HSBC: ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng về quy mô và tầm ảnh hưởng
Theo HSBC, khối ASEAN không chỉ duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng mà còn được dự báo sẽ trở thành một trong những khối kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong vòng 5 năm tới, với tốc độ tăng trưởng bình quân 4,7%.
Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành báo cáo ASEAN Perspectives - Rộng lớn hơn, chất lượng hơn và còn nhiều điều đang chờ ở phía trước, trong đó hành trình tăng trưởng kinh tế của ASEAN được nhận định là một câu chuyện đáng kinh ngạc.
Từ một nền kinh tế với quy mô 473 tỷ USD vào năm 1992, ASEAN đã phát triển mạnh mẽ và đạt 3,63 nghìn tỷ USD vào năm 2023. Tỷ trọng của khu vực này trong GDP toàn cầu đã tăng từ 1,9% lên 3,5% trong cùng giai đoạn. Đặc biệt, HSBC dẫn dự báo của IMF, ASEAN có tiềm năng nâng tỷ trọng trong GDP toàn cầu lên mức 4% vào năm 2029, tốc độ tăng trưởng bình quân 4,7% giai đoạn 2024 - 2029.
Nhiều thập kỷ tiến bước từ sản xuất và xuất khẩu
Sản xuất và xuất khẩu là hai động lực chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế của ASEAN. Kể từ năm 1992, các quốc gia ASEAN đã không ngừng tháo gỡ rào cản thương mại nội khối, biến khu vực này thành một thị trường gần như không biên giới. Thỏa thuận CEPT (1992) và Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (2009) đã tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy thương mại tự do.
Các nền kinh tế khác trên thế giới cũng không muốn đứng ngoài cuộc. Từ 2005 đến 2010, ASEAN trong vai trò một thể thống nhất đã tham gia các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Đỉnh điểm của những thỏa thuận này chính là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Trong khi thương mại toàn cầu có xu hướng quay vào trong và chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi, ASEAN đã đi theo hướng hoàn toàn ngược lại. Khối này tiếp tục tận dụng thương mại tự do để nhập khẩu đầu vào quan trọng với giá cạnh tranh, biến thành hàng hóa giá trị cao hơn và rồi bán sang một thị trường rộng lớn hơn.
Và chiến lược này đã cho trái ngọt khi ASEAN gia tăng thị phần xuất khẩu hàng hóa toàn cầu từ 6,1% năm 2005 lên 7,4% vào năm 2023, vượt qua Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại, thậm chí suýt vượt qua cả Mỹ.
Những căng thẳng thương mại toàn cầu, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng góp phần đưa ASEAN lên vị trí dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
"Mặc dù cả khối ASEAN đều được hưởng lợi, những căng thẳng về thương mại đã đẩy Việt Nam lên vị trí cường quốc sản xuất ngày nay. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam chứng kiến thị phần xuất khẩu toàn cầu tăng lên nhiều nhất. Thị phần toàn cầu của Indonesia cũng tăng lên trong bối cảnh ngành xe điện nở rộ giúp ngành khai khoáng của nước này vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu", báo cáo chỉ ra.
Bất chấp những xu hướng toàn cầu, HSBC cho rằng ASEAN sẽ vẫn kiên định tiếp tục mở rộng độ phủ sóng. Chính độ mở này sẽ tạo nên sức mạnh chính cho nền kinh tế ASEAN trong vòng 5 năm tới. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF, xuất nhập khẩu của ASEAN sẽ nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới trong giai đoạn 2024 - 2029, đưa khu vực này trở thành hình mẫu đại diện cho thương mại.
Du lịch tăng trưởng vượt bậc
Trong những năm gần đây, ASEAN đã chuyển dịch từ một khu vực tập trung vào sản xuất hàng hóa sang phát triển mạnh mẽ lĩnh vực dịch vụ.
Du lịch, một trong những ngành mũi nhọn, tiếp tục tăng trưởng vượt bậc. Từ năm 2007 đến năm 2019, tổng lượt khách du lịch đến ASEAN-6 đã tăng bình quân 7,1% mỗi năm và thị phần du lịch toàn cầu của ASEAN tăng từ 4,9% lên 8,7%.
Tuy nhiên, thị phần lượt khách du lịch của ASEAN sụt giảm trong đại dịch và cả sau đó do du khách Trung Quốc chưa trở lại hoàn toàn. Giải pháp khởi động giai đoạn phục hồi là mở rộng cơ chế miễn thị thực với các quốc gia bên ngoài ASEAN, mở đầu là Malaysia, Thái Lan và Singapore.
Trở ngại lớn nhất đối với ASEAN chính là làm sao để gia tăng giá trị cộng thêm cho du lịch. Các lựa chọn bao gồm đầu tư vào du lịch xa xỉ, mở rộng nền ẩm thực hoặc tổ chức các sự kiện siêu lớn và chương trình biểu diễn âm nhạc.
