HSBC: Việt Nam đã lấy lại đà phục hồi ổn định trong quý I/2022

Ngân hàng HSBC nhận định kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ hướng đến GDP cả năm 2022 đạt 6,2% nhưng giá nhiên liệu thế giới tăng cao có thể đặt ra rủi ro cho tài khoản vãng lai và khả năng phục hồi tiêu dùng cá nhân.

Báo cáo “Vietnam at a glance – Bước đi thận trọng” được HSBC công bố ngày 31/3/2022 tán thưởng mức tăng trưởng GDP 5% trong quý I nhưng cũng đồng thời cảnh báo nền kinh tế rất có khả năng đối mặt với mức lạm phát cao hơn.

"Việt Nam đã có một khởi đầu tốt đẹp cho năm 2022 với GDP quý I/2022 tăng vững vàng ở mức 5% so với cùng kỳ năm trước, nhờ phục hồi trên diện rộng, cao hơn mức kỳ vọng 4,7% và thấp hơn chút so với mức dự báo chung của thị trường 5,5%," theo HSBC.

Kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, Quý 1/2022 đạt 5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ xuất khẩu vững vàng. Nguồn: Báo cáo của HSBC.

Giảm nhẹ mức dự báo GDP cả năm 2022

HSBC dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng 6,2% trong năm 2022 (thấp hơn mức dự báo 6,5% trước đó cũng của tổ chức này) nhiều khả năng vẫn là một trong những quốc gia tăng trưởng vượt bậc trong khu vực.

"Động lực tăng trưởng bên ngoài đã tăng tốc trở lại. Không chỉ hưởng lợi từ chu kỳ công nghệ được kéo dài, các ngành trọng điểm khác cũng có kết quả rất tốt. Tiêu dùng cá nhân tiếp tục phục hồi dù còn chậm", HSBC nhận định.

Đà phục hồi của Việt Nam trở nên ổn định trong quý I/2022 nhờ các trụ cột tăng trưởng bên trong và bên ngoài. Cụ thể, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong quý I/2022, sản lượng sản xuất tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ tăng trưởng hai con số của mảng điện tử.

Kết quả tích cực cũng phần nào được thể hiện ở động lực tăng trưởng bên ngoài đã mạnh mẽ trở lại. Xuất khẩu tháng 3/2022 tăng trưởng đạt gần 15% so với cùng kỳ năm trước, kéo tăng trưởng quý I/2022 lên gần 13% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này chủ yếu đạt được là nhờ nhu cầu hàng điện tử tăng cao.

Kết quả xuất khẩu vượt bậc cũng cho thấy tình trạng thiếu hụt lao động nói chung đã bớt nghiêm trọng, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mặc dù một số nơi vẫn phải đối mặt với tình trạng không đủ nhân công.

Mặc dù xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, thặng dư thương mại của Việt Nam trong quý I/2022 thu hẹp xuống mức tối thiểu 0,8 tỷ USD. Kết quả này không ngoài tầm dự đoán vì bản chất lĩnh vực sản xuất của Việt Nam luôn cần phải nhập khẩu nhiều. Thực tế, nhập khẩu tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và một nửa trong số đó là linh kiện điện tử.

Nguồn: Báo cáo “Vietnam at a glance – Bước đi thận trọng” của HSBC.

Giá nhiên liệu thế giới và những rủi ro với tăng trưởng

Mặc dù tình hình có vẻ lạc quan, các yếu tố cản trở tăng trưởng vẫn còn đó. Cụ thể, Việt Nam đang gặp một loạt thách thức trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao làm tăng chi phí sinh hoạt của người dân, làm chậm quá trình phục hồi tiêu dùng cá nhân và gây ảnh hưởng đến cán cân thương mại.

"Tình hình này sẽ khiến các chỉ số bên ngoài của Việt Nam bị thu hẹp, dẫn đến lần thâm hụt tài khoản vãng lai lần thứ hai liên tiếp", HSBC nhận định.

