HTX nông nghiệp có doanh thu bình quân 2,3 tỷ đồng/năm, lãi 378 triệu đồng
Doanh thu bình quân của một HTX nông nghiệp đạt khoảng 2,3 tỷ đồng/năm, lãi bình quân đạt 378 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên HTX đạt 50 triệu đồng/năm.
Đây là những con số được Bộ NN&PTNT nêu tại báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Trong báo cáo, Bộ NN&PTNT dành một phần đề cập tới nội dung đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, chú trọng phát triển quy mô thành viên và tăng nhanh tỷ trọng HTX hoạt động có hiệu quả; phấn đấu đến hết năm 2025 có 25.000 HTX kiểu mới trong nông nghiệp.
Thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy đến nay, cả nước có 19.431 HTX nông nghiệp và 92 Liên hiệp HTX nông nghiệp. Theo Thông tư 09/TT-BNN-KTHT của Bộ NN&PTNT, có 60% HTX nông nghiệp được đánh giá xếp loại khá, tốt; 30% loại trung bình; còn lại 10% yếu kém.
Doanh thu bình quân của 1 HTX nông nghiệp đạt khoảng 2,3 tỷ đồng/năm, đạt 100% mục tiêu kế hoạch đề ra. Lãi bình quân HTX nông nghiệp đạt 378 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên đạt 50 triệu đồng/năm.
Đến nay, cả nước có 2.297 HTX nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp trong HTX, 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, tương ứng 13% và 12% tổng số HTX nông nghiệp cả nước. Đặc biệt, đã có trên 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, bằng 24,5% tổng số HTX nông nghiệp, tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5-7%.
Trong tổng số 2.038 chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phâm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, có 4 tác nhân tham gia liên kết, bao gồm: 293 tổ chức khoa học, 188.162 hộ nông dân, 1.250 HTX nông nghiệp và 777 tổ hợp tác đã tham gia liên kết với 543 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo quy định, để thực hiện liên kết theo Nghị định 98 cần phải có chủ trì liên kết.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cho biết, HTX nông nghiệp khi tham gia liên kết theo Nghị định 98 gặp nhiều khó khăn khi liên kết chuỗi giá trị, như: không có vốn; không có đất, nhà xưởng máy móc, thiết bị; không có phương tiện vận chuyển; không cạnh tranh được với tư nhân; trình độ, năng lực hạn chế của cán bộ quản lý HTX; quy mô sản xuất nhỏ của hộ thành viên không đáp ứng yêu cầu của đối tác thu mua sản phẩm; giá thu mua sản phẩm của doanh nghiệp không cao hơn giá thị trường...
Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn mà các địa phương, doanh nghiệp, HTX và người dân đang gặp phải. Trong phạm vi nhiệm vụ của mình, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách tạo điều kiện cho việc thực hiện liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, tập trung vào các chính sách như: đất đai, hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các chủ thể liên kết thực hiện chế biến, thương mại và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực...