Hốt bạc nghề bói dạo đầu năm
Tháng giêng hội hè, lễ chùa từ lâu đã trở thành nếp nghĩ và quan niệm sống của nhiều người, nhiều gia đình. Xung quanh các đền chùa, am miếu, công viên, khu vui chơi giải trí, xuất hiện các thầy bói dạo hành nghề. Không đền phủ, không bàn chiếu, đơn giản chỉ cần một chiếc thùng xốp hay chiếc túi xách, vài cuốn kinh kệ, dăm thẻ nhang, thầy bói dạo cũng có thể hành nghề hốt bạc triệu mỗi ngày.
Từ “nghề” bói dạo…
Phong cách của thấy bói dạo rất dễ nhận dạng, họ thường len lỏi khắp nơi, nghe ngóng và quan sát tâm lý của các con nhang, ngắm được đối tượng nào có khả năng dụ dỗ, lôi kéo được, lập tức thầy bói tiếp chuyện chào mời. Các thầy bà bày ra đủ chiêu thức bói toán kiểu mới như: Xem chân tóc, bói độ nông sâu dáng hình lỗ mũi, lông mày, mí mắt... để đoán tương lai, vận mệnh. Nhiều “thầy” còn coi trọn gói, chỉ cần cung cấp tên, ngày tháng năm sinh, ngay lập tức “thầy” có sẵn tờ “sớ Táo quân”, nhìn nét mặt phán như một bậc “thánh” biết tuốt mọi thứ.
Cũng có thể loại thầy bói chỉ ngồi vỉa hè, không tiếp cận, lôi kéo “con nhang” nhằm giữ vẻ “huyền bí” của một bậc thầy tâm linh. Trên vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, gần cổng chùa Vĩnh Nghiêm, Q.3, TP Hồ Chí Minh, thầy bói dạo ngồi từ sáng đến tối, các ngày trong tuần. Đồ nghề của thầy bói là chiếc thùng xốp nhỏ gọn, có sách tử vi và vài bó nhang. Khách thập phương sau khi đến chùa lễ bái xong sẽ ra ngoài dạo chơi và xem một quẻ đầu năm.
Năm nay, vợ chồng bà Lê Thị Minh Hiền, 56 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh tổ chức đám cưới cho con gái lấy chồng người Pháp. Gia đình bà không mê tín và cũng ít khi đi xem bói. Rằm tháng Giêng, sẵn tiện đi chùa lễ Phật, bà Hiền ghé qua “shop” của bà Bảy xem một quẻ cho vui.
“Thầy” Bảy dở sách tử vi ra, dò tuổi của vợ chồng bà, xem ngũ hành âm dương, xem gia đạo, điền trạch thế nào. Dò đúng tuổi, “thầy” lấy một tờ giấy ra đọc vanh vách vận hạn cả năm của vợ chồng bà Hiền. Về đường hôn nhân, trong tuổi của bà Hiền có hiện lên chữ “hỷ” nhưng rà qua tuổi ông chồng lại hiện chữ “sát”.
“Thầy” Bảy phán một câu xanh rờn, nếu làm đám cưới cho con gái năm nay thì ông chồng của bà Hiền sẽ gặp nạn lớn. Làm sao để giải nạn, bà Hiền sợ đến toát mồ hôi hỏi thầy bói. “Thầy” Bảy giới thiệu cho vợ chồng bà Hiền đến “phủ” của thầy Tám ở quận Bình Thạnh. Thầy Tám là sư phụ của thầy Bảy, có khả năng cúng sao giải hạn, làm bùa chú, hình nhân thế mạng...
Mỗi lượt xem tuổi, thầy Bảy lấy giá 50 ngàn đồng, xem thêm gia đạo, điền trạch thì 100 ngàn đồng. Đó là giá cứng, còn ai tâm đắc muốn trả thêm thì tùy hỷ. Những ngày Tết và sau Tết, trung bình thầy Bảy xem cho từ 20 đến 30 lượt, thu về khoảng 3 triệu đồng. Hành nghề xem bói dạo từ hơn 10 năm nay, nhờ nghề này mà “thầy” Bảy lo được cho hai đứa con đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc và mua được một căn nhà ở Q. Gò Vấp.
Duyên phận đưa đẩy làm nghề thầy bói từ những ngày đi bán nước ở cổng chùa, bởi thấy người ta đi bói dạo, kiếm tiền trăm mỗi ngày nên “thầy” Bảy ham. Ban đầu, chưa dám lộ diện với thân phận thầy bói, mà vào vai đi bán sách tử vi. Mỗi lần gặp khách mua sách, tư vấn và hướng dẫn cách xem, nhiều lần thì thuộc lòng và nhớ rõ, nhờ vậy, Bảy trở thành thầy bói lúc nào không biết.
