HTX vùng cao 'biến nguy thành cơ' để khẳng định thương hiệu cá hồi - cá tầm thượng hạng
HTX Thức Mai là đơn vị tiên phong của tỉnh Lào Cai khi thành công đưa những sản phẩm thượng hạng được chế biến từ cá hồi và cá tầm Sa Pa tới người tiêu dùng trên mọi miền Tổ quốc. Hiện nay, HTX đang tìm giải pháp khắc phục những khó khăn trước thực trạng nghề nuôi cá nước lạnh dần bộc lộ một số hạn chế, từ đó phát triển theo hướng bền vững và hiện đại.
Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai ở độ cao trung bình từ 1.500m - 1.700m so với mực nước biển. Với địa hình núi cao, thời tiết Sapa quanh năm mát mẻ với nhiệt độ trung bình dao động từ 15 – 18 độ C, có nhiều nhánh suối và khe nước từ rừng già trên các dãy núi cao chảy về, do đó mà hội tụ đủ những điều kiện thuận lợi về tự nhiên để người dân bản địa phát triển nghề nuôi cá nước lạnh.
Hiện nay, trên toàn tỉnh Lào Cai có hơn 200 cơ sở nuôi cá hồi và cá tầm. Ngoài thị xã Sa Pa là địa phương có quy mô và diện tích nuôi cá nước lạnh lớn nhất tỉnh thì các cơ sở nuôi cá còn phân bố ở một số huyện như Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Văn Bàn. Tuy nhiên, do sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún nên dù còn nhiều tiềm năng nhưng hiệu quả kinh tế đem lại trước kia vẫn chưa cao.
Nông dân vùng cao “biến nguy thành cơ”
Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội đã khiến đầu ra sản phẩm của các cơ sở nuôi cá gặp khó khăn, trong khi giá bán cũng theo đà ảnh hưởng mà bị giảm mạnh.
Trong bối cảnh đó, tháng 3/2020, HTX nuôi và chế biến thủy sản nước lạnh cá hồi cá tầm Sa Pa Thức Mai (HTX Thức Mai) chính thức được thành lập với 7 thành viên, có địa chỉ tại thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Mục tiêu của HTX là tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng, mang lại nguồn thu nhập cao và xây dựng thương hiệu tập thể. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế của vùng quê nghèo miền núi.
Chia sẻ với phóng viên VnBusiness về quyết định táo bạo trong sản xuất và kinh doanh khi ấy, bà Phạm Thị Mai - Giám đốc HTX Thức Mai cho biết: “Vào thời điểm đó, việc cá hồi Sa Pa phải kêu gọi giải cứu đã thúc đẩy chúng tôi tập hợp nhau lại và cùng hình thành nên HTX Thức Mai. Qua đó vừa có thể tự giải quyết vấn đề cho chính mình, vừa giúp thu mua cá cho bà con và sơ chế đóng gói cung ứng ra thị trường”.
Tuy mới chỉ thành lập hơn 3 năm nhưng không ít thành viên HTX đã có thâm niên kinh nghiệm trong việc nuôi cá tầm, cá hồi lên tới… một thập kỷ! Với tâm huyết phát triển thủy sản quê hương, trong giai đoạn khó khăn khi phải lâm vào tình cảnh lao đao vì Covid-19, ban lãnh đạo HTX luôn trăn trở phải làm sao để tìm đầu ra cho cá hồi, cá tầm Sa Pa.
“Biến nguy thành cơ”, HTX Thức Mai đã lựa chọn hướng phát triển nuôi cá theo mô hình khép kín và quyết tâm thực hiện. Trên quy mô diện tích khoảng 1ha, đơn vị đã mạnh dạn huy động số vốn lên tới 3 tỷ đồng để đầu tư mua máy móc, thiết bị chế biến thủy sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Song song với đó là tiến hành thu mua cá hồi, cá tầm giúp bà con gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ, đồng thời cung cấp giống và thức ăn chăn nuôi chất lượng cao cho các cơ sở và hộ dân nuôi cá.
Cùng nhau vượt qua tháng ngày khó khăn nhất, đến nay, nhiều hộ nuôi cá không giấu khỏi niềm phấn khởi khi chia sẻ với phóng viên rằng, HTX luôn là địa chỉ đáng tin cậy để bà con đến học hỏi kinh nghiệm và được giải đáp thắc mắc xung quanh những vấn đề như con giống chất lượng, thức ăn cho cá, gia tăng sản lượng,...
Định vị thương hiệu cá nước lạnh thượng hạng
Nghề nuôi cá tầm, cá hồi trong nước lạnh đòi hỏi những yêu cầu rất khắt khe về kỹ thuật, nguồn nước phải là nước sạch có dòng chảy và nhiệt độ đảm bảo luôn dưới 20 độ C cùng nồng độ oxy hòa tan cao.
Hình thức được HTX Thức Mai áp dụng trong việc nuôi cá hồi, cá tầm là nhập về trứng cá đã thụ tinh nhân tạo từ châu Âu và tiến hành nuôi thả trong môi trường nước lạnh từ 1,5 - 2 tháng. Sau đó, trứng sẽ nở thành cá con. Cá con được ươm giống cho đến khi đạt khoảng 30 gram thì chuyển ra hồ nuôi thương phẩm.
