HoREA đề xuất TP.HCM tháo gỡ khó khăn cho dự án như câu chuyện của Bình Dương
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.HCM để đề xuất việc vận dụng pháp luật và dám chịu trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính thông qua câu chuyện của dự án Khu nhà ở thương mại Hoàng Nam 3 tại tỉnh Bình Dương.
Rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính sẽ giúp thị tường bất động sản phát triển bền vững.
Cụ thể, theo HoREA, Khu nhà ở thương mại Hoàng Nam 3 tọa lạc tại phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An (Bình Dương) với diện tích 4.660 m2. Dự án có nguồn gốc đất hỗn hợp, bao gồm khoảng hơn 2.000 m2 là đất ở, còn lại là đất nông nghiệp. Khu đất do ông Hoàng Văn Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Hoàng Nam đứng tên sổ đỏ.
Điều đáng quan tâm là dự án này được UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định công nhận chủ đầu tư; UBND thị xã Dĩ An phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng khi Công ty Hoàng Nam chưa chính thức sở hữu quỹ đất này.
Sau đó, Hội đồng thành viên Công ty Hoàng Nam mới ra Biên bản họp để thống nhất nhận chuyển nhượng khu đất của ông Hoàng Văn Tâm.
“Nếu thực hiện đúng quy trình thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật thì Công ty Hoàng Nam sẽ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng điểm nổi bật là tỉnh Bình Dương đã giải quyết rất nhanh thủ tục công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng cho dự án, tạo cơ sở pháp lý để Công ty Hoàng Nam thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA chia sẻ.
Chủ tịch HoREA cho biết thêm, cách giải quyết này của UBND tỉnh Bình Dương chưa đúng các quy định pháp luật hiện hành và chưa đảm bảo trình tự thủ tục hành chính chặt chẽ. Bởi lẽ, nếu có Quyết định công nhận chủ đầu tư rồi mà ông Hoàng Văn Tâm lại không chuyển nhượng khu đất cho Công ty Hoàng Nam để lập dự án thì sẽ dẫn đến tình trạng dự án ảo, dự án ma.
Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra do ông Hoàng Văn Tâm là Chủ tịch HĐTV Công ty Hoàng Nam nên khu đất này đã được chuyển nhượng cho Công ty để triển khai thực hiện dự án Khu nhà ở Hoàng Nam 3.
“Từ thực tế này cho thấy UBND tỉnh Bình Dương đã nắm bắt thông tin rất rõ về doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp và tình trạng pháp lý của khu đất dự kiến đầu tư. Do đó, nếu thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở đều được giải quyết nhanh, thì rất tốt cho thị trường bất động sản, cho các chủ đầu tư dự án và người mua nhà cũng được hưởng lợi, ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm nguồn thu”, ông Châu nhấn mạnh.
Từ câu chuyện trên của tỉnh Bình Dương, lãnh đạo HoREA đã đề xuất nhiều phương thức giải quyết “ách tắc” thủ tục hành chính đối với các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp trên địa bàn TP.HCM.
Đơn cử, nên thay đổi bước lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất; và lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cấp Giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng.
Bởi việc này sẽ tạo thêm gánh nặng tài chính, gánh nặng lãi vay cho chủ đầu tư dự án nhà ở, làm chậm tiến độ triển khai xây dựng các công trình, làm tăng chi phí đầu tư xây dựng, dẫn đến tăng giá nhà mà người tiêu dùng phải gánh chịu.
Thay vào đó, sau khi có Quyết định chủ trương đầu tư; Phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Quyết định thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất dự án; Sở Xây dựng xem xét, trình UBND Thành phố ban hành quyết định công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cấp Giấy phép xây dựng (nếu có) và triển khai đầu tư xây dựng.
Cuối cùng, Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với Sở Tài chính xác định nghĩa vụ tài chính, rồi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dự án cho chủ đầu tư.
“Hiệp hội kính đề nghị UBND Thành phố quan tâm chỉ đạo hoàn thiện quy trình giải quyết hồ sơ các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp trên địa bàn, rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, lành mạnh, giúp cho thị trường bất động sản phát triển bền vững”, ông Châu nhấn mạnh.
Việt Dũng
Doanh nghiệp “khóc” vì tình trạng “dừng - ngâm - đùn đẩy“
Doanh nghiệp địa ốc “than trời” vì thủ tục cấp phép xây dựng
Kỳ vọng Luật Xây dựng sửa đổi chặn khiếm khuyết thị trường