùng cả nước đánh giá uy tín, đặc biệt là người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Định hướng năm 2024, sau khi hoàn thiện chứng nhận HALAL và trang bị đầy đủ các tiêu chuẩn đáp ứng được thị trường xuất khẩu, Công ty tham gia các Hội chợ quốc tế, các chương trình xúc tiến thương mại ngoài nước để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm dừa sáp Trà Vinh, nhắm vào nhóm đối tượng khách hàng ăn chay và người Hồi giáo. Đầu tháng 3/2024, Vicosap tham gia Hội chợ Chay châu Á được tổ chức tại Hồng Kông. Tiếp tục phát triển kênh bán hàng online, đặc biệt là Tiktok và các Sàn thương mại điện tử; đồng thời tăng cường đưa hàng hóa vào kênh siêu thị để tiếp cận nhóm khách hàng ưa chuộng sản phẩm đặc sản vùng miền, các sản phẩm thuần chay, sản phẩm xanh và sạch.

Nỗ lực thực hiện Dự án “Mô hình du lịch nông nghiệp dừa sáp xã Thạnh Phú - Hòa Tân - Hòa Ân - thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè” và phối hợp tốt tổ chức Festival “100 năm cây dừa sáp có mặt tại Việt Nam”. Đồng thời, mong các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng DN trong các hoạt động truyền thông, quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh tổ chức các chương trình kết nối, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Hỗ trợ kết nối với phía đại diện TikTok để triển khai những dự án hỗ trợ như phiên chợ OCOP, chợ phiên đặc sản vùng miền giúp các DN có sản phẩm OCOP có thêm cơ hội giới thiệu, quảng bá đặc sản tỉnh nhà.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/hop-tac-xa-va-doanh-nghiep-dong-hanh-cung-phat-trien-35535.html