HS yếu cần phải được ở lại lớp, nếu cố 'đôn' lên, các em sẽ mất nhiều hơn được
'Nếu nhà trường cố tình để học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 1 được lên lớp 2, các em sẽ mất tất cả....', thầy Hà Duy Trung chia sẻ.
Vừa qua, trong báo cáo Hội nghị tổng kết năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nêu về số liệu năm học 2022-2023, số học sinh tiểu học bị đánh giá giá chưa hoàn thành chương trình và có thể bị ở lại lớp là 105.700. Trong đó, số lượng học sinh lớp 1 chiếm một nửa số liệu trên.
Thông tin trên thu hút sự quan tâm trái chiều của dư luận, có ý kiến cho rằng đây là con số khách quan, thể hiện tinh thần không "chạy theo bệnh thành tích", nhưng cũng có ý kiến đánh giá chương trình giảng dạy với học sinh khối lớp 1 quá nặng kiến thức khiến các em có thể phải ở lại lớp 1...
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hà Duy Trung - Hiệu trưởng trường Tiểu học Diễn Phúc (Diễn Châu, Nghệ An) cho hay, kết thúc năm học 2022-2023, nhà trường có hai học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc bảng chữ cái tiếng Việt.
Khi nhà trường tiếp nhận hai em vào lớp 1, mọi kiến thức tiếp thu của các em đều hạn chế, có khiếm khuyết về trí tuệ.
Cuối năm học vừa qua, nhà trường cũng đánh giá trên cơ sở chuẩn kiến thức của môn học và đến thời điểm đó, các em vẫn chưa đạt. Sau đó, nhà trường giao cho giáo viên và gia đình kèm cặp, bồi dưỡng cho các em.
Tháng 8 tới đây, nhà trường sẽ cho các em làm bài kiểm tra đánh giá lại. Khi đó, nhà trường mới quyết định được các em sẽ lên lớp hay ở lại.
"Vào năm học mới, nhà trường sẽ thành lập Hội đồng để kiểm tra đánh giá các tiêu chuẩn, kỹ năng để xem xét với học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 1.
Nhà trường làm đúng tinh thần "không vì bệnh thành tích". Bởi lẽ, nếu nhà trường cố tình để học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 1 được lên lớp 2, các em sẽ mất tất cả. Bởi lẽ, kỹ năng đọc, viết của các em chưa thành thạo, sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp thu chương trình lớp 2", thầy Trung chia sẻ.
Thầy Trung chia sẻ thêm, với kiến thức của học sinh lớp 2, đòi hỏi các em phải tự nâng cao dần để tiếp thu bài học mới. Ví dụ như với môn Toán lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông 2018, chỉ yêu cầu học sinh nhìn hình hoặc đọc bài toán, phép tính. Khi lên lớp 2, các em phải viết cả câu có lời giải bài toán, nên học sinh đọc viết chưa thạo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thầy Hà Duy Trung chia sẻ, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện qua 3 năm học với học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 3. Năm học đầu tiếp cận với chương trình mới, nhiều giáo viên cũng có nhiều sự băn khoăn nhưng sau đó, học sinh cũng đáp ứng được yêu cầu cơ bản chuẩn kiến thức của từng khối lớp.
Trước câu hỏi, liệu với giáo viên chủ nhiệm có học sinh ở lại lớp 1, có ảnh hưởng đến thi đua của lớp và giáo viên hay không, thầy Trung khẳng định là không.
Ví dụ như, với học sinh đạt chuẩn lên lớp 2, vào cuối năm học giáo viên lớp 2 sẽ cùng với giáo viên lớp 1 kiểm tra đánh giá học sinh. Khi giáo viên lớp 2 đã nhận học sinh, nhưng sau đó học sinh không đạt yêu cầu, nhà trường chỉ xem xét đánh giá thi đua với giáo viên lớp 2.
Chia sẻ về những khó khăn với giáo viên dạy lớp 1, thầy Trung cho hay, thực tế, với học sinh lớp 1, các em xuất phát từ môi trường mầm non. Trong khi môi trường này chưa có mức đánh giá định lượng cụ thể. Vì vậy, chất lượng học sinh vào học lớp 1 là như nhau.
