HSBC: Việt Nam có thể dẫn đầu ASEAN về đầu tư cơ sở hạ tầng

Tại báo cáo triển vọng ASEAN mới nhất mang tên 'Củng cố tài khóa: Một chặng đường dài', nhóm nghiên cứu HSBC đã đưa ra nhận định về chiến lược tài khóa của các quốc gia trong khu vực. Trong đó, Việt Nam được xếp vào nhóm nước dẫn đầu xu hướng củng cố tài khóa trong năm 2023.

Xu hướng chính sách tài khóa phân hóa, Việt Nam dự báo dẫn đầu khu vực về đầu tư cơ sở hạ tầng

Sau hai năm tung ra những gói hỗ trợ tài khóa không hề nhỏ, thâm hụt tài khóa của các nước ASEAN được dự báo sẽ ở mức cao trong năm 2022. Nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực vẫn đang tiếp tục các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp nhằm giảm tác động của tình trạng lạm phát khi giá năng lượng và thực phẩm lên cao, chẳng hạn như Malaysia và Indonesia.

HSBC dự báo bước sang năm 2023, các nước ASEAN có vẻ sẽ trở lại giai đoạn củng cố tài khóa nhưng tốc độ triển khai khác nhau ở mỗi quốc gia. Trong đó, Việt Nam, Singapore và Indonesia có nhiều khả năng sẽ dẫn đầu về củng cố tài khóa, trong khi Malaysia, Thái Lan và Philippines được dự báo sẽ duy trì thâm hụt tài khóa lớn, cần nhiều thời gian hơn để củng cố.

Một ví dụ tiêu biểu, Singapore được đánh giá đang dẫn đầu ASEAN với các kế hoạch củng cố tài khóa tiến bộ. “Mặc dù ngân sách năm tài khóa 2023 phải tới đầu năm 2023 mới công bố và có hiệu lực từ tháng 4/2023, Singapore đã có động thái quay lại giai đoạn tài khóa thận trọng từ năm tài khóa 2022. Cụ thể, sau khi triển khai hỗ trợ mạnh mẽ trong đại dịch, Singapore đã giảm thâm hụt tài khóa từ 51,6 tỷ SGD (10,8% GDP) trong năm tài khóa 2020 xuống 3 tỷ SGD (0,5% GDP) trong năm 2022. Phần lớn sự cải thiện đến từ quyết định ngưng các hỗ trợ liên quan đến đại dịch”, báo cáo của HSBC nêu rõ.

Đến thời điểm hiện tại Singapore vẫn đang duy trì một số biện pháp hỗ trợ tài khóa, bao gồm Gói hỗ trợ Doanh nghiệp và Việc làm trị giá 500 triệu SGD nhằm củng cố thị trường lao động trong nước cũng như xoa dịu nhu cầu về dòng tiền cho doanh nghiệp... Tuy nhiên, quy mô hỗ trợ tài khóa năm nay cũng chỉ là một phần nhỏ của tổng gói hỗ trợ cao kỷ lục trị giá khoảng 100 tỷ SGD mà chính phủ Singapore triển khai trong hai năm 2020 và 2021 cộng lại.

Ngoài ra, Singapore cũng công bố gói hỗ trợ trị giá 1,5 tỷ SGD (0,3% GDP) để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong lạm phát; nhưng ngân sách hỗ trợ đến từ nguồn thu cao hơn kỳ vọng trong năm tài khóa 2021, nghĩa là không ảnh hưởng gì đến thâm hụt trong mức dự kiến.

Ở chiều ngược lại, tại Thái Lan, Chính phủ dự định tiếp tục theo đuổi chính sách mở rộng tài khóa hiện tại. Ngân sách đệ trình cho năm tài khóa 2023 của Thái Lan cao hơn năm trước 2,7%, tăng phần lớn do những kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chi cho những biện pháp nhằm xoa dịu tình hình giá dầu gia tăng. Tuy nhiên, thu ngân sách dự kiến lại chỉ tăng 3,8%, dẫn đến liên tục thâm hụt tài khóa xét tỷ trọng trên GDP.

Bảng: Tổng quan dữ liệu ngân sách ASEAN (Nguồn: HSBC)

Bên cạnh trợ giá, hầu hết các nền kinh tế trong khu vực được dự báo sẽ tiếp tục phân bổ lại các nguồn vốn đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng – một vấn đề ưu tiên thường trực với các nhà làm chính sách ASEAN và là một trọng tâm trong nỗ lực phục hồi kinh tế sau khi đại dịch làm gián đoạn tiến độ của nhiều dự án lớn.

Theo HSBC, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Thái Lan đều dựa vào đầu tư ngân sách để thúc đẩy phục hồi. Là một quốc gia liên tục đầu tư mạnh cho phát triển hạ tầng – tương đương 6% GDP mỗi năm, Việt Nam được đánh giá có nhiều khả năng dẫn đầu khu vực về mảng này.

“Nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thích ứng với tốc độ đô thị hóa đang gia tăng, nền kinh tế Việt Nam ngày càng cần nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng “truyền thống”. Mặc dù vậy, nhiều dự án đã rơi vào tình trạng đình trệ kéo dài và đội vốn... Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng cam kết đóng vai trò tích cực hơn trong việc giám sát tiến độ và tháo gỡ các khó khăn”, báo cáo của HSBC cho hay.

Còn tại Malaysia, Chính phủ đã tăng 30% ngân sách cho đầu tư phát triển trong kế hoạch ngân sách 2023, đồng thời triển khai một kế hoạch tổng thể giai đoạn 2023-2030 để giới thiệu mô hình đối tác công tư ( PPP) mới nhằm thúc đẩy các dự án phát triển hạ tầng.

Đầu tư cho cơ sở hạ tầng được kỳ vọng sẽ tăng đối với hầu hết các nước trong khu vực, trong đó dự báo Việt Nam dẫn đầu. Nguồn: HSBC

Thu ngân sách đối diện nhiều thách thức

Củng cố tài khóa không chỉ đơn giản là giảm chi ngân sách. Vấn đề còn nằm ở hiệu suất thu ngân sách của chính phủ cao thấp ra sao – thông qua các khoản thu từ thuế và các khoản thu khác. Củng cố tài khóa vẫn có thể diễn ra ngay cả khi chính phủ quyết định chi ngân sách nhiều hơn. Nếu một chính phủ có thể thu ngân sách cao hơn mức chi tiêu bị đội so với kế hoạch, thâm hụt tài khóa sẽ thu hẹp và trong trường hợp đó, về cơ bản, chính phủ đó vẫn đang củng cố các nguồn tài khóa.

Nhận định về cơ sở thuế ở các nước ASEAN, HSBC cho rằng Việt Nam cùng một số quốc gia bao gồm Malaysia, Indonesia, Thái Lan đang gặp một số thách thức về mở rộng nguồn thu thuế.

“Tỷ trọng thu thuế trên GDP của Thái Lan và Việt Nam gần đây đã giảm một phần là do những biện pháp tạm thời nhằm giúp đỡ người dân ứng phó với tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao… Việt Nam đã giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% và đồng thời cắt giảm thuế bảo vệ môi trường đối với một số loại nhiên liệu, tuy nhiên, những điều chỉnh này chỉ bắt đầu áp dụng từ năm 2022. Xin lưu ý ở đây, tỷ trọng thu ngân sách từ thuế trên GDP của Việt Nam giảm phần nào cũng do việc đánh giá lại quy mô GDP từ năm 2021”, trích nội dung báo cáo.

Còn tại các nước như Indonesia và Malaysia, thu ngân sách từ thuế sụt giảm là một vấn đề đặc biệt đáng lo ngại và đã xuất hiện từ trước đại dịch. Trong năm 2022, cả hai nước này đều đang “bội thu bất ngờ” do giá năng lượng thế giới tăng cao. Tuy nhiên, xu hướng này được nhận định chưa có gì chắc chắn trong năm 2023 khi giá năng lượng thế giới nhiều khả năng trở nên ổn định.

Ở chiều ngược lại, Singapore một lần nữa lại tỏ ra vượt trội về triển vọng thu ngân sách nhờ triển khai kế hoạch tăng thuế hàng hóa và dịch vụ GST. Theo đó, thuế GST sẽ được triển khai theo hai giai đoạn: tăng 1 điểm phần trăm từ ngày 1/1/2023 lên 8% và tăng thêm 1 điểm phần trăm từ 1/1/2024 lên 9%.

Thuế GST là nguồn thu ngân sách lớn thứ ba của Singapore, chiếm khoảng 15 tổng thu ngân sách. Khi công bố kế hoạch này vào năm 2018, chính phủ Singapore đã nhấn mạnh nhu cầu tăng thu ngân sách nhằm đáp ứng mức chi tiêu gia tăng cho giáo dục và y tế vì tới năm 2030, khoảng một phần tư dân số sẽ nằm trong độ tuổi 65 trở lên, hơn gấp đôi tỷ lệ của năm 2012. Đại dịch đã làm gián đoạn việc triển khai tăng thuế GST và chính phủ Singapore quyết tâm không trì hoãn thêm nữa bất chấp tình hình lạm phát đang cao.

Phần lớn chính phủ các nước ASEAN dự toán tăng trưởng thu ngân sách năm 2023 đều thấp hơn so với xu hướng trước đây (Nguồn: HSBC)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/hsbc-viet-nam-co-the-dan-dau-asean-ve-dau-tu-co-so-ha-tang.html