HSBC: Cắt giảm lãi suất sẽ sớm được các ngân hàng ASEAN thảo luận

Theo các chuyên gia HSBC, khi lạm phát giảm dần, vấn đề giảm lãi suất chính sách sẽ sớm được các ngân hàng trung ương ASEAN đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, mấu chốt là liệu các ngân hàng này có thể tiến hành giảm lãi suất trước Fed hay không.

Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa công bố báo cáo với tựa đề "Fed một đường, ASEAN một nẻo?" nhận định về triển vọng chính sách lãi suất của các nước Đông Nam Á.

Các nước ASEAN có tiến hành giảm lãi suất trước Fed hay không?

Báo cáo chỉ ra rằng, khi lạm phát có xu hướng giảm dần, vấn đề giảm lãi suất chính sách sẽ sớm được các ngân hàng trung ương ASEAN đưa ra thảo luận. "Lúc này, vấn đề trọng tâm là liệu họ có tiến hành giảm lãi suất trước Fed hay không? Với quan điểm của chúng tôi, tình hình sẽ khá đa dạng", báo cáo của HSBC cho biết.

Báo cáo cũng chỉ ra, Indonesia có thể sẽ cắt giảm lãi suất trước Fed vì lãi suất chính sách thực tế vốn đang cao hơn mức trước đại dịch trong khi tài khoản vãng lai của nước này đang ở vị thế thuận lợi hơn trước.

Nước này được kỳ vọng sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng ngay khi cảm nhận được lãi suất của Fed đạt đỉnh. Nó có thể bắt đầu bằng một đợt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong quý 4/2023.

Tuy nhiên, với Philippines, các chuyên gia kỳ vọng NHTW nước này sẽ chỉ cắt giảm lãi suất sau khi Fed có động thái, trong bối cảnh các điều kiện trong nước cần thêm thời gian để hạ nhiệt và ổn định.

Tài khoản vãng lai của Malaysia nhiều khả năng sẽ trở lại mức trước đại dịch, giúp nước này có thêm tự do trước Fed. Các chuyên gia của HSBC cũng nhận định: với lạm phát nằm trong vòng kiểm soát, nước này có thể sẽ giữ nguyên mức lãi suất.

Đối với Thái Lan, ngân hàng trung ương có thể sẽ phải giữ các mức lãi suất cao hơn mức trước đại dịch do thặng dư nhiều khả năng sẽ thu hẹp hơn trước.

Ngược lại, Singapore có dư địa để đưa ra động thái khác với Fed. Nước này có tài khoản vãng lai dồi dào nhất, tương đương với 15% GDP, tạo điều kiện để ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng chảy vốn. Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn nhận định chính sách tiền tệ sẽ chỉ được nới lỏng khi lạm phát cơ bản hạ nhiệt.

Báo cáo cũng cho biết, Việt Nam đã cắt giảm lãi suất và tương lai có khả năng sẽ còn một đợt giảm nữa. Theo dự báo của HSBC, trong quý 3/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiến hành một đợt cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nữa, trước khi duy trì mức lãi suất chính sách trong suốt năm 2024.

Chọn lối đi riêng, các nước ASEAN đối mặt với điều gì?

Để biết được thời điểm ngân hàng trung ương của các nước ASEAN có thể cắt giảm lãi suất, cần xác định mức độ tự do trong chính sách tiền tệ mà mỗi nước có được trước Fed.

Theo HSBC, nếu tự tách khỏi lộ trình của Fed quá sớm, các nước có thể gặp tình trạng rút vốn ồ ạt và giảm tỷ giá đột ngột do nhà đầu tư hướng đến lợi nhuận cao hơn. Các chuyên gia cũng cho rằng, nếu không có gì thay đổi, Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trong quý 2/2024.

Có thể thấy, từ tháng 6/2022 tới tháng 11/2022, Fed đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm 4 lần liên tiếp. Điều này cũng khiến một lượng lớn vốn chảy khỏi ASEAN và các đồng nội tệ phải chịu áp lực. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, ngân hàng trung ương ASEAN nên bám sát Fed cùng các đợt tăng, mặc dù mức độ ở mỗi nước sẽ là khác nhau.

Tuy nhiên, HSBC cũng cho rằng, tất cả ngân hàng trung ương ở ASEAN đều dư khả năng giảm thiểu tác động của tình trạng chảy vốn và xoa dịu những biến động tiền tệ.

Vậy cắt giảm hay không cắt giảm?

Đây là câu hỏi đặt ra cho hầu hết các nước ASEAN. Để giải đáp, cần làm rõ là liệu các điều kiện trong nước có đủ đảm bảo một đợt cắt giảm hay không? Chúng sẽ tùy thuộc vào tình hình của từng quốc gia.

Xét về lạm phát, ở hầu hết các nước ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC cho rằng lạm phát trong năm 2023 và 2024 sẽ ổn định trong phạm vi mục tiêu dự báo lạm phát tương ứng của từng thị trường do các đợt tăng lãi suất năm ngoái làm lạm phát hạ nhiệt.

Ở Malaysia, lạm phát đã duy trì ở mức thấp ngay cả trong thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng lạm phát ở châu Á.

HSBC dự đoán lạm phát sẽ tăng ở Thái Lan và Việt Nam đâu đó trong năm 2024, nhưng không đủ cao để kích thích tăng lãi suất.

Ngược lại, lạm phát ở Philippines và Singapore vẫn duy trì ở mức cao. Thậm chí, các nhà kinh tế còn nhận định, Cơ quan tiền tệ Singapore (Monetary Authority of Singapore - MAS) không nên nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 10/2023 mà phải tới tháng 4 năm sau.

Dự báo lạm phát (% so với cùng kỳ năm trước) so với phạm vi mục tiêu/dự báo của ngân hàng trung ương

Dự báo lạm phát (% so với cùng kỳ năm trước) so với phạm vi mục tiêu/dự báo của ngân hàng trung ương

Về tăng trưởng, tăng trưởng vẫn ổn định ở Philippines và Thái Lan. Trong khi đó, Việt Nam và Singapore hiện đang phải đối mặt với những thách thức do thương mại gây ra đối với tăng trưởng.

Nhận định tương tự cũng có thể áp dụng cho Indonesia và Malaysia, ngoại trừ thực tế là cả hai vẫn đang gặp thuận lợi từ xuất khẩu khoáng sản.

Hiện tại, Philippines là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong ASEAN, phát triển với tốc độ phù hợp với xu hướng trước đây nhưng tiêu dùng và đầu tư dường như bất chấp hoàn cảnh vẫn tăng lên.

"Nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa sẽ suy yếu đáng kể trên khắp ASEAN. Kết quả là chúng tôi nhận thấy mức tăng trưởng của ASEAN trong năm 2023 và 2024 sẽ giảm xuống dưới xu hướng tăng trưởng trước đây trên toàn khu vực, ngoại trừ Thái Lan", HSBC nhận định.

Về các điều kiện tài chính, HSBC nhìn nhận vẫn ổn định ở ASEAN. Báo cáo HSBC chỉ ra, cho đến nay, nhờ chỉ số tín dụng gia tăng, hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á chưa cần vội vàng cắt giảm lãi suất. Mặc dù biên độ chênh lệch CDS kỳ hạn 5 năm ít nhiều đang tăng lên trên khắp khu vực nhưng không ở mức đáng lo ngại.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hsbc-cat-giam-lai-suat-se-som-duoc-cac-ngan-hang-asean-thao-luan-post25436.html