Theo phân tích của HSBC, tương tự như số lượng du khách quốc tế, thị phần doanh thu du lịch toàn cầu của ASEAN cũng tăng trong giai đoạn từ 2007 đến 2019. Tuy nhiên, nếu so sánh thị phần lượt khách toàn cầu và thị phần doanh thu du lịch toàn cầu của ASEAN, cả hai chỉ số đều tăng với tốc độ như nhau. Điều này có thể được hiểu là doanh thu du lịch tăng lên chủ yếu là nhờ tăng lượng khách du lịch chứ không phải tăng chi tiêu tính trên đầu người.
Để tạo dấu ấn trên trường quốc tế, ASEAN sẽ cần cung cấp nhiều loại hình hoạt động du lịch hơn như điểm đến mới, sự kiện du lịch kết hợp MICE (meetings – họp hành, incentives – khen thưởng, conferences – hội thảo, exhibitions – triển lãm) và các dịch vụ xa xỉ.
Dịch vụ "tài sản tinh gọn" đang vươn lên trên thị trường quốc tế
Dịch vụ "tài sản tinh gọn" là xuất khẩu dịch vụ không đòi hỏi nhiều vốn hữu hình như máy bay trong du lịch hay thuê tàu trong vận chuyển hàng hóa. Trong hầu hết trường hợp, các dịch vụ này được thực hiện trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, tài chính hoặc nghệ thuật, chẳng hạn như thuê ngoài quy trình kinh doanh, tài chính, điện ảnh, tư vấn và những thứ tương tự.
ASEAN đã tăng thị phần dịch vụ này trên toàn cầu từ 3,2% năm 2005 lên 6% ở thời điểm hiện tại. Những dịch vụ này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn giúp ASEAN khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
"Với thị phần dịch vụ tài sản tinh gọn gia tăng, chúng tôi cho rằng ASEAN, cũng giống như Ấn Độ, đang ở vị thế có khả năng đón đầu làn sóng xuất khẩu dịch vụ toàn cầu. ASEAN đã tạo ra một loạt thương hiệu và tên tuổi tầm cỡ thế giới", ngân hàng HSBC dẫn chứng Trip.com của Singapore đang tạo dấu ấn trong làng dịch vụ du lịch số hóa. Gojek, có trụ sở tại Indonesia, cung cấp nền tảng tích hợp đa dịch vụ thương mại điện tử và thanh toán số.
Trong khi đó, Thái Lan thắp sáng bầu trời nghệ thuật thế giới với những bộ phim giành giải thưởng như "Gia tài của ngoại" và sản sinh ra những ngôi sao nhạc pop như Lisa Manoban. Còn Philippines gia nhập làng rap thế giới với nghệ sĩ Ez Mil.
Lớn hơn, tốt hơn nhưng ít hơn
Dẫn lại báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF, các chuyên gia HSBC kỳ vọng khu vực ASEAN sẽ tăng trưởng ở mức bình quân 4,7% trong giai đoạn 2024-2029, khiến ASEAN trở thành khối kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Với tốc độ này, ASEAN sẽ vượt qua Nhật Bản về quy mô kinh tế vào năm 2029. Trong khi mức độ tăng trưởng sâu rộng của ASEAN là điều không cần bàn cãi, một yếu tố khác khiến khu vực này thậm chí còn ấn tượng hơn.
Theo các chuyên gia HSBC, sự tăng trưởng của ASEAN không chỉ nằm ở quy mô mà còn ở chất lượng. Trong bối cảnh tỷ trọng dân số ASEAN trong dân số toàn cầu giảm, khu vực này vẫn gia tăng giá trị kinh tế nhờ đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất. Singapore dẫn đầu với vị trí thứ tư trên bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu, trong khi các nước như Việt Nam và Indonesia cũng đạt được những bước tiến ấn tượng.
ASEAN cũng gia tăng thị phần xuất khẩu hàng công nghệ cao toàn cầu, cạnh tranh trực tiếp với các nền kinh tế phát triển như Trung Quốc. Những quốc gia như Singapore và Malaysia đã nắm bắt cơ hội trong lĩnh vực sản xuất chip và các thiết bị công nghệ cao, góp phần nâng cao vị thế của toàn khu vực.
Trong bối cảnh sự không chắc chắn đang phủ bóng lên hoạt động thương mại thế giới, HSBC cho rằng ASEAN sẽ tiếp tục là nơi "nương náu" cho thương mại tự do. Song hành cùng với thương mại tự do là cạnh tranh, tuy nhiên sự quyết tâm đổi mới sáng tạo, hấp thu công nghệ hiện đại sẽ giúp các doanh nghiệp mài ASEAN sắc vũ khí trong khi tìm kiếm thị trường lớn hơn để tiêu thụ.
"Chính bởi lẽ đó chúng tôi tin rằng ASEAN, với cốt lõi là thương mại tự do nội khối, sẽ vẫn bền bỉ, kiên cường, tiếp tục tăng trưởng về quy mô và tầm ảnh hưởng," báo cáo của HSBC kết luận.