Thấy bà thu nhập dồi dào từ nghề bói dạo, những người bạn ngày xưa bán nước, bán chè, bán quán ăn cũng xin theo hành nghề. Để không “cướp cơm” của nhau, mỗi bà chọn cho mình một chỗ ngồi cố định “làm việc”. Bà Bảy chuyên ngồi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, bà Liên, tự “thầy Chín” ngồi ở gần chùa Ngọc Hoàng, Q.1, bà Thanh, tự “cô Sáu” thì di chuyển đến chùa Ông Ngựa ở Bình Dương.
3 năm trước, chúng tôi từng gặp “cô Chín” ở cổng chùa Ông Ngựa. Lúc này, “cô Chín” trong vai người bán nhang nhưng thực chất là xem bói và bán bùa. Vì chính quyền dẹp nạn xem bói nên cô đã lách bằng hình thức người bán nhang. Cũng như bà Bảy, “cô Sáu” xem tử vi chủ yếu qua sách vở. Hành nghề nhiều năm, cô có thêm kinh nghiệm xem vận hạn nữa nên mấy năm nay cô bán thêm bùa cho con nhang thỉnh trừ ma, trừ tà.
Cũng nhờ nghề bói dạo mà “cô Sáu” đã mua được nhà ở Bình Dương, mua đất cho con trai ở Đồng Nai và gửi tiền về quê xây nhà thờ họ. Thời điểm sôi động và nhộn nhịp nhất của “cô Sáu” là từ ngày mồng 1 Tết cho tới hết tháng Giêng.
Khách thập phương đổ về chùa Ông Ngựa rất đông, viếng chùa xong, ai cũng muốn thỉnh một lá số cho năm mới. “Cô Sáu” xem từ sáng đến tối vẫn chưa hết khách, ai ở xa chưa kịp xem thì cô hẹn tới nhà xem riêng và tất nhiên giá cả cũng phải khác nhau. Mỗi lần xem số tử vi, “cô Sáu” lấy 50 ngàn, thỉnh thêm bùa chú thì dao động từ 200-350 ngàn. Số tiền này hoàn toàn trong khả năng của người đi lễ chùa đầu năm nên họ không hề bận tâm, ai cũng suy nghĩ, xem cho vui thôi mà.
Thực tế, nghề xem bói dạo vô cùng đơn giản và ai cũng có thể trở thành thầy bói dạo được. Chúng tôi gặp ông Lê Văn Sáng, tự “thầy Quang”, từng có gần 10 năm bói dạo tại các đền chùa ở TP Hồ Chí Minh và được ông Sáng tiết lộ nhiều tuyệt chiêu của nghề xem bói dạo. Ông Sáng cho biết, bản thân vốn là một thợ chụp ảnh dạo tại các chùa và khu di tích. Nghề chụp ảnh từ khi công nghệ thông tin lên ngôi, người người, nhà nhà dùng điện thoại cảm ứng đã bị đẩy ra rìa, không thể trụ nổi. Trong quá trình làm nghề, ông Sáng không lạ lẫm gì với các thầy bói dạo.
“Chúng tôi như bạn hàng của nhau. Hôm nào xem ế thì họ than, hôm nào “trúng mánh” cũng mang ra khoe. Từ quê quán, xuất thân, học hành như thế nào chúng tôi đều biết cả. Khi nghề của tôi quá ế, các bạn bói khuyên tôi chuyển nghề đi, họ dạy cho mấy chiêu mà làm. Nghề này kiếm tiền bằng “chót lưỡi đầu môi thôi mà”, nó vô thưởng vô phạt, chủ yếu trấn an lòng người là chính”, ông Sáng chia sẻ.
Vậy là từ một thợ chụp ảnh, ông Sáng thành thầy bói, lấy hiệu “thầy Quang”. Bài xem chính và chủ đạo của ông Sáng là xem tuổi qua sách tử vi. Hễ ai đến xem thì nói ngày, tháng, năm sinh ra, ông chiếu vào sách rồi phán. Mỗi khách ông lấy 30 ngàn, sau lên 50 ngàn đồng và bây giờ là 100 ngàn đồng.
Vì biết rõ bản thân không có khả năng gì nên ông Sáng chỉ nói những điều tốt, tuổi nào cũng tốt cả. Có gặp tam tai hoặc sao xấu thì ông nói gia chủ siêng làm việc thiện, tu tâm dưỡng tính sẽ hóa giải được. Thu nhập mỗi tháng của “thầy Quang” trên 10 triệu, những ngày lễ, rằm lớn có thể thu về vài chục triệu, hơn hẳn nghề chụp ảnh bữa có bữa không, ế ẩm cả ngày.
