HTX Chăn nuôi Tam Đảo vững vàng vượt dịch nhờ liên kết sản xuất

Dịch Covid - 19 bùng phát đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, nhờ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, cùng với nỗ lực của các thành viên, HTX chăn nuôi Tam Đảo, xã Yên Dương, huyện Tam Đảo đã vượt lên khó khăn, gặt hái được những kết quả tích cực.

Trung bình mỗi tháng HTX Chăn nuôi Tam Đảo xuất bán cho Công ty TNHH Nippon Zoki 3.000 con thỏ thành phẩm với mức giá 182 nghìn đồng/con. Ảnh: Thế Hùng

Trung bình mỗi tháng HTX Chăn nuôi Tam Đảo xuất bán cho Công ty TNHH Nippon Zoki 3.000 con thỏ thành phẩm với mức giá 182 nghìn đồng/con. Ảnh: Thế Hùng

Thành lập từ năm 2015, song thay vì đi theo những mô hình chăn nuôi lợn, gà đã khá phổ biến trên địa bàn tỉnh, HTX chăn nuôi Tam Đảo lựa chọn cho mình mô hình khá mới mẻ ở thời điểm đó là chăn nuôi thỏ theo hướng liên kết.

Chia sẻ về sự ra đời của HTX, anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX chăn nuôi Tam Đảo cho biết: “Bắt tay vào chăn nuôi khá sớm song trước đây, tôi chủ yếu tập trung vào chăn nuôi gà. Tuy nhiên, do thị trường không ổn định, dịch bệnh khiến kết quả không đạt được như mong muốn, nên tôi quyết định chuyển hướng. Năm 2014, tôi đã liên kết với Công ty TNHH Nippon Zoki đầu tư chuồng trại, xây dựng mô hình chăn nuôi thỏ New Zealand”

Là người đầu tiên trên địa bàn tỉnh kết nối với Công ty Nippon Zoki và xây dựng mô hình chăn nuôi phục vụ xuất khẩu thỏ sang Nhật Bản để nghiên cứu, chế biến dược phẩm, nên thời gian đầu, anh Thắng gặp không ít khó khăn, từ việc xây dựng chuồng trại, do phải sửa đi sửa lại chuồng nuôi nhiều lần dẫn tới chi phí đầu tư bị đội lên cao.

Song với quyết tâm cùng sự chịu khó học hỏi, rút kinh nghiệm, lứa thỏ thành phẩm đầu tiên của anh Thắng nhận được sự đánh giá tích cực từ phía công ty. Trên cơ sở đó, anh Thắng đã liên kết với một số hộ chăn nuôi thỏ trên địa bàn tỉnh, thành lập HTX chăn nuôi Tam Đảo, chính thức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Nippon Ziko từ năm 2015.

Xác định mục tiêu rõ ràng là sản xuất phục vụ xuất khẩu với những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng so với thị trường tự do, thay vì làm chuồng hở theo kiểu chăn nuôi truyền thống, 100% các trại của các thành viên HTX đều xây dựng chuồng lạnh khép kín có thể điều chỉnh được nhiệt độ cũng như hạn chế dịch bệnh cho thỏ.

Bên cạnh quy trình chăm sóc, phòng dịch cẩn thận, mỗi con thỏ của HTX khi xuất bán đều có mã số riêng để có thể truy xuất nguồn gốc, đồng thời giúp đánh giá chất lượng từng hộ chăn nuôi.

Với sự đầu tư kỹ lưỡng cùng quy trình chăn nuôi bài bản, HTX không ngừng mở rộng quy mô. Hiện, HTX chăn nuôi Tam Đảo đã liên kết được 10 trang trại thành viên ở cả Vĩnh Phúc và Tuyên Quang với tổng đàn lên tới 2000 thỏ mẹ và gần 15 nghìn thỏ thương phẩm.

Do ảnh hưởng của dịch Covid -19, giá thức ăn chăn nuôi cho thỏ trong 2 năm trở lại đây liên tục tăng, chi phí sản xuất của HTX cũng vì vậy mà tăng 10 nghìn đồng/con. Ngoài ra, các nhà hàng quán ăn nhiều lần phải tạm dừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng, dẫn tới thị trường tiêu thụ thỏ thương phẩm cũng bị ảnh hưởng, giá bán từ 80 -85 nghìn đồng/kg giảm xuống 60-65 nghìn đồng/kg.

Được biết, mức giá này chỉ đủ để người chăn nuôi thỏ trang trải các chi phí đầu tư về con giống, thuốc phòng dịch bệnh, thức ăn mà chưa có công lao động. Tuy vậy, nhờ hướng đi đúng ngay từ đầu là liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nên dù giữa đại dịch, HTX chăn nuôi Tam Đảo vẫn “sống khỏe”.

Cụ thể, 70% số thỏ của HTX được tiêu thụ với mức giá ổn định là 182 nghìn đồng/con (tương đương với 80 nghìn đồng/kg) theo hợp đồng đã ký kết từ nhiều năm nay. Chỉ khoảng 30% số thỏ tiêu thụ ở thị trường tự do.

Do đó, trong khi nhiều HTX nông nghiệp cũng như các hộ chăn nuôi thỏ truyền thống đang gặp khó khăn do dịch, thì HTX chăn nuôi Tam Đảo vẫn thu về khoản lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/tháng.

Tiếp nối những thành công đã đạt được, anh Thắng cho biết: “Trong điều kiện bình thường mới, tình hình đi lại, ăn uống, du lịch tại các tỉnh thành đã bắt đầu phục hồi, giá thỏ thương phẩm có thể sẽ tăng trở lại.

Bởi vậy, HTX dự định sẽ liên kết với thêm với một số hộ chăn nuôi nhỏ mở rộng việc tiêu thụ thỏ thương phẩm ở thị trường tự do. Đồng thời, nếu Công ty Nippon Zoki có đề xuất tăng sản lượng thu mua, HTX cũng sẵn sàng tăng đàn, đảm bảo đáp ứng đủ sản lượng mà phía công ty mong muốn”.

Không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên, với những nỗ lực vượt khó, phát triển sản xuất, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, HTX chăn nuôi Tam Đảo có thể coi là một mô hình điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Trương Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Yên Dương (Tam Đảo) chia sẻ: “Thành công của HTX chăn nuôi Tam Đảo trong những năm qua đã tạo được hiệu ứng tốt, góp phần làm thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp của bà con địa phương, đặc biệt là trong việc liên kết sản xuất cũng như ứng dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi”.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/74840/htx-chan-nuoi-tam-dao-vung-vang-vuot-dich-nho-lien-ket-san-xuat.html