Sau một thời gian học sinh vào lớp 1, giáo viên mới phát hiện ra trường hợp có vấn đề trong khả năng tiếp thu. Khi này, nhiều phụ huynh cũng mới biết được rõ về năng lực của con mình.
"Đội ngũ giáo viên nhà trường cũng rất tâm huyết, khi họ thấy học sinh nào khả năng tiếp thu kém, họ sẽ phản ánh với nhà trường. Từ đó, nhà trường hướng dẫn cách phối hợp với gia đình để giúp đỡ học sinh.
Có những em đến giữa kỳ I chưa thuộc bảng chữ cái, nhưng với sự quan tâm của nhà trường vào cuối năm học, các em đọc, viết thông thạo", thầy Trung nói.
Khó khăn trong việc xác định học sinh có khiếm khuyết
Thầy Hà Duy Trung cho hay, tỷ lệ học sinh lớp 1 lên lớp 2 của nhà trường có năm đạt tỷ lệ 100%, nhưng cũng có năm còn một hay vài em ở lại lớp 1 thường do khiếm khuyết về mặt trí tuệ.
Đối với học sinh bị ở lại lớp 1, có vấn đề về nhận thức, chậm tiếp thu, gia đình muốn cho con họ học môi trường học tập chuyên biệt. Tuy nhiên, việc xác định vấn đề về trí tuệ của các em gặp nhiều khó khăn.
"Phụ huynh muốn làm hồ sơ để cho học sinh được hưởng quyền lợi về trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, cơ quan chức năng rất khó xác định được khi nhìn bề ngoài, học sinh vẫn bình thường", thầy Trung chia sẻ.
Thông tin thêm về vấn đề này, lãnh đạo trường Tiểu học Diễn Phúc cho hay, hằng năm, Ủy ban Nhân dân xã tại địa phương có tổ chức các đợt làm hồ sơ cho đối tượng học sinh khiếm khuyết, Phòng Lao động và Thương binh - Xã hội là cơ quan giám định.
Tuy nhiên, việc giám định phải có hồ sơ bệnh án của học sinh tại trung tâm y tế. Trong khi đó, học sinh không có hồ sơ khám sức khỏe, còn nhìn bề ngoài lại bình thường.
Khi cán bộ kiểm tra việc đọc bảng chữ cái với học sinh khiếm khuyết, em đó có thể đọc được nhưng nếu để các em đọc thành chữ là khó.
Chia sẻ thêm về nội dung trên, thầy Nguyễn Văn Minh, giáo viên đang giảng dạy tại một trường Tiểu học ở tỉnh Hải Dương cho biết, thầy rất ủng hộ tinh thần của các nhà trường không chạy theo "bệnh thành tích", bằng việc cho những em học sinh lớp có năng lực học tập còn yếu được ở lại lớp, nhằm giúp các em phát triển với đúng năng lực của bản thân.
Về thông tin số lượng được công bố là khoảng hơn 50.000 học sinh lớp 1 bị đánh giá là chưa hoàn thành chương trình và có thể sẽ bị ở lại lớp, thầy Minh cho rằng, cần chấp nhận điều này như một lẽ bình thường trong giáo dục. Thực tế, có trường vẫn vì "bệnh thành tích" nên cho học sinh hoàn thành chương trình lớp 1 nhưng vẫn chưa biết đọc, biết viết thông thạo. Thầy Minh cũng chia sẻ rằng: "Năm học vừa qua, tôi có dạy lớp 3 và trong lớp có tới 2 em chưa đọc, viết chưa thông thạo, cộng trừ còn gặp khó khăn. Các em đó gặp vấn đề về trí tuệ nhưng giáo viên vẫn cho lên lớp", thầy Minh chia sẻ.
Nam giáo viên cho biết, những em học sinh có vấn đề khiếm khuyết về trí tuệ vẫn được lên lớp 2 nếu các em có hồ sơ đầy đủ. Tuy nhiên, có trường hợp gia đình không muốn làm hồ sơ cho con vì sợ ảnh hưởng tới danh dự.
Về giải pháp, thầy Minh cho rằng, với các em học sinh có vấn đề về mặt nhận thức, nhà trường có thể bố trí riêng một lớp. Đồng thời, nhà trường có thể cử giáo viên đi bồi dưỡng chuyên môn giảng dạy cho những học sinh diện đặc biệt này để các em được giảng dạy phù hợp.