HSBC dự báo Việt Nam sẽ lấy lại mức tăng trưởng, đối mặt khả năng lạm phát
Trong báo cáo vừa phát hành, HSBC dự báo Việt Nam sẽ lấy lại mức tăng trưởng ổn định 6,2% trong năm 2022 nhưng vẫn có khả năng đối mặt với mức lạm phát cao hơn ở mức 3,7%.
HSBC vừa công bố báo cáo Vietnam at a glance – Bước đi thận trọng với những đánh giá tích cực về tình hình kinh tế quý I và đưa ra triển vọng cho cả năm. Theo báo cáo, năm 2022 khởi đầu với những bước đi vững chắc khi GDP quý I tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức kỳ vọng 4,7% của HSBC và thấp hơn chút so với mức dự báo chung của thị trường 5,5%.
Một mặt, động lực tăng trưởng bên ngoài đã tăng tốc trở lại. Thêm nữa, tiêu dùng cá nhân tiếp tục phục hồi dù còn chậm. Điều đáng khích lệ là Việt Nam đã gia nhập đội ngũ các nước mở cửa biên giới từ giữa tháng 3, tạo điều kiện sẵn sàng hồi sinh ngành du lịch đã bị tổn thương.
Mặc dù xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, thặng dư thương mại của Việt Nam trong quý I/2022 thu hẹp xuống mức tối thiểu 0,8 tỷ USD. Kết quả này không ngoài tầm dự đoán vì bản chất lĩnh vực sản xuất của Việt Nam luôn cần phải nhập khẩu nhiều. Thực tế, nhập khẩu tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và một nửa trong số đó là linh kiện điện tử. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu hụt nhiên liệu, giá nhiên liệu tăng cao là vấn đề thu hút sự quan tâm.
Trước tác động do giá dầu thế giới tăng cao, HSBC dự báo Việt Nam sẽ có thêm một năm thâm hụt tài khoản vãng lai trong năm 2022 mặc dù mức độ thâm hụt cũng khiêm tốn, chỉ khoảng 0,2% GDP.
Cũng theo các chuyên gia, việc mở cửa biên giới hoàn toàn trở lại góp phần phục hồi kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành dịch vụ phụ thuộc vào du lịch. Chỉ tính riêng trong tháng 3, hơn 40.000 khách du lịch đã đến Việt Nam, tăng gần gấp ba so với mức bình quân tháng của hai năm đại dịch. Đây chắc chắn là một bước tiến lớn của Việt Nam, tuy nhiên ngành du lịch vẫn được cho là sẽ phục hồi chậm trong năm nay.
Tuy đà phục hồi đã ổn định dần trong quý I, song Việt Nam đang gặp một loạt thách thức trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao. Điều đó sẽ khiến chi phí nhiên liệu tăng, ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại của Việt Nam. Tình hình này sẽ khiến các chỉ số bên ngoài của Việt Nam bị thu hẹp, dẫn đến thâm hụt tài khoản vãng lai lần thứ hai liên tiếp. Trong khi đó, giá dầu tăng cao làm tăng chi phí sinh hoạt của người dân, làm chậm quá trình phục hồi tiêu dùng cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.
Điều may mắn là lạm phát của Việt Nam về cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát so với các thị trường mới nổi khác, xét bối cảnh giá thực phẩm và áp lực giá do nhu cầu về cơ bản đã được kiểm soát. Mặc dù vậy, rủi ro lạm phát gia tăng, dù là do cung, sẽ vẫn là dấu hiệu cho thấy cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ.
Theo HSBC, xu hướng tăng giá của năng lượng sẽ còn kéo dài một thời gian nữa, tạo áp lực khiến lạm phát gia tăng. Vì vậy, gần đây ngân hàng này đã điều chỉnh dự báo lạm phát của Việt Nam lên 3,7% trong năm 2022, vẫn dưới mức mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước.
Theo các chuyên gia của HSBC, mức lạm phát này của Việt Nam về cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát so với các thị trường mới nổi khác, xét bối cảnh giá thực phẩm và áp lực giá do nhu cầu về cơ bản đã được kiểm soát.
Mặc dù vậy, rủi ro lạm phát gia tăng, dù là do cung, sẽ vẫn là dấu hiệu cho thấy cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ. HSBC đẩy dự báo mức điều chỉnh tăng 50 điểm cơ sở lên quý 3/2022 (trước đây dự báo quý 4/2022), nhiều khả năng sẽ khiến lãi suất điều hành tăng lên 4,5% vào cuối năm 2022.