HTX nông nghiệp tại TP.HCM hướng đến phát triển nông nghiệp tuần hoàn

Sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn là xu thế hiện nay của các quốc gia trên thế giới. Thông qua mô hình này, không chỉ tạo ra được các sản phẩm chất lượng cao, an toàn mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trong những năm gần đây, nông nghiệp luôn giữ vị trí trọng tâm trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng như bao ngành khác, nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với vấn đề rác thải, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, mức độ tiêu thụ chưa bền vững…

Để khắc phục những hạn chế này, các hợp tác xã nông nghiệp tại huyện Củ Chi, TP.HCM đã có bước chuyển biến lớn trong mô hình hoạt động, từ “nông nghiệp truyền thống” sang “nông nghiệp tuần hoàn”.

Để tiến tới sản xuất nông nghiệp bền vững, các HTX nông nghiệp đang từng bước áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: SHT.

Để tiến tới sản xuất nông nghiệp bền vững, các HTX nông nghiệp đang từng bước áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: SHT.

Nông nghiệp tuần hoàn là khái niệm về một mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Về lý thuyết, mô hình này áp dụng nguyên lý sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý vào việc tái chế các chất thải, phế phụ phẩm để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phát Đạt, ấp Ngã Tư, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi đã và đang áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn trong chăn nuôi ếch sạch. Hợp tác xã được anh Dương Đình Tình đứng ra thành lập năm 2019 với 7 thành viên, quy mô sản xuất gần 5 hecta.

Anh Tình cho biết, anh quyết tâm xây dựng trang trại ếch sạch theo hệ thống sản xuất tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, không phụ thuộc vào thương lái, cũng như tạo điểm nhấn nổi bật cho hoạt động nông nghiệp tại địa phương.

Anh Dương Đình Tình tại trại nuôi ếch sạch theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: Kim Chi.

Anh Dương Đình Tình tại trại nuôi ếch sạch theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: Kim Chi.

Anh nuôi ếch trong vèo. Dưới mỗi ao nuôi còn kết hợp nuôi ghép với cá rô để chúng làm sạch chất thải của ếch. Do ếch được nuôi hoàn toàn bằng thức ăn hữu cơ nên việc tận dụng chất thải của ếch làm nguồn thức ăn cho cá đảm bảo không gây hại mà còn giúp môi trường ao nuôi luôn sạch sẽ, giảm thiểu ô nhiễm. Nước trong ao cũng được tận dụng để tưới cây, giúp cây có thêm dinh dưỡng, phát triển tươi tốt. Anh ấp ủ tạo ra thêm nhiều mảng xanh quanh trại nuôi ếch để phục vụ cho việc tham quan, vui chơi, tìm hiểu về loài ếch dành cho các bé thiếu nhi trên địa bàn xã. Trong tương lai gần, anh còn dự tính kết hợp với một vài công ty lữ hành để đưa du khách đến với trang trại.

Vèo nuôi ếch của anh Tình luôn cho năng suất cao nhờ áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: Kim Chi.

Vèo nuôi ếch của anh Tình luôn cho năng suất cao nhờ áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: Kim Chi.

Bên cạnh hợp tác xã của anh Tình, hợp tác xã Thỏ sạch An Nhơn Tây của anh Nguyễn Mạnh Hùng tại ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi cũng đang áp dụng cách thức tương tự. Các giống thỏ tại đây được nuôi hoàn toàn bằng thức ăn sạch. Chất thải của chúng sẽ được phân tách để làm nguồn thức ăn cho trùn quế (giống trùn được dùng phổ biến trong chăn nuôi gia cầm) hoặc làm phân bón cây. Nước thải chăn nuôi sẽ được dùng để tưới cỏ trong mùa khô, giúp tạo ra nguồn thức ăn thiên nhiên cho thỏ. Qua đó, nguồn chất thải tại trại thỏ của anh thực sự trở thành một nguồn tài nguyên có ích.

Thỏ New Zealand lai (lông trắng, mắt đỏ) được nuôi tại HTX Thỏ sạch An Nhơn Tây theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn.

Thỏ New Zealand lai (lông trắng, mắt đỏ) được nuôi tại HTX Thỏ sạch An Nhơn Tây theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn.

Việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn cũng là xu hướng chung của các hợp tác xã nông nghiệp tại TP.HCM. Tuy nhiên, đây cũng là mô hình khá mới mẻ nên các hợp tác xã mong muốn có sự hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước về chính sách, vốn cũng như về khoa học công nghệ.

Theo các chuyên gia, để nhân rộng và phát huy những tiềm năng, lợi thế của mô hình này cần xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất, trong đó, phân định rõ vai trò từng thành tố, tiến tới chuyên môn hóa, hệ thống hóa, gắn chặt với ứng dụng các tiến bộ khoa học. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự tuyên truyền và hướng dẫn của các trung tâm khuyến nông nhằm nâng cao nhận thức và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về nông nghiệp tuần hoàn cho người sản xuất, các chủ trang trại.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết, ngành nông nghiệp thành phố đã và đang phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn kết hợp với các loại hình du lịch, giáo dục thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất giống và sản phẩm hàng hóa đặc sản, đặc trưng của TP.HCM lâu dài. “Chính quyền TP.HCM luôn đồng hành với nông dân bằng nhiều chính sách hỗ trợ như: tập huấn chuyển giao công nghệ, hỗ trợ lãi suất, xúc tiến thương mại nông sản… giúp nông dân làm giàu” ông Hiệp nhấn mạnh.

Nguyễn Bảo, Kim Chi

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//chuyen-hay/htx-nong-nghiep-tai-tphcm-huong-den-phat-trien-nong-nghiep-tuan-hoan-c17a56764.html