HSBC kỳ vọng Việt Nam sẽ có bước ngoặt tăng trưởng lớn vào quý 4

HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý 3, đưa lãi suất điều hành về 4,0% và kỳ vọng tăng trưởng sẽ có bước ngoặt lớn vào quý 4/2023.

Khách du lịch tham quan hang động tại Quảng Bình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khách du lịch tham quan hang động tại Quảng Bình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 6/7, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC công bố báo cáo Vietnam At A Glance tháng Bảy với tựa đề “Mùa Hè kém sôi động,” với nhận định tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã giảm mạnh từ mức tăng trưởng ấn tượng của năm ngoái là 8%, chủ yếu do các rủi ro bên ngoài. Dù vậy, chuyên gia HSBC vẫn kỳ vọng tăng trưởng sẽ có bước ngoặt lớn vào quý 4/2023, với các biện pháp hỗ trợ tiền tệ gia tăng.

Thương mại vẫn gặp khó

Chuyên gia HSBC nhận định với mức tăng trưởng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, GDP quý 2 của Việt Nam cho thấy các điều kiện kinh tế không xấu đi, nhưng cũng không được cải thiện rõ rệt. Nói cách khác, Việt Nam vẫn đang phải vật lộn với những rủi ro gia tăng liên quan tới tăng trưởng, đặc biệt là từ chu kỳ thương mại. Xuất khẩu tiếp tục sụt giảm ở mức 2 con số tương tự như quý 1.

Điểm sáng duy nhất là xuất khẩu nông sản, nhưng tỷ lệ 10% của ngành hàng này quá nhỏ để bù đắp cho sự suy yếu rộng khắp ở các lĩnh vực khác. Các lô hàng lớn, bao gồm điện tử tiêu dùng, dệt may/giày dép, máy móc và đồ nội thất gỗ, đều suy giảm hai con số. Điều này chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu của Mỹ sụt giảm, trong khi đây là thị trường nhập chính đối với hầu hết các sản phẩm của Việt Nam. Tính tới thời điểm này, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ hiện nay đã giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh tính nghiêm trọng của suy thoái thương mại.

Bên cạnh đó, các chỉ số PMI hàng đầu cho thấy không có cải thiện trong tương lai gần, khi nhu cầu thương mại đảo chiều tiếp tục gây áp lực lên các đơn đặt hàng.

“Chúng tôi kỳ vọng những thay đổi sớm nhất trong xu hướng thương mại sẽ diễn ra vào khoảng quý 4/2023 nhưng sẽ theo hướng ổn định trước rồi mới xuất hiện bất kỳ sự gia tăng rõ rệt nào đối với các lô hàng. Nói cách khác, Việt Nam còn phải chịu một chu kỳ suy thoái thương mại kéo dài, đặc biệt là khi hiệu ứng cơ sở không thuận lợi trở nên nghiêm trọng hơn vào quý 3/2023,” bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC cho biết.

Sản xuất phân bón tại Công ty cổ phần công nghệ Hà Lan. (Ảnh: Vietnam+)

Sản xuất phân bón tại Công ty cổ phần công nghệ Hà Lan. (Ảnh: Vietnam+)

Cũng theo HSBC, một tác động lan tỏa tích cực ngoài ý muốn đến từ tài khoản vãng lai của Việt Nam. Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Không bất ngờ khi mà nhập khẩu đã giảm nhiều hơn so với xuất khẩu, dẫn đến thặng dư thương mại đáng kể. Cùng với việc tăng doanh thu từ du lịch giúp giảm thiểu thâm hụt dịch vụ, tài khoản vãng lai của Việt Nam được cải thiện đáng kể lên mức 6,1% GDP trong quý 1 mang tới sự hỗ trợ quý giá cho đồng VND.

Ngành dịch vụ giữ vững động lực

Bất chấp sự sụt giảm xuất khẩu, lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam đã bù đắp phần nào nhờ vào sự phục hồi đang tiếp diễn. Cụ thể, các ngành dịch vụ liên quan đến du lịch, bao gồm vận tải, lưu trú và ăn uống tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh.

