Hotline Mỹ - Trung vang lên giữa sự cố khí cầu nhưng không ai nhấc máy

Quân đội Trung Quốc đã từ chối cuộc gọi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sau khi Washington ra lệnh bắn hạ khí cầu của Bắc Kinh bị cáo buộc hoạt động gián điệp.

Chỉ trong vòng vài giờ sau khi tiêm kích F-22 của không quân Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc ngoài khơi South Carolina, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã gọi điện cho người đồng cấp Trung Quốc qua đường dây liên lạc khẩn cấp đặc biệt.

Mục đích của người đứng đầu Lầu Năm Góc là nhằm nhanh chóng làm rõ tình hình và xoa dịu căng thẳng. Nhưng đáp lại nỗ lực liên lạc ấy chỉ là sự im lặng từ Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, theo AP.

Thiếu kênh liên lạc khẩn cấp

Trong tuyên bố đưa ra hôm 9/2, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố từ chối nhận cuộc gọi từ Lầu Năm Góc sau vụ bắn hạ khí cầu bởi Mỹ "không tạo ra không khí phù hợp" cho đối thoại và trao đổi.

"Hành động của Mỹ vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế và tạo ra tiền lệ nguy hiểm", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, theo CNN.

Đây không phải lần đầu các chỉ huy quân đội Mỹ gặp khó khăn khi liên lạc với đối tác Trung Quốc qua điện thoại mỗi khi khủng hoảng bùng phát khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng. Tình trạng này đã kéo dài hàng thập kỷ.

Trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô từng duy trì các kênh liên lạc khẩn cấp đáng tin cậy, giúp hai nước tránh nổ ra xung đột hạt nhân.

 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin không thể liên lạc với Trung Quốc sau vụ bắn khinh khí cầu. Ảnh: AP.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin không thể liên lạc với Trung Quốc sau vụ bắn khinh khí cầu. Ảnh: AP.

Từ góc nhìn của Washington, việc Mỹ và Trung Quốc hiện thiếu kênh liên lạc như vậy làm tăng nguy cơ đổ vỡ quan hệ, đặc biệt trong bối cảnh hai nước tồn tại bất đồng.

Với việc giới lãnh đạo quân đội hai nước không thể trực tiếp trao đổi để làm rõ tình hình sớm nhất có thể, Washington lo ngại những tình huống hiểu nhầm, thông tin sai lệch, hay va chạm do tai nạn có thể khiến sự cố nhỏ leo thang.

Theo Bonnie Glaser, giám đốc chương trình nghiên cứu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của tổ chức tư vấn chính sách Marshall Fund, vấn đề ở đây là việc Washington và Bắc Kinh có cách nhìn nhận khác nhau về giá trị cũng như mục đích của đường dây nóng quốc phòng song phương.

Washington coi đường dây nóng quốc phòng là cách để tháo ngòi nhanh chóng các tình huống phát sinh. Nhưng Bắc Kinh có cách tiếp cận khác, coi trọng tham vấn nội bộ hơn là những cuộc trao đổi theo thời gian thực với các đối thủ.

Trả lời trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 9/2, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Ely Ratner cho rằng việc kênh liên lạc trong khủng hoảng giữa hai nước không hoạt động là điều "thực sự nguy hiểm".

Lầu Năm Góc cho biết quân đội Mỹ vẫn kiên trì nỗ lực mở thêm các đường dây liên lạc với phía Trung Quốc.

"Đáng tiếc là cho tới nay, quân đội Trung Quốc không đáp lại những nỗ lực ấy", ông Ratner thừa nhận.

Quan chức Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc sử dụng các kênh liên lạc quan trọng giữa hai bên thuần túy như công cụ nhắn tin, và rằng Bắc Kinh đóng hoặc mở các kênh liên lạc chỉ nhằm thể hiện thái độ với Washington.

Rủi ro leo thang

Thiếu vắng các đường dây nóng quân sự trong bối cảnh căng thẳng leo thang buộc Tổng thống Joe Biden và giới chức ngoại giao, an ninh Mỹ phải tăng cường các kênh liên lạc riêng với Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc. Đây sẽ là những kênh phòng ngừa khi liên lạc qua đường dây nóng quân sự không có hồi âm.

Khi mà các chỉ huy quân đội không thể kịp thời đối thoại, rủi ro leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gia tăng.

"Tôi lo sự cố kiểu như EP-3 sẽ lại xảy ra. Chúng ta hiện ở trong môi trường chính trị rất khác, tình hình có thể xấu đi rất nhanh", Lyle Morris, cựu quan chức Lầu Năm Góc, nhận định.

Ông Morris đang nhắc đến vụ va chạm giữa tiêm kích Trung Quốc và máy bay do thám Mỹ EP-3 ở Biển Đông năm 2001.

 Tàu chiến Mỹ - Trung suýt va chạm trên Biển Đông năm 2018. Ảnh: Reuters.

Tàu chiến Mỹ - Trung suýt va chạm trên Biển Đông năm 2018. Ảnh: Reuters.

Tháng 11/2022, Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập thông báo chính phủ hai nước sẽ nối lại hàng loạt kênh đối thoại trước đó đã bị đình trệ do chuyến thăm của bà Nancy Pelosi tới Đài Loan tháng 8/2022, theo Reuters.

Tuần qua, Mỹ hủy chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Antony Blinken vì sự cố khí cầu. Chuyến thăm này trước đó được kỳ vọng nhằm xoa dịu căng thẳng, thúc đẩy quan hệ song phương.

Theo thỏa thuận ký năm 2008, hoạt động của đường dây nóng quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đòi hỏi quy trình nhiều bước. Cụ thể, một bên sẽ gửi tới bên kia đề xuất tổ chức cuộc gọi điện thoại hoặc hội nghị trực tuyến giữa quan chức cấp cao hai nước.

Bên nhận đề nghị có ít nhất 48 giờ để phản hồi, tuy vậy các bên có thể lựa chọn phản hồi ngay nếu thấy cần thiết. Tuy vậy, các quan chức Mỹ cho biết nhiều khi phía Trung Quốc thậm chí không nhấc máy để nhận đề nghị liên lạc.

Một trong các trường hợp như vậy xảy ra vào tháng 3/2009, khi nhiều tàu Hải quân Trung Quốc vây quanh một tàu do thám của Mỹ ở Biển Đông và yêu cầu tàu này lập tức rời đi.

Theo David Sedney, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Washington đã mất hàng chục năm để có thể thuyết phục Bắc Kinh đồng ý với hệ thống liên lạc khẩn cấp hiện nay.

"Khi mà chúng ta đã có kênh liên lạc, rõ ràng họ (Trung Quốc) rất miễn cưỡng sử dụng hệ thống ấy cho bất cứ mục đích thực chất nào", ông Sedney nói.

Theo cựu quan chức Lầu Năm Góc, các cuộc gọi thử, hoặc khi Mỹ chúc mừng nhân các dịp lễ của Trung Quốc, luôn được bắt máy rất nhanh đi kèm lời cảm ơn. Tuy nhiên khi xảy ra các vấn đề nhạy cảm hơn, đầu dây Trung Quốc thường trả lời "sẽ phản hồi khi lãnh đạo đồng ý nói chuyện, và rồi không có gì xảy ra".

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hotline-my-trung-vang-len-giua-su-co-khi-cau-nhung-khong-ai-nhac-may-post1400741.html