Được biết, HTX Thức Mai là một trong 7 cơ sở nuôi cá nước lạnh đầu tiên ở tỉnh Lào Cai chủ động mời chuyên gia về phân tích, đánh giá môi trường theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến năm 2021, HTX đã ghi dấu “bước tiến dài” trên hành trình làm kinh tế tập thể khi chính thức phát triển mô hình sản xuất “từ trang trại đến bàn ăn” của người tiêu dùng.
Theo đó, HTX đã quyết tâm tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa để đa dạng hóa mặt hàng phục vụ nhu cầu người mua trên thị trường, đồng thời nâng cao giá trị thương phẩm của cá hồi, cá tầm. Cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm từ cá cũng được đầu tư bài bản với máy móc, thiết bị tân tiến, hiện đại.
Các sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc và thường xuyên được lấy mẫu đi kiểm tra, đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, cơ sở đã áp dụng phương thức bảo quản thực phẩm bằng cách xử lý nấm mốc vi sinh ngay trong quá trình sản xuất ở ngưỡng dưới 0 độ C rồi mới tiến hành đóng gói hút chân không.
Năm 2022, một số sản phẩm tiêu biểu của HTX như cá tầm cắt khúc, chả cá tầm, viên thả lẩu cá hồi, xúc xích cá tầm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm khác cũng nhận được sự đón nhận tích cực trên thị trường như ruốc cá hồi, cá hồi hun khói, cá hồi phi lê, cá hồi cắt khúc, tinh dầu cá, cá tầm hun khói, cá tầm kho cạn,...
Giám đốc Phạm Thị Mai cho biết, trung bình mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn cá hồi, cá tầm thương phẩm. Ngoài việc tiêu thụ tại Sa Pa, các sản phẩm của HTX đã có mặt tại nhiều tỉnh thành khác trên cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Sơn La, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa,...
Đầu ra sản phẩm tại các hệ thống siêu thị hiện chiếm khoảng 50% số lượng cá mà trang trại của HTX nuôi được, còn lại là tiêu thụ qua các kênh bán lẻ, trở thành thực phẩm được ưa chuộng trong thực đơn bữa ăn của hàng nghìn gia đình Việt.
Quyết tâm chuyển đổi số và mở rộng quy mô
Hiện nay, trại nuôi cá của HTX đảm bảo công ăn việc làm cho trên 20 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, giúp ổn định kinh tế của các hộ thành viên và góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Ngoài ra, thông tin từ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai cho biết, HTX đã tạo thêm công ăn việc làm cho hơn 100 hộ dân nuôi cá nhỏ lẻ với trên 200 lao động, giúp đảm bảo mức sống của các gia đình ở mức khá và có thể vươn lên làm giàu. Hàng năm, trừ đi các chi phí đầu tư, HTX thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Anh Bàn Phúc Tiến - công nhân HTX Thức Mai chia sẻ: “Gắn bó với HTX hơn 2 năm, nhờ đó mà tôi có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng để duy trì và đảm bảo cuộc sống. Những người ở nơi xa như tôi đến thôn Can Hồ Mông làm việc đều được HTX tạo điều kiện giúp đỡ cho có chỗ ăn, chỗ nghỉ đàng hoàng để yên tâm lao động sản xuất”.
Tuy là đơn vị “lá cờ đầu” của tỉnh Lào Cai trong việc thực hiện chế biến sâu và đưa những sản phẩm thượng hạng được chế biến từ cá hồi, cá tầm Sa Pa tới tận bàn ăn người tiêu dùng trên mọi miền Tổ quốc nhưng hiện nay, HTX Thức Mai đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trước thực trạng nghề nuôi cá nước lạnh dần bộc lộ một số hạn chế.
Cụ thể, thực trạng thiếu nguồn cá bố mẹ đã khiến HTX chưa thể hoàn toàn chủ động trong việc sản xuất giống. Bên cạnh đó, kỹ thuật sinh sản nhân tạo cho thủy sản nuôi trồng còn hạn chế; thức ăn cho cá hồi và cá tầm vẫn chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, việc liên kết trong sản xuất còn thiếu tính ràng buộc; quy mô, phạm vi liên kết còn nhỏ, nên thị trường không ổn định…
Để khắc phục những hạn chế này, đại diện HTX cho biết trong thời gian tới sẽ nghiên cứu thêm để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quảng bá sản phẩm, thương hiệu. Đây cũng chính là mong mỏi của ban lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Lào Cai khi cơ quan này cho biết đang tập trung nguồn lực để giúp đỡ bà con “bắt nhịp” số hóa trong thời đại mới vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Khi đã số hóa, đã đưa sản phẩm lên được các sàn thương mại điện tử thì hàng hóa của HTX sẽ được quảng bá rộng rãi. Qua đó giúp gia tăng độ nhận diện thương hiệu, được thị trường đón nhận tốt hơn, việc sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian trước khi đến tay người tiêu dùng cũng dần được cắt bớt”, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lào Cai Trương Mạnh Hùng chia sẻ trong cuộc phỏng vấn riêng với VnBusiness.
Ngoài đẩy mạnh chuyển đổi số, HTX Thức Mai cũng đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng việc liên kết với các hộ nuôi cá nhỏ lẻ trên địa bàn và đầu tư, mở rộng quy mô cơ sở sơ chế, chế biến. Qua đó, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và củng cố vị thế vững chắc trong lòng người tiêu dùng.