Nửa đầu năm 2023, khách du lịch đến Việt Nam đã hồi phục 80% so với mức độ hàng tháng của năm 2019, đón tổng cộng 5,6 triệu lượt khách du lịch; trong đó khách Trung Quốc đạt gần 50% so với mức hàng tháng của 2019. Một phần của phục hồi đến từ nỗ lực khôi phục các đường bay thẳng với Trung Quốc, trong đó Việt Nam đứng đầu ASEAN chỉ sau Singapore. Tiến độ này cho thấy Việt Nam đang trên đà vượt mục tiêu ban đầu là 8 triệu lượt khách du lịch năm.

Quốc hội đã thông qua chính sách được mong đợi từ lâu nhằm nới lỏng các hạn chế về thị thực. Có hiệu lực từ ngày 15/8, quy định mới sẽ kéo dài thời hạn cho các thị trường được miễn thị thực lên 45 ngày (tăng từ 15) và thời hạn thị thực điện tử cho 80 thị trường tăng lên 90 ngày (từ 30 ngày). Sự thay đổi kịp với thời điểm mùa cao điểm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc du lịch dễ dàng hơn và thu hút lượng khách du lịch ngày càng tăng.

Cũng theo HSBC, ngoại trừ tăng trưởng thì lạm phát liên tục mang đến những tin tốt. Lạm phát toàn phần đã được kiểm soát ở mức 2,0% so với cùng kỳ trong tháng Sáu, phù hợp với kỳ vọng của HSBC. Nguyên nhân chính là cắt giảm lạm phát trong lĩnh vực năng lượng đã kéo lạm phát toàn phần giảm mạnh so với mức trần lạm phát 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi việc tăng giá điện đẩy đà lạm phát lên cao, phản ánh qua lạm phát với độ trễ một tháng, mức độ tăng dưới 3% không gây tác động lớn. Đáng nói hơn, lạm phát cơ bản hạ nhiệt xuống 4,3% so với cùng kỳ, lần đầu tiên dưới mức trần trong 9 tháng. Mặc dù vậy, chuyên gia HSBC vẫn lưu ý rủi ro tăng giá vẫn có thể kéo dài.

HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý 3. (Ảnh: PV/Vietnam+)

HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý 3. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh thách thức gia tăng, các nhà chức trách đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp hỗ trợ. Không chỉ có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cắt giảm lãi suất điều hành 3 lần, mỗi lần giảm 50 điểm phần trăm trong quý 2, mà Chính phủ cũng đã công bố các biện pháp tài khóa, bao gồm hoãn thuế và giảm thuế VAT, gần bằng các mức hỗ trợ trong đại dịch.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng nhận thức được những hạn chế tài khóa đến từ thiếu hụt nguồn thu, dẫn đến giới hạn gói giải cứu tài khóa “trọn gói”.

Trong khi lạm phát hạ nhiệt, tỷ giá VND tương đối ổn định cũng hỗ trợ cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, khi rủi ro tăng giá kéo dài đối với lạm phát, thì đồng VND có thể phải đối mặt với áp lực rủi ro sụt giá từ lãi suất thực đang ‘xói mòn’. Chuyên gia HSBC kỳ vọng tăng trưởng sẽ có bước ngoặt lớn vào quý 4/2023, với các biện pháp hỗ trợ tiền tệ gia tăng.

"Chúng tôi cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý 3, đưa lãi suất điều hành về 4,0%. Điều này có thể sẽ đảo ngược nỗ lực thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022 và cũng tương ứng với mức độ hỗ trợ tiền tệ trong thời kỳ đại dịch,” bà Yun Liu nhấn mạnh./.

Thúy Hà (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/hsbc-ky-vong-viet-nam-se-co-buoc-ngoat-tang-truong-lon-vao-quy-4/873442.vnp