Sau 8 năm hành nghề, có chút vốn liếng, ông Sáng mở một văn phòng chuyên nghiên cứu phong thủy. Là chuyên gia phong thủy ai lại đi ngồi lê vỉa hề xem bói dạo, nghĩ thế nên ông Sáng quyết định giã từ nghề, chuyển hẳn sang làm thầy phong thủy. Hiện nay, ông mở thêm chi nhánh công ty sang các tỉnh, nhận đào tạo học trò về bộ môn phong thủy.
Đến bói thời vụ
Nhìn ra “miếng bánh thơm” trong nghề bói dạo, cứ đến dịp Tết về, nhiều người đã trở thành thầy bói dạo thời vụ. Nguyễn Văn S., 25 tuổi, quê Yên Bái làm nghề buôn bán vàng mã tại chợ Bà Chiểu, TP Hồ Chí Minh cũng nghỉ hẳn nguyên tháng Giêng để đi xem bói thời vụ. S. vốn là con của một thầy cúng miền núi phía Bắc, dù bố không còn hành nghề cúng bái nữa nhưng vẫn còn kinh nghiệm để truyền lại cho con trai. Có vốn kiến thức về tâm linh, S. tìm hiểu thêm trên mạng về thuật xem tướng, xem tuổi rồi chỗ nào hay, khó hiểu và mơ màng nhất thì cậu ta sao chép lại, in thành tập giấy. Đồ nghề làm bói của S. chỉ có bấy nhiêu.
S. không ngồi vỉa hè hay gốc cây, trụ điện mà vào hẳn bên trong đền chùa, đi lang thang, nghe ngóng, tìm hiểu. “Tia” được đối tượng nào có hơi hướng tâm linh, S. liền nhào tới hỏi chuyện rồi phán cho vài câu miễn phí kiểu như: “Năm nay chị có lộc lắm đấy, nhìn cái mũi thế kia thì tiền nào thoát được...”.
Đánh trúng tâm lý, các chị liền quay ra hỏi thêm và nhanh chóng được “cậu S.” dắt ra chỗ thưa người “tâm sự”. Tại đây, S. hỏi tuổi rồi lấy giấy ra đọc, đến phần giải thích thì “cậu” nhằm vào từ ngữ khó hiểu như Thiên can, Địa chi, Bát quái... để tăng thêm độ uy tín trong nghề. Chốt lại quẻ bói, bao giờ “cậu S.” cũng bảo tốt lắm, thuận lợi lắm, có khó khăn chút nhưng do phước lớn mà vượt qua. Con nhang nghe êm tai, chi tiền cũng mát ruột.
Tính ra, chỉ trong tháng Giêng, S. kiếm được trên 30 triệu đồng mà không phải tốn kém bất cứ phí đầu tư nào. S. tiết lộ, cậu có hẳn một “team” hành nghề kiểu này. Nhóm của S. đa phần là người trẻ, từ 18 đến dưới 30 tuổi. Khi vào nghề, họ sẽ tỏa ra khắp nơi trong thành phố, rải xuống cả vùng lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Danh xưng khi hành nghề cũng được mặc định là “cô, cậu” chứ không “thầy bà”. Ban đầu nhóm của S. ái ngại vì còn quá trẻ, liệu khách hàng có tin mình là thầy bói không. S. phân tích và suy luận: “Nếu đã là người sùng tín, thích bói toán thì càng những thầy bói trẻ, họ càng tin và thích xem, bởi họ suy nghĩ, đây chính là người phát lộ căn sớm, có tài thuật tướng từ kiếp trước truyền qua. Vì vậy, thầy bói càng non trẻ thì lại càng thu hút”. Hết tháng Giêng, S. và đội quân của mình lại trở về công việc thường ngày và không ai biết “cậu S.” là ai nữa.
Theo TS. Lê Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Trung tâm UNESCO khoa học nhân văn và cộng đồng, nếu như bói toán tại các đền phủ của những thầy bà có chút tiếng tăm thì 10 người xem đến 9 người có hạn. Sinh ra cái hạn cũng chỉ để thầy bà cúng sao, giải hạn mà thôi. Còn xem bói dạo, bói thời vụ giống như một thú tiêu khiển ngày xuân. Đúng là những người bói dạo ít có khả năng tâm linh, mà chỉ nói qua sách vở và nói những điều hay, điều lành mang tính trấn an, xoa dịu tinh thần là chính. Tuy nhiên, cũng không thể xem nhẹ nghề bói dạo được, nó sẽ gây một hiệu ứng văn hóa rất phản cảm ở những di tích tôn nghiêm. Vấn nạn này quấy nhiễu không gian thanh tịnh và làm xấu đi những vẻ đẹp văn hóa tâm linh.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/hot-bac-nghe-boi-dao-dau-nam-i683370/