Hộp thư trên cây lãng mạn nhất thế giới
Một cây sồi 500 tuổi ở ngoại ô thị trấn nhỏ tại Đức hơn một thế kỷ qua đã giúp kết nối những người độc thân và được cho là đã góp phần tạo nên hơn 100 đám cưới.
Vào một buổi chiều se lạnh trong rừng Dodauer phía Bắc nước Đức, người đưa thư mặc đồng phục màu vàng sáng đang một mình đi bộ xuyên rừng. Khi đến một bãi đất trống, ông lục lọi túi xách rồi từ từ leo lên chiếc thang gỗ cao 3m để đưa chiếc phong bì màu tím cho cây sồi 500 năm tuổi. “Hôm nay chỉ có một lá thư thôi”, ông nói, trước khi tiếp tục đi về phía hộp thư bình thường tiếp theo trên lộ trình.
Chiếc phong bì màu tím thuộc về bà Denies ở bang Bavaria. Bà 55 tuổi, lạc quan và yêu thiên nhiên. Bà không ngại ở một mình, nhưng bà tự hỏi liệu có người đàn ông nào ngoài kia có thể làm bà ngạc nhiên hay không. Nếu vậy, bà hy vọng rằng ông ấy cũng đang tìm kiếm tình yêu từ cái hốc nhỏ xíu trên cây sồi này.
Được biết đến với cái tên Die Brautigamseiche (cây sồi của chú rể), cây cổ thụ bên ngoài thị trấn Eutin này đã giúp những người độc thân gặp nhau từ rất lâu trước Tinder. Ngày nay, mọi người từ khắp nơi trên thế giới vẫn gửi thư đến cây sồi này với hy vọng rằng họ có thể tìm được bạn đời.
“Cây sồi nhận được khoảng 1.000 lá thư mỗi năm. Hầu hết chúng đến vào mùa hè. Tôi nghĩ đó là lúc mọi người đều muốn trải nghiệm tình yêu”.
Ông Martin Grundler, phát ngôn viên của Deutsche Post
Cô Marie đến từ bang Brandenburg muốn gặp một người đàn ông có thể khiêu vũ; anh Heinrich đến từ bang Saxony, người đang tìm kiếm bạn đồng hành; và cô Liu đến từ thành phố Thạch Gia Trang (Trung Quốc), người muốn kết bạn với một phụ nữ Đức. “Nó là điều gì đó thật kỳ diệu và lãng mạn”, ông Karl-Heinz Martens (72 tuổi), người đưa thư cho cây trong suốt 20 năm kể từ năm 1984, cho biết. “Trên Internet, các câu hỏi và trả lời kết nối mọi người, nhưng ở cái cây, đó là một sự trùng hợp đẹp đẽ - giống như định mệnh vậy”.
Cho dù đã nghỉ hưu, ông Martens vẫn giữ một cuốn sổ lưu niệm chứa đầy ảnh, thư và mẩu báo từ thời ông còn là người đưa tin chính thức của tình yêu. Trong hai thập kỷ “làm việc” với cây sồi, ông đã đưa thư từ sáu lục địa, thường bằng những ngôn ngữ mà ông không hiểu. Ông giải thích rằng mặc dù ngày nay cái cây này đã trở nên nổi tiếng, nhưng 133 năm trước, nó là một bí mật của hai người yêu nhau.
Năm 1890, một cô gái địa phương tên Minna phải lòng anh Wilhelm, một thợ làm sô cô la trẻ tuổi. Cha cô cấm cô gặp anh Wilhelm nên cả hai bí mật trao đổi những bức thư viết tay bằng cách để chúng trong cái hốc trên thân cây sồi. Một năm sau, cha của cô Minna cho phép cô cưới anh Wilhelm và hai người kết hôn vào ngày 2/6/1891, dưới tán cây sồi. Câu chuyện tình đẹp như cổ tích của cặp đôi này lan rộng và không lâu sau, những người lãng mạn trên khắp nước Đức bắt đầu viết thư tình cho “cây sồi của chú rể”. Cây sồi nhận được nhiều thư đến nỗi vào năm 1927, dịch vụ bưu chính Đức - Deutsche Post, đã gán cho cây sồi mã bưu điện và người đưa thư riêng. Họ cũng đặt một cái thang lên hộp thư để bất kỳ ai cũng có thể mở, đọc và trả lời thư. Ông Martens giải thích rằng, quy tắc duy nhất là nếu bạn mở một lá thư mà không muốn trả lời, bạn nên đặt nó lại cây để người khác tìm thấy. “Cây sồi nhận được khoảng 1.000 lá thư mỗi năm. Hầu hết chúng đến vào mùa hè. Tôi nghĩ đó là lúc mọi người đều muốn trải nghiệm tình yêu”, ông Martin Grundler, phát ngôn viên của Deutsche Post cho biết.
Ngày nay, “cây sồi của chú rể” vẫn là cái cây duy nhất trên thế giới có địa chỉ gửi thư riêng. Sáu ngày một tuần trong nhiều năm qua, một người đưa thư đã đi bộ xuyên rừng - dù mưa, tuyết hay nắng - và trèo lên thang để gửi những bức thư của những người độc thân cho cây. Và chưa có ai từng đưa thư đến cây sồi lâu hơn ông Martens. “Đó là khoảng thời gian yêu thích nhất của tôi trong ngày. Mọi người thường ghi nhớ lộ trình của tôi và đợi tôi đến vì họ không thể tin rằng tôi lại chuyển thư đến một cái cây”, ông Martens nói.
Trong 20 năm, ông Martens cho biết, chỉ có 10 ngày không có ai viết thư cho cây sồi, và mặc dù thi thoảng ông giao tới 50 phong bì trong một ngày, nhưng không phải tất cả chúng đều là thư tình. “Trước khi nước Đức thống nhất năm 1990, những người Đông Đức không có người thân ở phía Tây thường viết thư cho cái cây và hỏi chúng tôi có loại ô tô và loại nhạc nào. Tôi muốn viết lại, nhưng sếp khuyên tôi không nên làm vậy”, ông Martens nhớ lại.
Theo ông, những lời nhắn khác đều bắt đầu là những lời tán tỉnh và chúng sớm nở rộ thành một mối tình đẹp đẽ. Năm 1958, một người lính trẻ người Đức tên là Peter Pump đã thò tay vào cây sồi và rút ra một mảnh giấy chỉ ghi mỗi tên và địa chỉ. Anh quyết định trả lời “quý cô Marita”, người đã không trực tiếp viết thư cho cái cây - một người bạn đã làm thay cô vì biết rằng cô quá nhút nhát. Anh Peter và cô Marita đã trao đổi thư từ suốt một năm trước khi anh lấy hết can đảm để gặp cô. Họ kết hôn vào năm 1961 và năm nay là kỷ niệm 62 năm ngày cưới của họ.
Tiếp theo là câu chuyện của nhà Christiansen. Năm 1988, ông Martens chuyển một lá thư đến cây sồi từ một cô gái Đông Đức 19 tuổi tên là Claudia, người đang tìm kiếm một người bạn. Một nông dân Tây Đức tên là Friedrich Christiansen đã viết thư lại cho cô ấy. Một lá thư sớm biến thành 40 lá và cặp đôi đem lòng yêu nhau. Không thể gặp nhau, anh Friedrich và cô Claudia trao đổi thư từ xuyên biên giới trong gần hai năm. Khi bức tường sụp đổ, hai người gặp nhau lần đầu tiên và kết hôn vào tháng 5/1990. “Tôi biết có ít nhất 10 cặp vợ chồng được gắn kết bởi cái cây. Tuy nhiên, có một đám cưới khiến tôi nhớ mãi”, ông Martens nói.
Năm 1989, một đài truyền hình Đức đang thực hiện chương trình đặc biệt về cây sồi và hỏi ông Martens rằng, liệu ông đã bao giờ tìm thấy tình yêu dưới tán cây sồi. Ông đã đáp là mình chưa. Vài ngày sau, khi ông Martens đang leo lên thang để đưa thư như mọi khi, ông phát hiện một bức thư viết tay của một người phụ nữ tên Renate gửi cho người đưa thư của cây sồi. “Tôi muốn gặp bạn. Bạn là mẫu người lý tưởng của tôi. Hiện tại tôi cũng đang ở một mình”, bà đã viết.
“Vì vậy, tôi đã gọi cho cô ấy - một cách khá vụng về - và chẳng bao lâu sau tôi đã gặp cô ấy. Chúng tôi kết hôn vào năm 1994 và đã tổ chức tiệc cưới dưới tán cây sồi”, ông Martens nói khi ông cho xem bức ảnh ông và bà Renate trong ngày cưới của họ. Tờ báo địa phương đã đăng bức ảnh ông Martens trong bộ vest đứng trên thang cùng với dòng tiêu đề “Đám cưới của năm”. 29 năm sau, ông Martens và bà Renate vẫn hạnh phúc.
Năm 2009, sau hơn 100 năm kết đôi mọi người, “cây sồi của chú rể” đã kết hôn một cách tượng trưng với cây hạt dẻ 200 tuổi gần thành phố Dusseldorf. Dù cách nhau 503km, nhưng hai cây vẫn ở bên nhau trong sáu năm cho đến khi cây hạt dẻ bắt đầu già đi và phải bị đốn bỏ, khiến cây sồi trở thành góa phụ. “Khi tôi mới bắt đầu làm việc, cái cây có sức sống hơn bây giờ. Nhưng tôi cũng không còn khỏe như trước, nên tôi cho rằng chúng tôi có một mối liên hệ đặc biệt”, ông Martens nói.
Giống như cây sồi già, ông Martens giải thích rằng xương khớp của ông cũng không còn vững chắc nữa. “Nhưng tôi vẫn có thể leo lên thang”, ông nói, từ tốn bước lên các bậc thang. Sau khi ngó qua hộp thư nhỏ xíu của cây sồi, ông Martens lịch sự xin phép đi về. Trời đã tối và ông cần phải trở về nhà với vợ mình.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hop-thu-tren-cay-lang-man-nhat-the-gioi-post1599892.tpo