HSBC cho rằng Việt Nam cần lưu ý đến việc cán cân thương mại bị thu hẹp khiến lợi thế tài khoản vãng lai sẽ giảm sút theo. Bất chấp lượng kiều hối đổ về Việt Nam tăng mạnh, thặng dư thương mại nhỏ hơn đạt khoảng 5% GDP không đủ bù đắp cho thiếu hụt nguồn thu nhập chính và nguồn thu từ du lịch sụt giảm.

Điểm sáng của năm 2022 chính là việc Việt Nam mở cửa lại biên giới chắc chắn sẽ thúc đẩy doanh thu ngành du lịch. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi có khả năng sẽ chậm.

Bên cạnh đó, trước tác động do giá dầu thế giới tăng cao, HSBC dự báo Việt Nam sẽ có thêm một năm thâm hụt tài khoản vãng lai trong năm 2022 mặc dù mức độ thâm hụt cũng khiêm tốn, chỉ khoảng 0,2% GDP.

Xét những khó khăn bên ngoài, HSBC đã tăng nhẹ mức dự báo tỷ giá USD - VNĐ trong ngắn hạn nhưng mức dự báo đến cuối năm vẫn ở mức 22.800 đồng/USD.

Nguồn: Báo cáo “Vietnam at a glance – Bước đi thận trọng” của HSBC.

Điều chỉnh dự báo lạm phát tăng lên mức 3,7%

Trước tình hình giá dầu thế giới tăng cao và sẽ còn kéo dài một thời gian nữa, HSBC đã điều chỉnh dự báo lạm phát lên 3,7% trong năm 2022, vẫn dưới mức mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước.

Lạm phát năng lượng tiếp tục đà gia tăng, không ngừng tác động lên giá cả tiêu dùng. Lạm phát toàn phần tháng 3 tăng lên 0,7% so với tháng trước khiến mức tăng so với cùng kỳ năm 2021 đạt 2,4%.

Theo HSBC, lạm phát của Việt Nam về cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát so với các thị trường mới nổi khác, xét bối cảnh giá thực phẩm và áp lực giá do nhu cầu về cơ bản đã được kiểm soát.

Mặc dù vậy, rủi ro lạm phát gia tăng, dù là do cung, sẽ vẫn là dấu hiệu cho thấy cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Vì vậy, HSBC đã đẩy dự báo mức điều chỉnh tăng 50 điểm cơ sở lên Quý 3/2022 (trước đây dự báo Quý 4/2022), nhiều khả năng sẽ khiến lãi suất điều hành tăng lên 4,5% vào cuối năm 2022.

"Chúng tôi dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh lãi suất tăng 50 điểm cơ sở trong Quý 3/2022", theo HSBC.

Ngoài ra, một vài địa phương vẫn áp dụng biện pháp hạn chế khiến khả năng di chuyển của người dân nói chung trong quý I/2022 giảm xuống dẫn đến tiêu dùng cá nhân tăng trưởng chậm lại ở mức 4,3% so với cùng kỳ năm trước, dưới mức trước đại dịch.

Doanh thu bán lẻ phục hồi còn khá chậm, quý I/2022 đạt mức 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Một phần lý do là thị trường lao động của Việt Nam còn yếu. Trong khi đó, giá dầu tăng cao cũng có khả năng khiến thu nhập thực tế của người dân bị giảm, nhất là khi thị trường lao động đang trong giai đoạn đầu phục hồi đầy hứa hẹn.

Bên cạnh động lực tăng trưởng bên ngoài vững vàng, HSBC cho rằng nhu cầu trong nước cũng dần phục hồi khi Việt Nam kiên trì theo đuổi chiến lược “sống chung với virus” với tăng tốc phủ vaccine đạt 80% dân số đã được tiêm phòng đủ hai mũi, gần 50% được tiêm mũi tăng cường.

Nguồn Mekong Asean: https://mekongsean.vn/hsbc-viet-nam-da-lay-lai-da-phuc-hoi-on-dinh-trong-quy-i-2022-post5013.html