Hớt hải quay lại
Cuộc đập phá nào cũng rúng động và đổ nát ở trong lòng xã hội đó. Rõ rồi, quá trình đứt gãy không chỉ lĩnh vực tâm linh.
Một thời dài chừng 4 thập niên (1955 -1995), người dân sống ở miền Bắc bị đứt gãy đời sống tâm linh mà họ từng xem trọng. Phần vì công cuộc tập thể hóa, phần vì thiếu đói và buồn lo, hơi đâu. Cũng không có nghĩa là nhà thờ bặt tiếng chuông, hay chùa chiền thành phế tích hết. Người dân là bầy kiến với thời tiết, chiến tranh và xã hội bão giông thì sống sót là may.
Tôi nhớ những năm cuối thập niên 1980s lần đầu ra Hà Nội. Chùa và Đền và Phủ thanh tịnh như chúng tôi hằng mong, thảy được thầm lặng nguyên sơ, mái rêu, nền gạch sứt, những cây nhang mảnh dẻ vừa phải, hòm gỗ cúng dường khép nép. Chùa Trấn Quốc, Đền Quán Thánh, phủ Liễu Hạnh… là những nơi chúng tôi luôn muốn trở lại để cúi đầu trước âu vàng tam giáo bản sắc Việt sâu bền gốc rễ.
Đổi Mới. Không hé cửa hít thở thì chết hết. Dân chúng khi này mới đúng là “vừa mặc áo vừa xếp hàng”, tấm áo không quá sờn rách nữa và người xếp hàng cũng khấp khởi tâm tư. Mười năm tiếp theo, chúng tôi đã có xe máy (hàng nghĩa địa từ Nhật) để vi vu đền phủ và chùa chiền gần như khắp đồng bằng sông Hồng. Những cây nhang bỗng to cỡ ngón tay và cao vút chắc chắn để bán được nhiều tiền. Người ta đua nhau từng mâm cúng, chen lấn xin sớ xin giải hạn và rỉ tai nhau đền Ông này đền Bà kia ở đó đó thiêng lắm.
Tôi ở miền Nam, thôn quê thành vùng trắng vì chiến tranh phá hủy. Người nông dân thời chiến lo sống và chết. Đình xã nhà tan hoang nhưng bà tôi có mái đình thổn thức ở trong tim. Người dân vùng ven thành thị không bị chiến tranh chà xát, vẫn còn chùa đình và nhà thờ để cầu an. Miền Nam hàng thế kỷ thuộc địa của Pháp, con người có văn hóa kinh tế thị trường, các hệ tôn giáo không bị đạp đổ dù có khi họ hục hặc nhau. Ấy là sự khác biệt từ hai thực thể của hai miền không khó để nhận thấy.
Thiền viện Yên Tử cổ xưa ngàn năm, bỗng cựa mình với cáp treo, với bê tông hóa Chùa Đồng. Thiền viện Đà Lạt được liên thông với các thiền viện mới xây ở phía Bắc để chăm sóc chúng sinh. Luôn nhắc khẽ tín hữu, rằng không quần short và váy ngắn, không kẹp túi xách vào nách khi khấn vái, không giắt tiền vào tay tượng, không ồn ào, không lê dép… Nhưng hệ thống tôn giáo bằng thiền viện có thực sự làm cho con người thanh khiết lên không? Miền Tây của tôi từ chỗ hoang sơ bỗng dày đặc các thiền viện từ "Những ai đó" do quan hệ thân hữu. Dân chúng bắt đầu râm ran Thiêng nỗi gì, có thiêng đâu. Cái gì đã xảy ra và đang diễn ra cùng lúc với những quần thể chùa nhất nước, nhất Đông Nam Á và nhất Châu Á?
Xuất hiện đội quân thầy bói thầy đồng thầy phong thủy “đông như quân Nguyên”. Mười lăm năm, trước khi tôi rời Hà Nội, làm gì có cảnh người dân tràn ra choán hết đường giao thông bên ngoài chùa Phúc Khánh mỗi dịp cầu an, đội sớ? Có là tiểu thuyết gia cũng không hình dung được, phải, không hình dung được người dân thủ đô hôm nay là như thế.
“Đẹp mặt thật”, nói theo ngôn ngữ đám đông, hoặc nói theo cách nói của người quan tâm xã hội học thì “Là dấu hiệu của suy tàn”. Không thể nào chịu nổi khi đến Phủ Tây Hồ, đến Đền Bà Chúa Kho, thậm chí đến nghĩa trang Hàng Dương, bên mộ phần chị Võ Thị Sáu bởi cảnh mù mịt khói hương xin xỏ và đáp đền.
Giới quan chức hiện nay phần đông cùng thế hệ với tôi, cha ông chúng tôi là những người hăm hở đánh đổ thực dân phong kiến. Sau 1975 từ Bắc chí Nam, lứa này đã “sống và cống hiến” nói theo ngôn ngữ đầm đìa chữ nghĩa cán bộ. Bỗng dưng - quá trình bỗng dưng này diễn ra có lẽ từ 1986 đến hết thế kỷ 20 – cả xã hội bỗng dưng phân hóa khốc liệt:
Một tầng lớp dân đen, một tầng lớp ở giữa là ốc vít của guồng và một số bên trên, thế lực của cái guồng ấy! Cũng phải thôi, muốn kinh tế mở thì phải chấp nhận phân tầng, phải khoảng cách giàu nghèo mà giàu ở xứ nhá nhem này là Đi đêm và Thân hữu.
Chịu khó quan sát ngay ở sân đền hoặc trên sân chùa sẽ thấy: Dân đen nguyên sơ lòng thành yếm thế; Người nhà quan chức và thương nhân áp đảo từ sống áo hình dong đến xe cộ lễ vật gấp gáp. Những người quyền thế trụ cột gia đình của họ hiển nhiên ở sau chăm chút đời sống tâm linh của chính họ như thế nào, chúng ta đều có thể hình dung. Dập đầu dập trán - bấm độn - đội sớ và run rẩy tin tưởng. Hoàn toàn thực dụng hay còn những nguyên do sâu kín nữa?
Cuộc đập phá nào cũng rúng động và đổ nát ở trong lòng xã hội đó. Rõ rồi, quá trình đứt gãy không chỉ lĩnh vực tâm linh. Văn hóa và Đạo đức thì sao, tổng thể, bản sắc khoan hòa và thiên lương đã từng thì sao? Bầy kiến mẫn cảm đang hớt hải quay lại, đã hớt hải thì sẽ có bon chen – thực dụng – mánh khóe - loay hoay, vô định. Vậy thôi.
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/hot-hai-quay-lai-40268.html